Bán được lợn mà như bị... mất cắp

Anh Nam nói: "Giá lợn thấp đến mức thảm hại, bán được hơn 11 tấn lợn mà tôi có cảm giác như mình bị mất cắp".

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá lợn hơi tính đến ngày 20/4 vẫn tiếp đà giảm. Ở Đồng Nai, giá lợn bán tại chuồng chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg; có những địa phương ở miền Bắc giá lợn giảm xuống dưới 25.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là trên thị trường, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg.

Bán lợn mà như bị... mất cắp

Những ngày này, chị Lê Thị Ba ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi 500 con lợn đến kỳ xuất chuồng mà thương lái trả giá vô cùng thấp. Chị Ba cho biết, tháng trước chị xuất chuồng đàn lợn 200 con với giá chỉ 26.500 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình chị đã phải gánh lỗ khoảng 200 triệu đồng.

Với hy vọng giá lợn sẽ hồi phục trở lại, gia đình chị đã cố gắng cầm cự chăm sóc đàn lợn, nhưng đến lứa này giá bán còn bi đát hơn, khi thương lái chỉ trả với mức 23.000 đồng/kg.

Đàn lợn của một hộ nuôi ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) chưa bán được vì thương lái trả giá quá rẻ. Ảnh: T.Q

"Đến giờ này thì giá bao nhiêu cũng phải bán tống bán tháo lợn đi, chứ càng nuôi càng tốn kém, mà lợn quá lứa giá lại càng rẻ hơn", chị Ba nói. Trang trại nhà chị nuôi 2.000 con lợn, đợt này vào kỳ xuất chuồng cả loạt, nếu bán hết cả 2.000 con với giá hiện nay thì nhà chị lỗ khoảng 2,5 tỷ đồng.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, anh Dương Phương Nam, một chủ trang trại lợn ở thị trấn Yên Phong (Bắc Ninh) buồn rầu cho biết, gia đình anh vừa xuất bán 87 con lợn có trọng lượng từ 90 - 110kg/con, với giá thấp đến mức "choáng váng": 24.000 đồng/kg.

Anh Nam nói: "Giá lợn thấp đến mức thảm hại, bán được hơn 11 tấn lợn mà tôi có cảm giác như mình bị mất cắp. Trong chuồng nhà tôi vẫn còn 700 con nữa, không biết với tình hình này, chúng tôi còn cầm cự được bao lâu đây?".

Cũng theo anh Nam, do không chống chịu nổi với mức giá đã chạm đáy liên tục mấy tháng nay, không ít hộ nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn đã phải treo chuồng. Tình trạng này khiến những người sản xuất, kinh doanh lợn giống cũng sống dở chết dở.

Ông Phạm Bá Vang ở xã Tân Bình (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Lúc cao điểm, trại lợn của tôi nuôi hơn 1.200 lợn nái. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ không dám tăng đàn nên tôi đã giảm đàn và hiện chỉ còn hơn 900 lợn nái. Giá lợn hơi chạm đáy, kéo theo giá lợn giống cũng lao dốc và đến thời điểm này chỉ còn 450.000 đồng/con, trong khi chi phí đầu tư cho 1 con lợn giống hết khoảng 900.000 đồng".

Câu hỏi lớn về thị trường tiêu thụ?

Theo quy luật, khi giá lợn hơi giảm sâu thì giá lợn xẻ bán tới người tiêu dùng sẽ phải giảm theo, nhưng thực tế hiện nay lại không như vậy. Theo khảo sát của phóng viên ở một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) hay Dịch Vọng (Cầu Giấy), giá thịt lợn dao động khoảng 80.000 - 100.000/kg tùy loại; trong các siêu thị lớn như Vinmart, BigC... giá bán các sản phẩm thịt lợn đều trên 100.000 đồng/kg.

Lý giải về nghịch lý này, ông Nguyễn Văn Thương - chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho rằng có 2 nguyên nhân chính: "Một là do việc bán lẻ thịt lợn phải trải qua nhiều khâu trung gian, qua mỗi khâu thương nhân lại nâng lên 1-2 giá và thay đổi theo mức mà các thương lái, người bán tự thỏa thuận miệng với nhau. Thứ 2 là do lượng thịt lợn miếng cung cấp cho một số lượng người nhất định, ở các khu dân cư nhất định mà phần lớn là bà con quen mua ở các chợ dân sinh. Tại các chợ này, chủ hàng thịt đã giữ chỗ, việc điều tiết thịt bao nhiêu là do họ, mỗi người tiêu dùng khi mua phải phụ thuộc vào họ nên các các chủ thịt dựa vào đó mà tự định giá, độc chiếm thị trường".

Khi đặt vấn đề về sự trái ngược khó hiểu giữa giá lợn hơi và lợn miếng bán tại chợ, bà Phạm Thị Hoa - bán thịt lợn ở chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: "Nếu nói chúng tôi ăn lãi quá nhiều trong khi người nuôi chịu thua thiệt lớn thì không đúng. Mỗi ngày, nhà tôi chỉ nhận bán một nửa con lợn đã thịt sẵn do các thợ buôn chở đến tận chợ. Họ cấp thịt cho chúng tôi giá cao thì tất nhiên chúng tôi cũng phải phải bán với giá phù hợp thì mới có lãi được".

Khi được hỏi về giá mua đầu vào, bà Hoa tỏ vẻ khó chịu: "Việc kinh doanh thịt lợn chịu sự cạnh tranh rất mạnh nên chúng tôi hạn chế tiết lộ giá cả. Cũng phải nói thật là người tiêu dùng của tôi chủ yếu là khách quen, không ai thắc mắc về giá cả, thịt ngon thì họ vẫn mua ăn đều thôi", bà Hoa cho hay.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thịt lợn tại siêu thị không giảm theo giá lợn hơi là do hệ thống phân phối có vấn đề. Nguyên do là bởi thịt bán ở các siêu thị, các chợ vẫn phải qua 3 - 4 đầu mối phân phối mới đến tay người tiêu dùng.

"Một con lợn phải qua nhiều khâu trung gian, chịu hàng chục thứ phí thì giá phân phối cao là không tránh khỏi. Hơn nữa, khâu bán lẻ hiện nay vẫn ăn chiết khấu nhiều quá, có khâu lãi tới 20 - 30%", ông Phú nói.

Theo Nhóm PV (Dân Việt)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/kinh-doanh/ban-duoc-lon-ma-nhu-bi-mat-cap-c10a520779.html