Bản nguyên Giáng Son

'Tôi hát lên giai điệu của chính mình bằng sự mộc mạc, giản dị nhất, có thể giọng hát chưa hoàn hảo nhưng đó là những cảm xúc nguyên bản nhất' - nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ về dự án mới của mình. Đó là một Giáng Son của hiện tại, tự hát lên những bản tình ca mà chị đã viết về đời sống này, tự do, phiêu lãng và đầy ngẫu hứng, như cách chị đã sống và đến với cuộc đời.

1. Giáng Son nói, ở thời điểm hiện tại, tự nhiên chị cảm thấy thôi thúc, rất muốn tự hát lên những ca khúc của mình bằng cảm xúc “nguyên bản” nhất. Trong một ngày đẹp trời cùng bạn bè, nhóm M6, Giáng Son ngẫu hứng hát những bài hát của mình. Tự nhiên, trong sáng và xúc cảm. Và từ một cơn ngẫu hứng ấy, dự án “Sing my Sol” ra đời.

Những ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của những ngôi sao hàng đầu như Tùng Dương, Hà Trần, Nguyên Thảo, Khánh Linh, qua tiếng hát của Giáng Son bỗng mang một màu sắc khác. Son nói, hơn ai hết, chị hiểu bài hát của mình, những đau buồn, hạnh phúc hay mất mát ở những khúc quanh cuộc đời mà chị trải qua, nó thấm vào trong từng ca khúc đó. Vì thế, khi hát những bài hát của mình, tiếng hát của Giáng Son mang một màu riêng. Và cái sự riêng đó, vốn rất cần trong đời sống, đó chính là những tình cảm chị nâng niu, trân quý.

Nhạc sĩ, ca sĩ Giáng Son.

Dự án “Sing my Sol” gồm 9 ca khúc là các sáng tác của nhạc sĩ Giáng Son do chính chị thể hiện. Đó là những ca khúc từ thời kỳ đầu được viết năm 16 tuổi như là “Anh”, “Mưa” đến những bài hát gần đây như “Hà Nội 12 mùa hoa” cùng một số bài trong album “Bóng tối Jazz” như “Thu cạn” ...

Tôi đã dành một buổi sáng tĩnh lặng trong những ngày đầu đông, ở quán cà phê vắng và nghe Giáng Son hát. Tiếng hát mộc, tình cảm đối thoại cùng cây guitar của Đức Minh đã làm cho âm nhạc của Giáng Son gần gụi hơn, ấm áp hơn. Trong đời sống bộn bề những thứ âm nhạc được làm màu, được make up, thì “Sing my Sol” với acoustic mang đến những cảm xúc nguyên lành, chân thực và giản dị, như một giấc mơ nhẹ nhàng, lãng mạn, khiến người nghe cảm thấy thư giãn, gần gũi và nhẹ nhõm.

Một “Thu sớm” - ca khúc pop ballad nhẹ nhàng trong sáng đáng yêu, một “Giấc mơ trưa” trong veo và xúc động, một bản tình ca “Mưa” được viết từ năm 16 tuổi, ngây thơ, lãng mạn, hay một “Nắng muộn” với Jazz pop được Giáng Son hát đằm lại và chuyển sang Bossanova không luyến láy nhiều và giản dị hết sức có thể. Và “Thu cạn”, một trong những “bài toán” khó của Giáng Son và Trần Đức Minh khi Son không phải là một ca sĩ có giọng hát mạnh mẽ như Tùng Dương, Hà Trần, Nguyên Thảo. Son đã chọn cách hát nhẹ nhàng và mềm mại, pop hóa hơn, nhưng vẫn bắt buộc phải có phần bùng nổ ở đoạn sau. Tất cả tạo dựng nên một không gian âm nhạc Giáng Son khác, đầy xúc cảm và tình yêu với cuộc đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Chỉ 9 ca khúc nhưng “Sing my Sol” bao quát một chiều dài sáng tác âm nhạc của nữ nhạc sĩ Giáng Son từ điểm khởi đầu cho tới giai đoạn hiện nay. Đó cũng là 9 cung bậc cảm xúc rất nữ tính của Giáng Son. Không chỉ hát để cho vui, để có thêm một dự án nghiêm túc, việc Giáng Son tự thể hiện những ca khúc của mình còn cho thấy nữ nhạc sĩ thuộc thế hệ 7X đang hòa nhập với xu hướng của âm nhạc giai đoạn hiện nay. Tinh thần cống hiến cho âm nhạc vẫn còn đang cháy bỏng trong tâm hồn chị”.

Album mới của nhạc sĩ Giáng Son.

Còn với Giáng Son, chị thực hiện album này vì muốn vượt ra khỏi vùng an toàn, từ trước đến nay, chị không bao giờ nghĩ mình là một ca sĩ solo. Thập niên đầu những năm 2000, Giáng Son từng là thành viên của ban nhạc “Năm dòng kẻ”, nhưng chị đứng vị trí hát bè. Tại sao không, khi chị có thể tự cất lên tiếng hát, bởi hơn ai hết, chị hiểu âm nhạc của mình nhất và chị hát bằng chính những cảm xúc nguyên bản ấy. Vì sao chỉ guitar mộc, vì Giáng Son không muốn màu mè mà để cảm xúc dẫn lối trong tiếng hát của chị chứ không phải nhạc cụ hay những bản phối kỹ thuật điêu luyện.

