Bán sâm như bán khoai lang

TP - Sau khi báo Tiền Phong đăng bài: “Tràn lan sâm Ngọc Linh giả” nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư phán ánh về tình trạng bán sâm Ngọc Linh như bán khoai lang. Trung tâm Sâm-Viện dược liệu Bộ Y tế cho biết có đến 5 loài giả sâm Ngọc Linh.

>> Tràn lan sâm Ngọc Linh giả Sâm Ngọc Linh một sản phẩm quý hiếm, độc đáo của vùng núi Ngọc Linh phát hiện năm 1973, là một trong 4 loài sâm quý của thế giới gồm: sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Ngọc Linh và sâm Tam Thất. Thế nhưng trên thị trường hiện nay sâm Ngọc Linh bán nhiều như khoai lang! Ở Gia Lai, Kon Tum, TPHCM, Hà Nội, Lào Cai… giới thương lái bán sâm liên tục hạ giá. Kon Tum có bà Duyên, bà Vân và Nga… thuộc hàng các đại lý bán sâm sỉ lẻ cần mua bao nhiêu cũng được đáp ứng. Trên mạng internet một người tên An địa chỉ 42-Hùng Vương, Đăk Tô-Kon Tum nơi có quốc lộ 14 đi qua rao bán sỉ và lẻ sâm Ngọc Linh trên khá nhiều trang web khác nhau. Tỉnh Gia Lai lân cận Kon Tum có vài chục người bán sâm Ngọc Linh. Ai cũng cho rằng mình lấy được nguồn sâm tận gốc, có đường dây khai thác sâm Ngọc Linh tự nhiên. Sự gia tăng đột biến về số lượng sâm, theo giải thích của người bán là do núi sạt, do làm đường giao thông lộ ra vùng sâm. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, không hề có việc này, chính quyền các địa phương thuộc huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông khẳng định không một làng bản, gia đình nào trúng sâm Ngọc Linh trong thời gian qua. Vào google gõ cụm từ: Bán sâm Ngọc Linh, chúng tôi tìm thấy hàng trăm địa chỉ chào hàng trên mạng, nhiều nhất là ở TPHCM với giá bán phổ biến từ 8 đến 12 triệu đồng/kg. Có người tận TP Lào Cai cũng cung cấp sỉ và lẻ sâm Ngọc Linh. Một người chuyên mua sâm Ngọc Linh dỏm ở Kon Tum đã đồng ý mở loa điện thoại cho chúng tôi nghe cuộc điện đàm gần 30 phút về hành trình giả sâm Ngọc Linh. Đầu dây bên kia ở tận Lai Châu thừa nhận nguồn gốc loài sâm giả này từ Trung Quốc lấy về. Không ai giám sát Ở Pleiku, chị T nhà ở đường Phạm Văn Đồng cho biết gia đình có người ung thư nghe nói sâm Ngọc Linh kháng được bệnh này nên tìm mua. Nếm thử một mẫu sâm rất nhỏ, người nhà chị thấy đầu lưỡi tê buốt, cổ họng nghẹn cứng phải đi cấp cứu. Để tìm lời giải cho vấn đề quản lý sản phẩm và khuyến cáo người tiêu dùng, chúng tôi tìm đến Sở Y tế và Sở Khoa học Công nghệ Kon Tum. Tuy nhiên lãnh đạo của 2 sở này đều khẳng định chưa có một cuộc kiểm tra, kiểm nghiệm gì về sâm Ngọc Linh thật, giả. Ngày 23-6, chúng tôi có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Công Luận-Giám đốc Trung tâm Sâm –Viện dược liệu T.Ư-Bộ Y tế. Ông Luận, người gắn bó hơn 30 năm với cây sâm Ngọc Linh, khẳng định trung tâm này đã phát hiện đến 5 loại giả sâm Ngọc Linh do khách hàng đưa đến nhờ kiểm nghiệm. Ngoài tam thất Vũ Diệp còn có tam thất hoang, sâm Trung Quốc, và 2 loại khác không thuộc họ nhân sâm mà ông chưa định danh được bởi chỉ có phần củ. Đấy là chưa kể đến sản phẩm một đại gia liều ở Đà Lạt lấy rễ cây Gối Hạt bán cho khách hàng ghi là sâm Ngọc Linh. Tiến sĩ Luận cho biết, việc phân biệt sâm Ngọc Linh thật với những loài giả sâm Ngọc Linh bằng mắt thường rất khó. Nếu để ý cẩn thận có thể thấy rằng sâm Ngọc Linh đốt dày hơn tam thất Vũ Diệp và tam thất hoang. Khi nếm thử sâm Ngọc Linh có vị đắng, tam thất hoang vị nhạt… Tuy nhiên chỉ khi nào đưa vào máy kiểm nghiệm may ra mới chứng minh được, đặc biệt là khi người ta trộn lẫn sâm thật-giả để bán.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/504841/ban-sam-nhu-ban-khoai-lang.html