Bàn giải pháp hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài

Công tác xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là ngày càng được quan tâm nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho kiều bào tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai….

Đây cũng chính là mục đích của Hội thảo Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) vừa được Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào chiều 26/10.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Tiêu)

Tham dự Hội thảo có trên 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam đến từ 11 nước/vùng lãnh thổ: Pháp, Đức, Ba Lan, Czech, Anh, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hà Quốc và Australia tại 15 điểm cầu ở nước ngoài.

Nhu cầu chính đáng của bà con

Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông cho biết, cộng đồng NVNONN chịu sự điều chỉnh là được hưởng các quyền theo hệ thống pháp luật sở tại nơi sinh sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất đặc thù là những người có mối quan hệ gắn bó với quê hương, có các quyền và lợi ích liên quan tại Việt Nam, do đó, môi trường pháp lý đối với người Việt Nam ở nước ngoài rất đa dạng song không kém phần phức tạp.

Trong bối cảnh đó, việc hiểu biết và nắm vững các quy định pháp lý nhằm vừa thực thi, vừa bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình là một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam không ngừng gia tăng.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước ta là “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, nhiều chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật về quyền của kiều bào ta đã được đảng, nhà nước thông qua.

Gần đây nhất, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ quan trọng là “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại”.

Theo phản ánh của bà con kiều bào, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản pháp luật do các quy định liên quan nằm rải rác trong các văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, việc phổ biến, triển khai thực hiện đôi khi chưa đồng bộ và thống nhất; còn có cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau. Do đó, nhiều bà con kiều bào có nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc.

Ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh: “Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bà con và chúng tôi nhận thức rằng việc hỗ trợ pháp lý do cộng đồng người Việt cả ở trong và ngoài nước cũng được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.

Hội thảo đã lắng nghe 10 ý kiến phát biểu của đại diện các hội đoàn người Việt Nam đến từ Vương quốc Anh, Hà Lan, Czech, Bỉ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Australia về nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư NVNONN, thừa kế tài sản, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam; các thủ tục hành chính liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, xuất-nhập cảnh, xuất khẩu lao động,...

Chia sẻ tại đây, bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech, nêu rõ những nội dung người Việt tại Czech cần hỗ trợ về pháp lý: hỗ trợ về hộ khẩu thường trú, đăng kí tạm trú, căn cước công dân, thừa kế, quốc tịch.

Đặc biệt là những khó khăn với những người vẫn còn quốc tịch Việt Nam nhưng không còn hộ khẩu thường trú, giấy tờ tùy thân của trẻ em có bố mẹ người Việt Nam sinh ra tại nước ngoài; vấn đề thừa kế tài sản cho con khi con không có quốc tịch Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại nhiều điểm cầu. (Ảnh: Dương Tiêu)

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hiện tại cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản khoảng hơn 500.000 người. Cùng với sự phát triển về số lượng, điều kiện kinh tế của một bộ phận kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản được cải thiện và có nhu cầu đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Do đó, kiều bào cầu cập nhật thông tin mới pháp luật về đầu tư-kinh doanh nhằm tối ưu hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, cần hỗ trợ thiết lập các hợp đồng pháp lý nhằm đảm bảo quyền sở hữu tài sản và hỗ trợ để hiểu rõ các quy định, thủ tục liên quan đến vấn đề quốc tịch.

Nhấn mạnh nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của kiều bào đối với pháp luật trong nước và pháp luất ở tại là rất lớn và cấp thiết, TS Nguyễn Quốc Hùng, Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Hợp tác Nga-Việt, cũng đưa ra một số đề xuất như thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề; tạo cơ chế tiếp xúc, đối thoại hai chiều giữa các tổ chức tư vấn pháp luật với bà con kiều bào.

Cùng gỡ khó những vướng mắc

Ông Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (với trên 5.300 luật sư thành viên, 1.700 tổ chức hành nghề luật sư và tiếp tục tăng dần hàng năm) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhiều đối tượng và không chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội mà còn thực hiện rộng khắp tới nhiều nơi trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài cũng đang rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu này, Đoàn luật sư Hà Nội đã đưa ra sáng kiến về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động gắn với chức năng nghề nghiệp của luật sư và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho NVNONN là một hoạt động tương đối mới mẻ nên sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, vì vậy cần thiết phải đổi mới hình thức, phương thức hỗ trợ pháp lý, tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý; rriển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có sự phối hợp trong và ngoài nước tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả

Ông Huỳnh Phương Nam cho rằng: “Mặc dù sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, nhưng với chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay phối hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, công tác hỗ trợ pháp lý cho NVNONN sẽ từng bước thành công, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.

Để triển khai nhiệm vụ này,Hội Liên lạc với NVNONN và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, vào năm 2022, đã kỹ một Thỏa thuận hợp tác lập cơ chế tiếp nhận và hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, liên quan đến các vấn đề quốc tịch, hôn nhân, thừa kế, tài sản, đầu tư, buôn bán và các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN, chia sẻ: “Cộng đồng NVNONN đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, ngày càng trở thành một bộ phận và nguồn lực quan trong của đất nước. Nếu chúng ta có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tháo gỡ một số vướng mắc, trong đó có các vấn đề pháp lý thì sẽ giúp bà con ta ngày càng gắn bó với đất nước, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại Hội thảo, các đại biểu kiều bào bày tỏ đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban NNVNVNONN và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đề xuất một số biên pháp, hình thức hỗ trợ và kỳ vọng cơ chế hỗ trợ pháp lý sẽ sớm được triển khai thời gian tới một cách thực chất, hiệu quả.

Đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Dương Tiêu)

Tiếp thu ý kiều bào, đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hỗ trợ pháp lý cho NVNONN không có mục đích lợi nhuận với đa dạng đối tượng và hình thức hỗ trợ, trên cơ sở phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các tổ chức hành nghề luât sư và các cơ quan chức năng.

Có thể thấy, Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho NVNONN là bước khởi đầu để hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ kiều bào trong việc thực thi và bảo vệ các quyền, lợi ích của mình theo đúng quy định pháp luật, góp phần triển khai nhiệm vụ “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào” tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới.

Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của bà con, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phối hợp cùng Đoàn Luật sư Hà Nội tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-giai-phap-ho-tro-phap-ly-cho-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-247649.html