Bàn giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chiều 25/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thông qua Hội nghị, các nhà trường đã cùng nhìn nhận lại những ưu điểm, hạn chế của kỳ thi trước, từ đó thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nâng chất lượng ôn tập phù hợp với đơn vị mình.

Vẫn còn những khó khăn

Năm 2023, toàn thành phố Hà Nội có 98.642 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó khối THPT có 85.856 thí sinh, còn lại là thí sinh khối Giáo dục thường xuyên. Kết quả, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,56% (tăng 0,27% so với năm học trước), tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 xuống vị trí thứ 16).

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Lê Hồng Vũ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã thành công cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ tốt nghiệp, số trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% và điểm trung bình các môn thi đều tăng.

Khối các trường THPT có 198 trường có tỷ lệ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm trước. Trong đó có 112 trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước (chiếm 47,7%); 149 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% (tăng hơn so với năm trước 51 trường). Nhiều trường đã có những cố gắng vượt bậc để đạt tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100% như: Bắc Lương Sơn (năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97,83%), Trần Đăng Ninh (năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,97%), Tây Sơn (năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 88%)… Khoảng cách chất lượng giữa các trường đã thu hẹp đáng kể. Chỉ còn duy nhất 1 trường có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 90% (năm 2022 con số này là 4 trường).

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Vũ, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Thành phố vẫn chưa đạt được kỳ vọng của ngành, như: Có 149 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, (tăng hơn năm trước 51 đơn vị), song vẫn có tới 53 trường có tỷ lệ thấp hơn mức trung bình của Thành phố. Trong số đó, có 4 trường có kết quả thấp hơn mức trung bình của Thành phố từ 5% trở lên.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Toàn Thành phố có 112 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, song nếu so sánh số liệu từ năm 2018 đến năm 2023 vẫn có tới 62 trường không có sự chuyển biến về chất lượng. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hầu như không có sự thay đổi, vẫn luôn ở mức thấp hơn mức trung bình của Thành phố, thậm chí có xu hướng năm sau thấp hơn năm trước.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, khá nhiều trường chưa xây dựng chiến lược rõ ràng, phù hợp với đặc thù của trường mình để nâng chất lượng ôn tập, việc ôn tập cho học sinh theo hướng cá biệt hóa, theo đối tượng học sinh chưa hiệu quả…

Giải pháp nâng chất lượng

Từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tại Hội nghị, đại diện các nhà trường đã chia sẻ những giải pháp và hiến kế nâng chất lượng dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 năm nay.

Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) Lê Văn Dũng cho biết, nhà trường đã đề ra một số giải pháp để nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền động viên, khơi dậy trong đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê chuyên môn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về nền nếp dạy và học, chỉ đạo giáo viên giảng dạy mức độ kiến thức phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh.

“Sau kỳ khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ diễn ra vào đầu tháng 4, nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho học sinh để các em biết rõ về lực học của bản thân, kịp thời cố gắng. Kết quả của kỳ khảo sát cũng giúp Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá được tình hình, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, đốc thúc, lập danh sách các học sinh đạt điểm chưa cao ở từng môn, chia thành các nhóm và cử giáo viên có uy tín, kinh nghiệm phụ đạo cho các em”, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A chia sẻ.

Quang cảnh Hội nghị.

Còn theo Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) Cao Thanh Nga, việc học tập, ôn luyện và củng cố kiến thức phải được thực hiện từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Vì vậy, mỗi năm nhà trường có 4 kỳ kiểm tra định kỳ với học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 ở tất cả các môn. Những học sinh có điểm dưới 5 sẽ tham gia lớp học đặc biệt, được nhà trường phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy miễn phí vào cuối giờ học buổi chiều. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm động viên học sinh, giáo viên bằng nhiều hình thức, trong đó có việc khen thưởng giáo viên có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp…

Hiệu trưởng Trường THPT Tự Lập (huyện Mê Linh) Trần Thị Hải Châu đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội tập hợp giáo viên cốt cán các trường xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Căn cứ ngân hàng đề này và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Hiệu trưởng Trường THPT Tự Lập cũng mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống Học và thi trực tuyến Hanoi.Study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân và lòng tự trọng của mỗi nhà giáo trong việc cải thiện chất lượng giáo dục ở từng nhà trường, bảo đảm mọi học sinh đều được quan tâm sát sao. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, sát điều kiện thực tế. Phòng Giáo dục trung học của Sở tiếp tục tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, giám sát việc triển khai, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 tại các trường để cùng chung tay nâng tỷ lệ tốt nghiệp năm 2024 của Hà Nội cao hơn năm 2023. Chuyên viên phụ trách môn học cần chủ động cùng với các nhà trường, đặc biệt là các trường có các môn thi đạt kết quả thấp rà soát, đánh giá chất lượng, hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 xây dựng kế hoạch ôn tập, lựa chọn giáo viên giỏi xây dựng, ghi hình bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình.

Với các nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây, có giải pháp khắc phục hạn chế, nhân rộng những mô hình, kinh nghiệm hay đã vận dụng hiệu quả, tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời quan tâm hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.

“Ngay từ bây giờ các nhà trường phải tăng tốc để sau đó hạ nhiệt dần, tạo khoảng trống trước kỳ thi để học sinh có thời gian nghỉ ngơi”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-giai-phap-nang-cao-chat-luong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-168067.html