Bản tin kinh doanh tài chính ngày 27/1/2024

Bản tin kinh doanh tài chính ngày 27/1: Giá vàng SJC trong nước chênh với thế giới khoảng 15,3 triệu đồng/lượng; nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu tôm…

Mục lục

400 tấn vàng đang nằm trong két người dân, SJC một mình một chợ
Giá vàng SJC chênh với thế giới 15,3 triệu đồng/lượng
56,7% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam
Tháng 6/2024, vận hành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội
Hơn 2,36 tỷ USD vốn FDI trong tháng đầu năm 2024
Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.721 tỷ đồng
Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu tôm
8 tỷ USD chờ điện sạch để vào Việt Nam
Nga thu kỷ lục hơn 45 tỷ USD trong năm 2023 từ xuất khẩu nông sản
Cổ phiếu ngân hàng hồi phục
Người Trung Quốc đổ xô mua Bitcoin
Indonesia muốn cạnh tranh xuất khẩu giày dép với Việt Nam tại EU
Thu nhập của nhiều lãnh đạo ngân hàng giảm mạnh trong năm 2023
Tiểu thương, cửu vạn lo mất Tết

400 tấn vàng đang nằm trong két người dân, SJC 'một mình một chợ'

Vừa qua, do những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, khiến biên độ, sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch trong nước và thế giới ở một số thời điểm rất lớn, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội…

Nhìn nhận về tình trạng trên, tại cuộc tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng thông thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 25/1, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

“Bây giờ không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền. Tôi cho rằng phải xem lại xem có nhất thiết phải độc quyền hay không”, ông Cường đặt vấn đề.

Theo ông Cường, những năm qua Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và có những thời kỳ tăng cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Điều này là rất phí lý, và những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, khi phải mua vàng với một cái giá rất cao.

Ngoài ra, việc này không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng tên SJC Nhà nước bảo hộ sẽ thì giá rất cao. Các vàng khác không được bảo hộ thì đương nhiên giá sẽ thấp.

Giá vàng SJC chênh với thế giới 15,3 triệu đồng/lượng

Rạng sáng nay 27/1, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 74,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,82 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 300.000 đồng ở cả 2 chiều.

Giá vàng SJC trong nước hôm nay chênh với thế giới khoảng 15,3 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới rạng sáng nay ổn định, với vàng giao ngay giảm 1,1 USD xuống 2.018,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.018,2 021 USD/ounce, giảm 2,9 USD so với rạng sáng qua.

Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch so với giá vàng SJC trong nước khoảng 15,3 triệu đồng/lượng.

56,7% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam

56,7% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi, nói dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, đứng thứ hai ở Đông Nam Á, sau Lào.

Tỷ lệ này giảm 3,3 điểm % so với khảo sát năm 2022. Dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước Đông Nam Á chủ chốt có tỷ lệ dự kiến mở rộng giảm.

Tính trên tất cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà Jetro khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Lào. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á, Lào đã vượt lên đứng nhất, với 63,3% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng.

Tháng 6/2024, vận hành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Đó là yêu cầu của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.

Tổng đầu tư dự án hơn 34.800 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng; trong đó vốn đối ứng ngân sách thành phố tăng gần 3.900 tỷ đồng, vốn vay ODA giảm gần 2.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2009, dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Hơn 2,36 tỷ USD vốn FDI trong tháng đầu năm 2024

Tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15,7% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD (giảm 23,1% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 174 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 14,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ).

Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, thì vốn giải ngân trong tháng 1/2024 cũng khá khả quan là 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.721 tỷ đồng

Thống kê từ công ty chứng khoán VNDirect cho thấy, trong quý IV/2023 có 166 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 146.277 tỷ đồng (tăng 22,3% so với quý III/2023 và cao gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có 159 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 131.970 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng giá trị phát hành.

Lũy kế cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.721 tỷ đồng (tăng 25,6% so với cùng kỳ). Trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 300.610 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục có sự phục hồi trong quý IV/2023, khi tăng 22% so với quý III/2023 và cao gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhóm ngân hàng phát hành trong quý IV/2023 đạt khoảng 92.203 tỷ đồng, chiếm gần 69,9% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý IV/2023.

Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu tôm

Năm 2024, dự kiến có nhiều triển vọng tươi sáng hơn cho xuất khẩu tôm. Giới chuyên gia nhận định: Thứ nhất, do Ecuador đang bạo loạn bất ổn khiến cho sản xuất bị đình trệ và việc xuất khẩu khó hơn. Thứ hai, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến cho vận chuyển đường biển ách tắc. Đó là trở ngại của Ecuador sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, năm 2024, tại thị trường Trung Quốc, chắc chắn thị phần sẽ giành cho Việt Nam.

Tương tự Trung Quốc, xuất khẩu tôm cũng dự kiến thuận lợi tại Mỹ, Nhật Bản. Thị trường Mỹ được dự báo tăng nhẹ khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt và doanh số bán lẻ tại nước này phục hồi.

8 tỷ USD chờ điện sạch để vào Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez nói 15 công ty muốn đầu tư 8 tỷ USD nếu Việt Nam đảm bảo cung ứng điện sạch.

"Đây là cơ hội ngay hiện tại. Họ sẵn sàng đầu tư nhưng gặp trở ngại khi đã cam kết với cổ đông, khách hàng là chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, họ đợi hệ thống năng lượng này tại Việt Nam phát triển, mở rộng", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez thông tin với báo chí chiều 26/1 nhân chuyến làm việc ở Việt Nam.

