Bản lĩnh thơ luôn nâng cao bản sắc thi ca

Ngày thơ rằm tháng Giêng xuân Giáp Thìn mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm 'Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ' với nhiều ý kiến, tham luận đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo tôi, bản lĩnh thơ luôn có trước và được tôi rèn qua thời gian để song hành nâng cao bản sắc thơ trong mỗi cá thể sáng tạo thi ca.

Có thể nói, bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, cái đấy là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian. Ở một góc nhìn sâu xa hơn, ta thấy bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của anh ta, nếu thiếu hai yếu tố này, tôi nghĩ bản lĩnh ấy khó mà thành công trên con đường đầy khó khăn, gian truân, thử thách của thi ca đích thực.

Đêm khai mạc Ngày thơ Việt Nam ở Hoàng thành Thăng Long.

Với tôi, để có được bản lĩnh thơ là cả một chặng đường sống và viết và trải nghiệm khá dài qua hai mươi năm cầm bút. Các bài thơ đầu tiên tôi in trên báo từ những năm 1969-1970 khi tôi còn là học sinh cấp III, rồi vào bộ đội. Nhưng, thời gian dài sau đó, tôi chỉ lặng lẽ viết, lặng lẽ thể nghiệm thi ca mà không in ấn gì. Đến năm 1989-1990, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, tôi mới lặng lẽ gửi mấy ki-lô-gam thơ (gần 100 bài thơ và trường ca tôi viết từ hồi chiến tranh trong hai chục năm) và sau 2 chùm thơ 6 bài in trên Báo Văn nghệ, tôi đã được trao giải nhì của cuộc thi thơ này.

Bản lĩnh thơ được tôi rèn qua thử thách và thời gian

Trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ nói trên, nhà thơ Bế Kiến Quốc trong ban sơ khảo khi đọc thơ và trường ca của tôi đã từng nhận xét, tôi là một người làm thơ đã rất lâu rồi và đến cuộc thi thơ này mới công bố các vỉa-quặng-thơ còn khuất chìm trong nhiều năm. Anh Quốc nói vui: “Chú mày luyện chưởng, luyện thơ khá công phu đấy!”.

Trước đây, thơ tôi khắc họa nỗi đau chiến tranh với cái nhìn của một nhà thơ yêu nước muốn được sẻ chia với những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Sau này, thơ tôi nghiêng về phía khắc họa nỗi buồn của con người thời hậu chiến trong đời sống đô thị công nghiệp hóa đang làm tổn hại thiên nhiên và nghiền vụn thời-gian-văn-hóa của con người. Nói tóm lại, số phận con người cùng với những khát khao, dằn vặt, yêu thương, đau đớn và mơ ước, hy vọng của họ chính là mối quan tâm lớn nhất của thơ tôi.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc thơ tại sân thơ Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày 23/2/2024.

Từ xưa đến nay, thơ ca là nền nghệ thuật chia sẻ với con người, là cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại của họ để mang lại hy vọng cho những khổ đau và mất mát mà con người đã phải chịu đựng khi đi qua thế gian này. Tôi nghĩ, một nhà thơ đích thực phải biết cách khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ - nỗi đau của những phận người và phải chạm được vào cõi sâu của tâm hồn con người không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này.

Những nỗi khổ đau day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Và, những bài thơ của họ tham dự vào những nỗi khổ đau, hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận con người. Sự dồn nén, bức xúc của tâm trạng bật dậy những câu thơ không chịu bằng phẳng và sự chuyển tải của những nỗi niềm, những ẩn ức đang còn khuất lấp trong tâm hồn thi sĩ đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng trong cách tổ chức câu chữ và những bài thơ đổi mới của họ ra đời. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận.

Xét về mặt bản chất, sự cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương-mặt-thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc họa trong một trường-thẩm-mỹ nào.

Sự sáng tạo mang lại bản sắc cho thi ca

Theo tôi, với bản lĩnh của người làm thơ, viết về Tổ quốc, về đất nước là đề tài muôn thuở, có tính văn hóa - lịch sử luôn gợi lên cho các nhà thơ rất nhiều nguồn cảm hứng về một bản sắc thơ. Ở mỗi giai đoạn thời gian khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, mỗi thế hệ nhà văn (hoặc mỗi người sáng tạo) đều tìm đến sự khái quát và tiếng nói bản sắc riêng của mình trong những sáng tác về đề tài lớn lao và thiêng liêng này. Chính vì vậy, tôi cho rằng, thi ca luôn phải đổi mới cách viết, phải luôn cách tân ngay cả với dạng đề tài có tính lịch sử - chính trị này thì mới làm nên bản sắc đa dạng, đa diện và sâu sắc của thi ca Việt Nam qua mấy ngàn năm trường tồn cùng non sông này.

Ngay trong hai bài thơ về đề tài lớn là “Thời đất nước gian lao” và “Tổ quốc nhìn từ biển”, tôi cũng đã cố gắng đưa ít - nhiều vào trong đó cái nhìn mới có hướng cách tân cho những hình tượng thơ được xây dựng xung quanh trục lịch sử - đất nước - con người. Điều quan trọng là tuy phải đổi mới nhưng thi ca không được phép xa lạ với con người và thi ca phải nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận.

Tôi cho rằng, bản sắc thi ca chính là sự sáng tạo hình tượng nghệ thuật của văn bản ngôn ngữ thơ và xin khẳng định: Không có sáng tạo chắc chắn là không có thơ vì lúc ấy, bài thơ của bạn chỉ là một sự sao chép hình ảnh thiên nhiên, sao chép tâm trạng con người, sao chép sự rung động bắt chước người khác một cách sơ đẳng và sơ khai nhất. Thơ đích thực không phải thế và muôn đời không phải thế. Do vậy, sự sáng tạo trong thơ đòi hỏi chúng ta phải có sự lao động nghệ thuật một cách có ý thức, một cách chủ động để nắm bắt những kỹ năng cơ bản nhất trong việc làm một bài thơ, trong việc dựng một tứ thơ.

Trong hành trình sáng tạo thi ca, cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ, và phải là những phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ. Thời gian trước đây, tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây, tôi lại nhận ra rằng, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một tư tưởng mới, một sức sống mới đã làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ.

Các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường - thẩm - mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hằng ngày và tính công dân nhiều khi lại là thước đo được nhắc tới trong các tác phẩm văn học đương đại.

Thật ra, thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng, có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương. Có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, để làm cho những con-chữ-thơ có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ban-linh-tho-luon-nang-cao-ban-sac-thi-ca-i724482/