'Bản nhạc' tiếng đập búa của vợ chồng lò rèn hơn 30 năm ở Sài Gòn

Giữa Sài Gòn phồn hoa, bên cạnh những tiếng rao của những người hàng chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM), lại có âm thanh tiếng búa, tiếng đe phát từ một lò rèn nhỏ của một cặp vợ chồng suốt hơn 30 năm.

Vào những thập kỷ 80, 90, nghề rèn có thể nói là cái nghề của rất nhiều gia đình trên đất Sài Gòn. Từ khi công nghệ máy móc phát triển, dần dần những tiếng búa, thanh đe của những lò rèn cũng dần dần bị mai một đi và đi vào quên lãng.

Thế nhưng, nơi căn nhà nhỏ chừng khoảng 10m2 của cặp vợ chồng chú Châu hằng ngày vẫn luôn có những tiếng búa, thanh đe vang lên khắp con hẻm bên hông chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM) sầm uất.

Một lò rèn cuối cùng nằm bên hông chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM). Ảnh: Ngọc Nhiên

Lò rèn bị lãng quên

Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ cũng là lò rèn của vợ chồng chú Châu theo sự chỉ dẫn của những người bán hàng tại chợ Nhật Tảo. Hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp khi vừa đến lò rèn của chú Châu là một người đàn ông độ từng đã ngoài 60 tuổi và một người phụ nữ chừng hơn 50 tuổi đang lui cui bên ngọn lửa vàng rực để rèn những cái búa, con dao,… mà những người khách vừa mới yêu cầu.

Chú Châu người có kinh nghiệm trong nghề rèn hơn 30 năm trên đất Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên

Do làm theo số lượng của khách đặt hàng nên vợ chồng chú Châu lúc rảnh tay lúc thì tất bật lui cui lấy búa đập liên tục để rèn cho ra những sản phẩm đạt chất lượng đúng theo yêu cầu của khách.

Tiếp xúc với ngọn lửa rất nóng nên những giọt mồ hôi của đôi vợ chồng già rơi khắp sàn nhà. Vì đang lỡ tay rèn mấy cái dao, cái kéo của những người bán hàng tại chợ Nhật Tảo nên chú Châu nhìn tôi cười và bảo ngồi chờ một chút.

Cô Nguyệt - vợ của chú Châu thường hay phụ chồng trong các công đoạn đóng búa, tạo kiểu cho những thanh sắt. Ảnh: Ngọc Nhiên

Được biết, cặp vợ chồng làm nghề rèn cuối cùng ở đất Sài Gòn là chú Lê Văn Châu (65 tuổi) và cô là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (56 tuổi). Tính đến nay, vợ chồng chú Châu đã gắn bó với nghề rèn đã hơn 30 năm trời, cái nghề khi nhắc đến cái tên ai cũng cho rằng rất vất vả, thấm đẫm mồ hôi.

Nhưng đối với vợ chồng chú Châu vẫn luôn chọn cái nghề rèn gắn bó với cuộc đời của mình. Bởi chính nó đã nuôi sống gia đình của vợ chồng chú nên dù có vất vả mấy họ cũng không bỏ.

Vợ chồng chú Châu đã gắn bó cuộc đời của mình với nghề rèn tại con hẻm nhỏ. Ảnh: Ngọc Nhiên

Khi hỏi về cái duyên đến với nghề, chú Châu vui vẻ chia sẻ: "Chú vốn là tay ngang con ơi! Lúc trước, khi chú chia tay người vợ đầu rồi theo đủ thứ nghề nào là thợ xây, thợ sơn,… nhưng không đủ sống. Rồi khi gặp được cô Nguyệt (vợ của ông hiện nay), con của một chủ lò rèn có tiếng nên chú và cô theo cái nghề rèn để kế sinh nhai luôn.

Thời đó, nhiều người chuộng những sản phẩm rèn lắm nên cái nghề mà vợ chồng chú chọn đã nuôi sống cả gia đình, không phải lo miếng ăn cơ cực như trước. Mặc dù cái nghề rèn này rất vất vả và nhiều sức lực nhưng biết làm sao được bây giờ. Khi vợ chồng chú làm thì chỉ nghĩ đến cuộc sống thôi nên cố gắng làm, rồi dần dần đến nay đã hơn 30 năm".

