Băn khoăn khen thưởng bắt tội phạm

Nhiều chuyên gia cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng, mức khen thưởng, cũng như có chế độ đối với những trường hợp rủi ro bị thương, tử vong khi tham gia phòng chống tội phạm

Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân về dự thảo lần 2 quyết định "Thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng, chống tội phạm trung ương", trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. Quỹ sẽ do bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành.

Cần có thêm chế độ

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng chống tội phạm; gia đình và người trực tiếp tham gia phòng chống tội phạm bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản; cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan đến hoạt động phòng, chống tội phạm ở trung ương và địa phương.

Một đối tượng giật dây chuyền của người đi đường bị quần chúng bắt giữ tại đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCMẢnh: Hữu Dũng

Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trích lập từ các nguồn thu: số dư Quỹ phòng, chống tội phạm trung ương; ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi thành lập quỹ; tài trợ, đóng góp tự nguyện từ nguồn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Về khen thưởng, theo Bộ Công an, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm sẽ được thưởng tối đa 5 triệu đồng/lần và tập thể là 20 triệu đồng. Quỹ còn hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất đối với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng chống tội phạm bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định của pháp luật.

Góp ý dự thảo quyết định trên, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng một số quy định còn chưa rõ ràng. "Đối với lực lượng công an, phòng chống tội phạm là đương nhiên, đồng thời có thưởng trong ngành riêng thì không nên đưa vào. Còn người dân mạo hiểm tính mạng, ngăn chặn, phòng chống tội phạm thì tiền thưởng phải có quy định cụ thể" - ông Thuận góp ý.

Cũng theo ông Thuận, trong thời bình, những người dân xả thân vì lợi ích chung của xã hội mà không may bị thương tật, tử vong thì cũng phải được hưởng những chế độ thương binh, liệt sĩ. "Người dân thấy tội phạm nguy hiểm xâm hại đến tính mạng, tài sản người khác mà liều mình ngăn chặn thì không phải ai cũng làm được. Vậy nên pháp luật hiện hành cũng như dự thảo quyết định này cần sửa đổi, điều chỉnh để có quy định cụ thể về chế độ đối với những trường hợp rủi ro xảy ra khi tham gia dân phòng chống tội phạm" - ông Thuận kiến nghị thêm.

Cân nhắc mức thưởng

Với đề xuất mức thưởng cũng như đối tượng khen thưởng, dự thảo gây ra nhiều tranh luận.

Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Trưởng Phòng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Bình Dương, nhận xét: "Tôi thấy mức thưởng đó hấp dẫn, giúp anh em hăng hái hơn trong phòng chống tội phạm".

Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội), mục đích chính không phải dùng tiền bạc để khích lệ mà dự thảo chủ yếu là nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong xã hội về công tác phòng chống tội phạm chung. Việc hỗ trợ về vật chất chỉ là mang tính tượng trưng để khuyến khích, động viên các công dân. "Người dân đấu tranh phòng chống tội phạm thì tinh thần đó là vô giá, không thể tính bằng tiền. Nhiều người phát hiện tội phạm lập tức chống trả thì lúc đó người ta không nghĩ đến tiền" - luật sư Thơm nói.

Nhấn mạnh khen thưởng phải rõ ràng, phát huy hiệu quả, luật sư Trần Quốc Thuận đề xuất tiền thưởng chống tội phạm nên được chia thành từng nhóm cụ thể, như: ẩu đả, cướp giật, ma túy, tham nhũng… "Ví dụ như tội phạm tham nhũng gây thất thoát nhiều tỉ đồng của ngân sách, khuyến khích người dân có bằng chứng, chứng cứ tố giác thì phải chia tỉ lệ % số tiền thu hồi đó cho người tố giác thì mới hiệu quả. Bên cạnh đó, phòng chống tội phạm nguy hiểm phải quy định cao hơn các mức bình thường…" - ông Thuận nêu.

NGUYỄN HƯỞNG - NHƯ PHÚ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ban-khoan-khen-thuong-bat-toi-pham-20170727232636013.htm