Nga thu kỷ lục hơn 45 tỷ USD trong năm 2023 từ xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản đem về cho Nga khoản thu kỷ lục hơn 45 tỷ USD trong năm 2023, theo số liệu sơ bộ của Bộ Nông nghiệp nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp hôm 24/1, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết năm ngoái, nước này thu hoạch 147 triệu tấn nông sản, thấp hơn 10 triệu tấn so với năm 2022.

"Các chỉ số về sản xuất cho phép Nga tái khẳng định vị thế là nước xuất khẩu ròng nông sản", ông Dmitry Patrushev nói.

Nhờ đó, xuất khẩu nông sản đem lại cho Nga khoản thu hơn 45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Cũng theo số liệu Bộ Nông nghiệp Nga, sản xuất sữa và thịt lần lượt tăng 500.000 tấn và 300.000 tấn trong năm 2023. Sản lượng cá lên cao nhất 30 năm, với 5,3 triệu tấn. Trong đó, riêng cá hồi đạt 600.000 tấn, đưa Nga trở thành nước sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới, Patrushev cho biết.

Năm nay, Bộ Nông nghiệp Nga ước tính ngũ cốc xuất khẩu sẽ đạt 60 triệu tấn. Hiện, chưa có lệnh trừng phạt trực tiếp nào áp lên hoạt động mua bán mặt hàng này, trong khi chủ yếu áp dụng với các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân và ngành năng lượng Nga. Dù vậy, chúng cũng khiến các công ty Nga khó khăn hơn khi vận chuyển hàng hóa và thanh toán.

Cổ phiếu ngân hàng hồi phục

VN-Index kết tuần với nhịp phục hồi hơn 5 điểm nhờ trợ lực lớn từ các cổ phiếu ngân hàng, như VCB, BID, ACB.

Thị trường chứng khoán tuần này chủ yếu đi lùi với ba phiên điều chỉnh liên tiếp, trong đó ảnh hưởng lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan hơn đã xuất hiện trong phiên cuối tuần.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện ngay đầu phiên, giúp VN-Index dao động quanh vùng 1.174-1.176 điểm và chốt phiên gần 1.175,7 điểm. Mức này tăng 5,3 điểm so với hôm qua.

Người Trung Quốc đổ xô mua Bitcoin

Ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm cách sở hữu Bitcoin và các tiền số khác, vì tin rằng chúng an toàn hơn chứng khoán và bất động sản. Những người này chỉ hoạt động trong vùng xám. Tiền số bị cấm tại Trung Quốc đại lục, và nước này cũng kiểm soát nghiêm ngặt việc chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng người dân vẫn có thể giao dịch trên các sàn như OKX hay Binance, hoặc thông qua các kênh phi tập trung.

Nền tảng theo dõi dữ liệu tiền số Chainalysis cho biết các hoạt động liên quan đến tiền số tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Xếp hạng của nước này trên toàn cầu, về khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P), đã tăng lên thứ 13 vào năm ngoái. Năm 2022, thứ hạng của Trung Quốc là 144.

Phần lớn hoạt động tiền số tại Trung Quốc "được thực hiện qua các kênh phi tập trung, không chính thức, hoặc trao đổi ngang hàng (P2P)", Chainalysis cho biết trong báo cáo.

Indonesia muốn cạnh tranh xuất khẩu giày dép với Việt Nam tại EU

Indonesia đã đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với EU từ năm 2016. Hai bên đã kết thúc vòng đàm phán thứ 16 và sẽ tổ chức cuộc gặp tiếp theo vào tháng tới. Chính phủ nước này rất muốn kết thúc các cuộc đàm phán CEPA trong năm nay. "Đây là một hiệp định thương mại rất quan trọng để mở ra khả năng tiếp cận thị trường", Bộ trưởng Airlangga nói.

Indonesia muốn sớm có thỏa thuận thương mại với EU để cạnh tranh với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu giày dép, Bộ trưởng nước này cho biết.

Thu nhập của nhiều lãnh đạo ngân hàng giảm mạnh trong năm 2023

Tính đến hết quý IV/2023, trong các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, một số nhà băng thông tin về thu nhập bình quân tháng của nhân viên cũng như dàn lãnh đạo. Trong đó, lương thưởng của lãnh đạo sụt giảm mạnh trong năm 2023.

Tiểu thương, cửu vạn lo mất Tết

Có mặt tại chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk lúc 9 giờ sáng, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước sự ảm đạm của một khu chợ lớn thường sầm uất của tỉnh. Như mọi năm, những gian hàng bánh kẹo nối tiếp nhau vẫn chất đầy kệ, quần áo treo đầy các ki-ốt. Tuy nhiên, không khí mua sắm lại không mấy khác biệt so với ngày thường.

Đứng thẫn thờ nhìn lẵng quà Tết, anh Nguyễn Như Ý (chủ cửa hàng giỏ quà Tết, bánh kẹo, nước ngọt) cho biết, chợ Tết năm nay im ắng, vắng khách; cả chợ chủ yếu người bán hàng tập trung nói chuyện để quên đi không khí ảm đạm. “Năm nay kinh tế khó khăn, người dân mua sắm dè dặt. Tôi nhập ít hàng Tết hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, các kênh bán hàng online nở rộ nên chợ truyền thống ngày càng ảm đạm”, anh Ý nói.

Thanh Tâm

Thanh Tâm

Theo congthuong.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ban-tin-kinh-doanh-tai-chinh-ngay-27-1-2024-196395.html