Bán đồ bẩn, độc bị loa phường bêu tên: Dân phấn khởi

Người dân tỏ ra phấn khởi trước thông tin tiểu thương bán đồ bẩn, độc bị bêu tên trên loa phường, trong khi nhiều người bán hàng còn tỏ ra lăn tăn.

Tiểu thương lăn tăn

Để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn độc tràn lan, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại địa phương.

Đặc biệt, trường hợp kiểm tra phát hiện các cơ sở vi phạm quy định ATTP, kịp thời thông báo tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, chị Nguyễn Kiều Oanh (tiểu thương chợ Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc đưa ra các quy định đó sẽ khiến những người kinh doanh có ý thức trách nhiệm hơn đối với các sản phẩm bày bán tại quầy hàng của mình.

Người dân tỏ ra phấn khởi trước thông tin tiểu thương bán đồ bẩn độc bị bêu tên trên loa phường, trong khi nhiều người bán hàng còn tỏ ra lăn tăn. Ảnh minh họa

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Tâm lý người Việt thường sợ bị người khác biết việc làm sai trái, tẩy chay nên nếu việc này được nhân rộng tôi nghĩ đó sẽ là giải pháp tốt. Tôi không quy chụp tất cả, nhưng hiện nay đúng là có một số người bán hàng vì muốn trục lợi cá nhân nên đã chấp nhận bán đồ có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hay tiêm các chất bảo quản vào rau, củ quả, thịt…

Thông thường ở những chợ lớn việc này sẽ không xảy ra nhưng ở các chợ cóc, chợ nhỏ ở vùng ngoại thành hay nông thôn, việc kiểm tra thực phẩm sạch cũng không hề dễ dàng”, chị Oanh nói.

Tuy nhiên chị Oanh cho rằng, việc bêu tên trên loa phường sẽ chỉ có tác dụng khi người dân cũng tự ý thức được vấn đề lựa chọn thực phẩm sạch.

“Tôi nghĩ ban quản lý chợ hay chi cục quản lý thị trường các quận, huyện cần có những khuyến cáo để người dân lựa chọn được những địa chỉ tin cậy để mua hàng. Nếu người dân nào tiếp tay cho tiểu thương bán thực phẩm độc cũng cần phải xử phạt cảnh cáo để mang tính răn đe”, chị Oanh nhấn mạnh.

Cùng lăn tăn như chị Oanh, bà Lê Thị Tươi (tiểu thương chợ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề thực phẩm bẩn độc.

Theo bà Tươi, người kinh doanh tại chợ không hẳn là người ở địa phương. Họ có thể đến từ nơi khác, hoặc có tình trạng không vào chợ mà bày bán ở gần chợ. Người tiêu dùng thấy giá rẻ hơn là sẽ không suy nghĩ nhiều mà mua luôn hàng. Nên thành ra những tiểu thương bán hàng tốt, đảm bảo chất lượng trong chợ luôn bị thiệt.

“Việc phát loa bêu tên những người bán thực phẩm bẩn độc trên phường tôi cho rằng chỉ giải quyết được một thôi. Có phải ai cũng có thời gian để nghe thông tin trên phường đâu? Nếu tiểu thương không ở địa phương thì phát như thế có tác dụng không? Người dân liệu có nhớ được hết tên của người bán hàng để đưa ra các thông tin như vậy không?”, bà Tươi đặt câu hỏi.

Thực phẩm bẩn độc, người Hà Nội trồng rau ngoài đường

Người dân phấn khởi

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, chị Vũ Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vui mừng khi người dân có thêm một kênh thông tin để tránh xa những cửa hàng kinh doanh thực phẩm bẩn độc, kém chất lượng.

“Người dân đi chợ mà bảo bằng mắt thường kiểm tra được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là sạch thì khó lắm. Giờ ra chợ mua cái gì cũng lo, nhất là thịt lợn với thịt bò. Tôi thấy trên ti vi người ta quay cảnh tiểu thương chế biến, tạo màu, mùi để làm giả thịt mà sợ hãi không dám mua về nhà ăn.

Tôi nghĩ nếu phát hiện được cửa hàng nào kinh doanh trái phép như vậy ngoài việc đình chỉ bán hàng thì cần bêu tên trên loa phường vào thời điểm đông người như buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều. Ngoài ra cần dán tại khu vực chợ các thông tin như: ki ốt bao nhiêu, người bán hàng tên gì để người dân tự phòng tránh”, chị Hà nói.

Theo chị Hà, nếu các tiểu thương làm ăn ngay thẳng, không gian lận, lừa dối khách hàng và cơ quan chức năng thì chắc chắn sẽ ủng hộ việc này.

“Việc tìm ra những người bán thực phẩm bẩn độc không chỉ giúp người tiêu dùng lựa chọn được đồ ăn tốt mà còn tạo tính cạnh tranh công bằng cho chính các tiểu thương. Tôi nghĩ đã đến lúc người tiêu dùng được quan tâm và tự chủ động hơn với sức khỏe của mình”, chị Hà khẳng định.

Đồng quan điểm với chị Hà, chị Trần Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng ngoài việc bêu tên trên loa phường, ban quản lý chợ cần gửi thông báo về khu dân cư, về xã trong trường hợp người bán hàng sinh sống ở khu vực khác.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/ban-do-ban-doc-bi-loa-phuong-beu-ten-dan-phan-khoi-3320559/