Băn khoăn mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la tôm

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra kế hoạch “hành động” về lộ trình thực hiện để đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025. Thế nhưng, chính đơn vị ra kế hoạch đó cũng tỏ ra băn khoăn với mục tiêu này.

Nuôi tôm quy mô lớn ở Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh.

Trao đổi bên lề hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào ngày hôm nay (23-3), ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết đơn vị này đã hoàn thiện kế hoạch “hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” và cũng đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

“Đến ngày 25-3 này chúng tôi sẽ tập hợp lại và trình Chính phủ trước ngày 30-3 theo đúng kết luận của Thủ tướng”, ông Tám cho biết.

Trước đó, trình bày kế hoạch tại hội nghị, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu tôm, giai đoạn 2017-2020 đạt từ 4,5-5 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng đạt 9,5-12%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 10 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng từ 12-14%/năm.

Rào cản xuất khẩu tôm ngày càng nhiều

Trong ba năm gần đây, các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Brazil, Ả- rập- Xê- út..., liên tục đưa ra những cảnh báo về an toàn thực phẩm, thậm chí cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Trước thực trạng này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Các nước trên thế giới áp dụng những rào cản kỹ thuật, đặc biệt là rào cản về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tôm nói riêng và nông sản nói chung đang là xu hướng”.

Để đối phó với xu thế đó, trước hết phải làm tốt khâu sản xuất trong nước bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi hiện đại để sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, với những rào cản kỹ thuật mới bị các nước nhập khẩu áp dụng, nhưng không phù hợp với quy định của quốc tế, thì phải đấu tranh loại bỏ, theo ông Tám.

Về diện tích nuôi và sản lượng tôm nguyên liệu thu hoạch, kế hoạch hành động đặt mục tiêu giai đoạn 2017-2020 đạt 710.000 héc ta với sản lượng 850.000 tấn, giai đoạn 2021-2025 đạt 750.000 héc ta với sản lượng thu hoạch 1,1 triệu tấn.

Theo ông Tám, để kế hoạch hoàn thành như mục tiêu đề ra, tức đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có hai giải pháp đột phá cần thực hiện.

Thứ nhất, phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh, đưa kỹ thuật mới thông qua các chế phẩm sinh học, quy trình nuôi mới để tăng sản lượng.

“Đối với 600.000 héc ta nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, phải đưa khoa học công nghệ vào để nâng cao năng suất tôm từ 300-350 kg/héc ta như hiện nay lên 500-650 kg/héc ta”, ông Tám cho biết.

Thứ hai, phải tổ chức lại sản xuất, lấy doanh nghiệp làm “đầu tàu”, đặc biệt với nuôi tôm quảng canh thông qua các mô hình sản xuất tôm hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình doanh nghiệp xã hội được Tập đoàn Minh Phú thực hiện 1.000 héc ta ở tỉnh Cà Mau, sau đó nhân rộng chương trình liên kết sang các địa phương khác như tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Giả sử với kế hoạch "hành động" được Bộ NN&PTNT nêu ra về diện tích và sản lượng và bằng hai giải pháp như vị thứ trưởng bộ này đưa ra có thể tạo đủ sản lượng đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu, nhưng liệu kim ngạch xuất khẩu có đạt được?

Số liệu thống kê của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT đưa ra tại hội nghị, cho thấy kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam từ năm 2008 (1,625 tỉ đô la Mỹ) đến năm 2016 (3,146 tỉ đô la Mỹ), tức sau tám năm cũng chỉ tăng được 1,521 tỉ đô la Mỹ. Còn nếu so với mức kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất Việt Nam từng đạt vào năm 2014 là 3,952 tỉ đô la Mỹ, thì cũng chỉ tăng được 2,327 tỉ đô la Mỹ.

Chính vì vậy, nhiều người băn khoăn mục tiêu phải đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025. Ngay cả Bộ NN&PTNT, đơn vị soạn thảo kế hoạch "hành động" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng tỏ ra kém lạc quan.

Ông Tám của Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị này tham mưu đến năm 2030 mới đạt 10 tỉ đô Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm, nhưng Thủ tướng chỉ đạo đến năm 2025 phải đạt. “Đây là việc không dễ dàng gì, nhất là trong bối cảnh ngân sách đầu tư không thể tăng được”, ông Tám cho biết.

Việt Nam không gian lận thương mại xuất khẩu tôm vào EU

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online bên lề hội nghị liên quan đến vấn đề EU điều tra gian lận thương mại nhập khẩu tôm từ Việt Nam, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết EU và một số thị trường đã tỏ ra nghi ngờ sản phẩm tôm xuất khẩu nói riêng và một số sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam không minh bạch về nguồn gốc.

Tuy nhiên, theo ông Tám, bộ đã có văn bản trả lời với phía EU, khẳng định không có chuyện Việt Nam gian lận trong thương mại tôm vào EU. “Chúng tôi, sẵn sàng tiếp đoàn thanh tra của EU cũng như các thị trường khác vào kiểm tra việc minh bạch các thông tin này. Chúng ta, một nước xuất khẩu lớn như thế này, thì không thể dung túng, không thể làm cái việc vì lợi ích của một vài doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam”, ông Tám khẳng định.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/158271/ban-khoan-muc-tieu-xuat-khau-10-ti-do-la-tom.html/