Bán hàng cao cấp qua mạng internet

Trước đây, các thương hiệu cao cấp vốn e ngại phát triển dịch vụ bán hàng bằng phương thức thương mại điện tử bởi họ cho rằng mua hàng qua mạng ít mang yếu tố tương tác với con người. Trong thế giới số, khả năng rủi ro xảy ra cho người tiêu dùng tương đối lớn. Thế nhưng ngày nay, xu hướng tiếp cận phương thức bán hàng qua mạng đã và đang phát triển mạnh trong nhóm hàng cao cấp.

Khó mua qua mạng Khi hãng thời trang Oscar de la Renta ra mắt trang web giao dịch cách đây vài năm, họ chỉ hy vọng người ta chủ yếu sẽ mua món hàng nhỏ như dây nịt và nước hoa. Nhưng công ty đã rất ngạc nhiên khi từng nhận được một đơn đặt hàng trực tuyến cho chiếc áo khoác giá 80.000 USD từ một khách hàng mới ở New Hampshire (Mỹ). Ông đặt qua mạng vì không thể đi tới New York được. Sau đó, có khách hàng trực tuyến còn muốn mua một số quần áo với trị giá khá lớn. Nhận xét về những đơn hàng cao hơn mong đợi này, ông Alex Bolen, Giám đốc Điều hành của hãng Oscar de la Renta nói rằng: Công ty không thể sai lầm hơn nữa trong việc đánh giá ích lợi của việc mua sắm online. Vào đầu năm 2008, Công ty Nghiên cứu Thị trường Forrester Research thực hiện khảo sát với 178 công ty bán hàng cao cấp sang trọng trên thế giới và thấy rằng, chỉ một phần ba trong số đó có bán hàng qua mạng. Con số này đã tăng lên so với trước, nhưng theo ước tính của Federico Marchetti, người sáng lập Tập đoàn Yoox - chủ của website bán hàng hóa sang trọng Yoox.com, thì vẫn còn khoảng phân nửa công ty ở châu Âu không bán hàng trực tuyến. Hãng thời trang Prada của Ý đã không có trang web cho đến năm 2007, và mãi đến năm 2009 mới bắt đầu bán sản phẩm qua mạng. Một số công ty Mỹ như Tiffany & Co đã phát triển bán hàng qua mạng rất mạnh nhưng các công ty châu Âu, đặc biệt là những công ty Pháp lâu năm như Chanel và Hermès, vẫn còn sợ nhấp chuột. Các doanh nhân giải thích rằng mua hàng qua internet không mang yếu tố con người, không có tương tác giữa người với người. Họ có lý vì khách hàng thường không thể xem các sản phẩm từ góc độ khác nhau, hoặc không thử được khi mua quần áo ảo. Tuy nhiên, Louis Vuitton - nhà sản xuất hàng da và quần áo, là một trong những thương hiệu cao cấp chú ý nhiều đến bán hàng qua mạng. Louis Vuitton cho lên mạng gần như tất cả sản phẩm. Nhưng vẫn có một bài học cho Louis Vuitton là cần phải tập trung định hướng cho phương thức bán hàng này. Năm ngoái, công ty mẹ của Louis Vuitton là LVMH phải đóng cửa eLuxury, một trang web thành lập năm 2000 nhằm chuyên bán các mặt hàng cao cấp. Theo một số người trong cuộc, lý do thất bại là thiếu tập trung vì họ bán cả sản phẩm sang trọng cao cấp lẫn nhiều món hàng tương đối rẻ trên eLuxury. Công nghệ mới được áp dụng Trong 4 kinh đô thời trang lớn của thế giới là London (Anh), Paris (Pháp), Milan (Ý) và New York (Mỹ) thì New York thực sự được coi là thành phố thời trang sôi động hiện đại, lộng lẫy và xa hoa nhất. Tuần lễ thời trang New York 2010 từ ngày 9-9 đến ngày 16-9 hàng năm được coi như là ngày hội lớn của ngành thời trang quốc tế đầy sôi động, thu hút hàng ngàn người đến tham dự. Sự kiện có sự tham gia trình diễn đông đảo trên 100 nhà thiết kế và nhãn hiệu thời trang. Một điểm rất đặc biệt là người mua sắm chỉ cần ngồi trước máy tính nhấp chuột để xem và mua hàng hóa. James Gardner, Giám đốc điều hành Createthe Group - phụ trách thời trang online cho hãng Marc Jacobs và Burberry, giải thích: “Công nghệ cho phép người mua sắm đi sâu hơn là khán giả đang ngồi ở hàng ghế đầu. Họ có thể bỏ sản phẩm vào xe đẩy của mình, thanh toán bằng thẻ tín dụng và kiểm tra trước khi buổi trình diễn kết thúc”. Trong suốt tuần lễ thời trang New York 2010, Marc Jacobs và Oscar de la Renta, cùng hơn 40 nhà thiết kế khác cho chiếu các buổi diễn thời trang trên Fecebook và các trang web thời trang như Style.com. THỤY NGUYỄN tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuonghieumanh240308/2010/10/239144/