Băn khoăn với áp trần lãi suất cho các tổ chức tín dụng

Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 quy định "trần lãi suất thỏa thuận không vượt quá 20%/năm".

Trần lãi suất cho vay theo Bộ luật dân sự sửa đổi: Cần làm rõ đối tượng điều chỉnh

GiadinhNet - Trong nội dung của Bộ luật dân sự sửa đổi liên quan đến đến trần lãi suất vay nhưng có một vấn đề chưa được làm sáng tỏ là quy định này áp dụng cho những đối tượng cụ thể nào và các tổ chức tín dụng hiện hoạt động theo Luật tổ chức Ngân hàng có nằm trong phạm vi này không?

Tại Khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã có điều chỉnh khung về lãi suất cho vay thỏa thuận trong dân sự, quy định mức trần lãi suất tối đa với khoản vay theo thỏa thuận. Bên cạnh trần lãi suất, quy định này cũng nêu rõ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo cách tiếp cận này, một số chuyên gia tài chính cho rằng, đối tượng tập trung hướng đến áp trần lãi suất nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 là các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng (?). Lãi suất cấp tín dụng khác (ngoài hoạt động cho vay) thực hiện theo quy định của Luật các TCTD 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Cho vay tiêu đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh sôi động (ảnh minh họa)

Việc không áp trần lãi suất cho các TCTD là nguyên tắc nhằm đảm bảo ổn định thị trường tài chính, tuân thủ nguyên tắc thị trường. Chính vì vậy sẽ không thể có trần lãi suất chung cho mọi hoạt động giao dịch. Hơn nữa, lãi suất của các tổ chức tài chính hoạt động cho vay như các TCTD, các công ty tài chính (CTTC) hoặc các công ty cho thuê tài chính… đương nhiên chịu sự điều chỉnh bởi luật chuyên ngành, theo đúng quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 là “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Thời gian qua, có không ít chuyên gia tài chính, ngân hàng đều có chung quan điểm cho rằng, lĩnh vực vay tiêu dùng thường mang lại nhiều rủi ro, nhất là đối với các CTTC do đối tượng phục vụ của họ là những người không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng từ ngân hàng, thường là dưới “chuẩn” cấp vốn, khiến cho nợ xấu thường xuyên xảy ra. Vì vậy, nếu áp mức lãi suất 20% sẽ hạn chế sự phát triển của các CTTC.

Với dân số hơn 90 triệu dân,thành phần trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao, cho vay tiêu dùng đã và đang trở thành một lĩnh vực sôi động và đầy tiềm năng tại Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu áp dụng trần lãi suất 20%/năm vào mô hình kinh doanh của các CTTC có thể sẽ khiến nhiều người có nhu cầu vay vốn chuyển sang thị trường tín dụng đen, vay vốn chợ đen với lãi suất “cắt cổ”.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định về áp trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự 2015 theo từng đối tượng và loại hình cho vay, để các tổ chức tín dụng có thể triển khai áp dụng với những mức lãi suất hợp lý.

Người tiêu dùng cũng cần phải có một cơ quan tư vấn hoặc các TCTD cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tư vấn, bổ trợ kiến thức tài chính tiêu dùng cho khách hàng thông qua các buổi tập huấn, hội thảo nghiệp vụ. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến kiến thức về hoạt động cho vay tín dụng một cách đầy đủ, đúng đắn hơn tới mọi người dân thông qua các phương tiện truyền thông, để họ có thể tham gia thị trường với tư cách của một người tiêu dùng thông thái.

Như Hoa

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/ban-khoan-voi-ap-tran-lai-suat-cho-cac-to-chuc-tin-dung-20161025150909295.htm