Băn khoăn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu

Cả nước, nhất là miền Bắc đang thiếu nguồn điện dự phòng, còn tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu rất lớn.

Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, song Bộ Công thương cho rằng việc này sẽ được nghiên cứu trong các quy định tiếp theo. Điều đó khiến nhiều ý kiến băn khoăn.

“Không cấm nhưng chưa ưu tiên”

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần mở rộng phạm vi áp dụng, thay vì chỉ khuyến khích, hỗ trợ nhà dân, công sở lắp điện mặt trời mái nhà.

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Quy hoạch cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Sau đó, nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng phạm vi lắp đặt tại các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn…

Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ lần này.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở, Bộ Công thương nói “không” với đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng.

Lý giải điều này, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) khẳng định “không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay”.

Theo giải thích thì mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành…

Ngoài ra còn liên quan đến chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Đó là chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…

Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao (như điện tử) cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Chắc chắn họ không thể dùng điện mặt trời mái nhà để sản xuất, trừ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ hiện đại (hiện chưa có).

“Ngoài ra, lý do còn ở việc đúc kết kinh nghiệm từ thực hiện Quy hoạch VII và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn vừa qua. Sự phát triển nóng của điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã bộc lộ một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao.

Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Cần quy định rõ hơn “tự sản tự tiêu”

Dù quan điểm của Bộ Công thương là như vây, song nhiều doanh nghiệp và chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn.

Ông Ngô Tuấn Anh, giám đốc một công ty cơ khí cho biết, mỗi tháng nhà máy của ông tiêu thụ khoảng 200 triệu đồng tiền điện. Ông chờ đợi chính sách để có thể tự lắp điện mặt trời mái nhà tự tiêu dùng, nhằm giảm chi phí. Hơn nữa cũng là để bắt nhịp với xu hướng sản xuất xanh trên toàn cầu.

“Ngành cơ khí là một trong những ngành có xu hướng bị đánh thuế carbon cao nhất do lượng phát thải khí nhà kính cao, do đó năng lượng xanh là một giải pháp cứu cánh”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, bài học mất đơn hàng của ngành dệt may vì “quên” phát triển xanh vẫn hiện hữu.

Chuyên gia kinh tế, GS Nguyễn Mại cho rằng, không chỉ ngành dệt may, mà một số ngành khác cũng sẽ nhanh chóng sẽ phải đối mặt với việc khối EU áp tiêu chuẩn xanh bắt đầu từ năm 2024. Bởi thế, phát triển năng lượng tái tạo ở khu công nghiệp là xu hướng không thể đảo ngược.

Trong khi đó, GS Lê Chí Hiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, nếu không quy định cụ thể khái niệm “tự sản tự tiêu”, sẽ dẫn đến việc khó triển khai. Và nếu chỉ nghĩ đến việc khuyến khích các hộ dân, công sở thì không giải quyết được vấn đề gì.

“Muốn có kết quả, đóng góp sản lượng lớn vào hệ thống điện quốc gia thì phải suy nghĩ về quy mô của điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp”, ông nói.

Dẫn giải những bất cập khi lắp điện mặt trời mái nhà ở nhà dân, TS Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Ban sáng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Ban trưa phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng. Nếu tự sản tự tiêu được tại sao không cho nhiều đối tượng lắp đặt?”.

Còn nhiều rối rắm

Thi công lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Vấn đề khác cũng đang được tranh luận sôi nổi là Bộ Công thương khuyến khích phát triển nguồn điện mái nhà công sở, nhà ở được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát lên lưới quốc gia, và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Điều này được hiểu, các chủ đầu tư điện mặt trời sẽ phải tự cân đối nguồn - tải tại chỗ, nếu dư thừa cần lắp thêm pin lưu trữ điện. Nếu khi điện mặt trời không đủ sử dụng phải mua điện từ EVN. Trong khi đó, việc đầu tư thêm pin lưu trữ có thể làm tăng chi phí lắp đặt.

Thực tế, nếu quy định không được bán điện cho tổ chức cá nhân khác sẽ nảy sinh vấn đề điện mái nhà của người dân vượt công suất sử dụng trong ngày sẽ không bán được cho EVN hoặc khách hàng khác, dẫn đến lãng phí. Ngược lại, nếu phải đầu tư thêm pin lưu trữ, sẽ gây đội vốn đầu tư, tốn kém.

Việc mua điện mái nhà của dân đã từng được ngành điện triển khai đến hết 31/12/2020, nhưng từ ngày 1/1/2021, EVN dừng việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Điều này khiến một số hộ dân, doanh nghiệp “lỡ” đầu tư nhưng không kịp hoàn thành trước ngày 31/12/2020 “ngồi trên lửa” bởi không biết xử lý công suất phát điện dư thừa ra sao.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT bày tỏ thất vọng khi đợi hơn 2 năm để được “giải thoát”, nhưng lại rối như tơ vò khi đọc dự thảo mới lần này.

Ông cho biết, ông tốn hàng chục tỷ đồng cho hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng sản xuất ở Bình Dương với mục đích vừa dùng, vừa bán điện dư thừa. Nhưng chính sách mới này khiến cho công ty thiệt hại và lãng phí rất lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn được chia sẻ điện.

“Nếu cho tự sản tự tiêu thì có thể không bán điện lên lưới, nhưng được bán cho tổ chức, cá nhân khác dùng chung để tránh lãng phí điện năng, cũng giúp EVN đỡ áp lực đầu tư nguồn điện”, ông Nam nói.

Các chuyên gia cho rằng, ngành công thương đang đưa ra một cơ chế “an toàn” mà không tính đến đường dài. Việc này rất dễ tạo ra những bất cập cho tương lai.

“Đồng ý bước đầu chỉ cho người dân, công sở lắp đặt do lo sợ ảnh hưởng mạng lưới truyền tải điện ở thời điểm hiện nay. Nhưng cả nước, nhất là miền Bắc đang thiếu nguồn điện dự phòng, còn tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu rất lớn. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, chứ không đưa ra một cơ chế chung chung”, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình chia sẻ.

Theo quan điểm của Bộ Công thương thì trong Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600MW.

Với quy mô này, không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030).

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-d599832.html