Chị nói: “Cảm xúc là thứ cần nâng niu, giữ gìn, nó hiếm có và thiếu vắng trong đời sống này. Ai cũng vội vàng tất bật lo cơm áo gạo tiền, giữ được cảm xúc là một điều xa xỉ. Tôi trân quý những vẻ đẹp bình dị của đời sống như một bông hoa nở, một cánh chim bay... vì thế, có thể tôi không có một giọng hát hay nhưng tôi lại có một trái tim đầy xúc cảm, mãnh liệt nhất của một nhạc sĩ khi sáng tác ra một bài hát. Cảm xúc ấy được trả giá rất nhiều, có thể những nỗi buồn, những niềm vui, bao nhiêu năm tháng cộng lại, mỗi khi mình hát những ca khúc ấy, nó như cuốn phim hiện về”.

2. Với Giáng Son, viết nhạc hay hát cũng là cách chị kể câu chuyện của mình. Câu chuyện về một đời sống rộng dài mà chị đã đến và sống với đủ cung bậc, có nỗi đau, có hạnh phúc, có mất mát và nỗi cô đơn... Nhưng dù ở trạng thái nào, chị vẫn luôn giữ cho mình một tâm thế sống bình thản. Chậm rãi sống và viết.

Đôi lúc, cảm giác như Son đã thuộc về thế giới nào trong vòng xoáy ngồn ngộn của đời sống âm nhạc hiện nay, trước sự lên ngôi của EDM, của Rap... Nhưng không, chị vẫn ở đây, trong một góc của đời sống, để viết tiếp những giấc mơ của mình. Đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao sống trong thế giới bộn bề ấy mà chị vẫn giữ được một tâm hồn trong trẻo và trẻ thơ đến thế. Bởi Giáng Son luôn có ý thức bảo vệ mình khỏi những vết xước của cuộc đời, chị biết điều gì cần và điều gì nên bỏ qua. Chị có một thế giới của riêng mình, với những khán giả văn minh, yêu âm nhạc của chị với những vẻ đẹp thuần khiết nhất.

Cũng bởi, Giáng Son may mắn được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cuộc sống của chị gắn với âm nhạc từ những ngày thơ bé theo chân mẹ đi dạy múa chèo ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Cứ nghĩ rằng, lớn lên chị sẽ theo nghiệp chèo của bố, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều. Nhưng rồi, cái nốt son giáng rất ít gặp trong một bản nhạc mà bố chị đặt tên cho con gái có lẽ là một ẩn ý mà ông muốn trao truyền lại.

Son theo âm nhạc, học piano từ lúc 7 tuổi. Và gia tài mà bố chị - một nhà nghiên cứu chèo hàng đầu Việt Nam để lại chính là tâm thế sống lặng lẽ sáng tạo và cống hiến. Nền tảng giáo dục gia đình đã định hình nhân cách của cô bé Giáng Son từ nhỏ. Và nó định hình cả lối sống, nhân sinh quan làm nghề của chị, để những vướng bận cơm áo gạo tiền không làm cho con đường nghệ thuật của chị bị ảnh hưởng. Thế giới của Giáng Son được bao phủ bởi âm nhạc, từ công việc giảng dạy ở trường, đến dạy đàn, hát ở nhà, thỉnh thoảng đi làm giám khảo cho các cuộc thi.

Lặng lẽ trong đời sống, những chị cũng là người rất có chính kiến, quyết liệt trong sự lựa chọn để bảo vệ mình khỏi những vết xước của cuộc sống. Vì thế, Giáng Son chọn con đường dài bền bỉ với âm nhạc thay vì những thứ thời thượng, hào nhoáng. Những ca khúc của chị đã trở thành một phần của đời sống âm nhạc đương đại, những “Giấc mơ trưa” sắp kỷ niệm 20 năm và nó vẫn không ngừng vang lên, hay “Hà Nội 12 mùa hoa” sắp kỷ niệm 10 năm... Nhưng Giáng Son vẫn có những giấc mơ lớn hơn thế, có thể viết khí nhạc, nhạc kịch, nhạc giao hưởng... Những giấc mơ vẫn luôn thôi thúc trong tâm hồn người nghệ sĩ muốn cống hiến cho cuộc đời.

Nhiều năm nay Giáng Son chuyển về Hà Nội sống, chị tự lái xe đi làm, cuộc sống giản dị và được phủ đầy âm nhạc. Chị nói về những tâm huyết của mình dành cho giới trẻ, những học sinh của chị, về con đường làm nghệ thuật chân thành. Bây giờ, cuộc sống ngoài kia xô bồ quá, giới trẻ thật khó để tĩnh lặng và lắng nghe chính mình, để bước đi chậm rãi trên con đường khắc nghiệt này. Có lẽ, hơn mọi danh xưng, hãy làm nghệ thuật một cách chân thành và bền bỉ, chắc chắn, thứ nghệ thuật ấy sẽ tìm được sự đồng cảm trong tha nhân. Cũng như khi Son hát hay viết nhạc, là cách chị kết nối tình yêu của mình với đời sống này mà thôi, một tình yêu thuần khiết, tự trọng và chân thành.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ban-nguyen-giang-son--i717222/