Những thanh sắt được đúc nóng sau đó dùng búa để tạo hình thù. Ảnh: Ngọc Nhiên

Cái nghề thấm đẫm mồ hôi có rất đông gia đình làm nhưng dần dần đang bị mai một chỉ còn duy nhất gia đình chú Châu tiếp tục gắn bó với cái lò rèn truyền thống đầy nóng bức, cái nghề thủ công, rèn sắt.

Lò lửa lúc nào cũng được cháy lên mỗi khi có khách đến để rèn. Ảnh: Ngọc Nhiên

Bản nhạc "chát cụp, chát cụp" suốt 30 năm

Hằng ngày, cô Nguyệt cũng phụ giúp chồng những công việc nho nhỏ có khi phụ đập búa, có khi dọn dẹp rồi dần dần cô cũng tự đứng lò những lúc chú Châu bận hay lúc có nhiều hàng không kịp xuể tay.

Giữa cái trời nóng bức, tiếng rao bán của những người bán hàng tại chợ Nhật Tảo (quân 10, TP.HCM) cùng vói tiếng búa đập "chát cụp, chát cụp" nơi lò rèn của vợ chồng chú Châu như đã trở thành một bản nhạc thân thuộc của những người hàng xóm xung quanh.

Bởi tưởng chừng những thứ âm thanh ấy như sẽ khiến hàng xóm bực mình và khó chịu nhưng đối với họ đã thành âm thanh đó nghe nhiều rồi quen tai.

Để tạo ra được hình thù của mỗi sản phẩm thf đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo và tinh mắt. Ảnh: Ngọc Nhiên

Bản nhạc ‘chát cụp’, chát cụp’ quen thuộc ấy của con hẻm nhỏ, như nhịp đập cuộc sống tấp nập của khu chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM) nên khi không nghe thấy những âm thanh ấy nhiều người cảm thấy thiếu thiếu và buồn.

Người thợ phải tiếp xúc với sức nóng của lửa nên thường chảy mồ hôi rất nhiều. Ảnh: Ngọc Nhiên

Đối với vợ chồng chú Châu thì luôn quan niệm rằng nếu còn ngọn lửa của lò rne thì chú vẫn còn làm nghề này, còn sức thì còn làm vì đã lỡ theo rồi thì làm sao mà bỏ được. Nhưng thật sự nếu nghỉ thì cũng không biết phải làm nghề gì đây nữa, tuổi cũng đã lớn rồi, ai đâu mà thuê mà mướn.

Dù đã từng làm rất nhiều ghề nhưng chú Châu vẫn luôn chọn nghề rèn gắn bó suốt cuộc đời của mình. Ảnh: Ngọc Nhiên

Có những chia sẻ như thế của chú Châu tôi cảm nhận được lòng yêu nghề của chú cũng như cô Nguyệt như thế nào với nghề. Mặc cho cái nóng bức của lò lửa hừng hực, những giọt mồ hôi rơi nhuễ nhại nhưng cô chú vẫn luôn đam mê tiếp tục với nghề, gắn bó cuộc đời còn lại với nghề.

Mặc dù ngày nay có rất nhiều máy móc phát triển khiến cho cái nghề thủ công lò rèn đã dần bị mai một nhưng vợ chồng chú Châu vẫn luôn yêu nghề và gắn bó suốt hơn 30 năm. Ảnh: Ngọc Nhiên

Hằng ngày, dù trời nắng hay mưa lò rèn của vợ chồng chú Châu vẫn luôn hoạt động, tiếng búa tiếng đe vẫn cứ mãi vang lên khắp con hẻn nhỏ, thứ âm thanh cuộc sống của vợ chồng chú Châu mưu sinh kiếm sống. Âm thanh hơi thở của cả con hẻm nơi sinh sống của những con người luôn bận bịu lo toan cho cuộc sống ngày mai, lo cho miếng cơm manh áo cho con cái, những lời rao vang rộn rã, nhộp nhịp nơi khu chợ trên đất Sài Gòn đắt đỏ, phồn hoa.

Ngọc Nhiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ban-nhac-tieng-dap-bua-cua-vo-chong-lo-ren-hon-30-nam-o-sai-gon-a301677.html