Bàn cờ Mỹ - Trung: Trò chơi chiến tranh Đông Á

Căng thẳng Mỹ - Trung đang lan rộng từ Biển Đông, Hoa Đông tới bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang khu vực.

Tranh chấp Biển Đông, sự chia rẽ đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang tác động mạnh tới các mối quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Yanmei Xie, nhà phân tích của Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng Quốc tế (ICG, trụ sở ở Brussels - Bỉ), cho biết mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đã xấu đi đáng kể trong bối cảnh khu vực này đang chìm sâu trong cuộc chạy đua vũ trang.

"Trước đây, khu vực này tập trung vào quá trình hội nhập kinh tế, xây dựng các tổ chức đa phương, thúc đẩy sự đồng thuận khu vực," bà nói. "Nhưng trong những năm gần đây, tất cả điều này đã bị bỏ quên. Thay vào đó, khu vực này “dính vào” một cuộc chạy đua vũ trang và tìm kiếm sự răn đe trong khi các tổ chức đa phương xuất hiện rạn nứt."

Bà Xie cho biết Bắc Kinh và Washington có hai lời giải thích hoàn toàn khác nhau đối với sự bất ổn hiện nay của môi trường an ninh khu vực. "Nếu bạn hỏi phía Trung Quốc, câu trả lời sẽ là do Mỹ đang quay trục về châu Á. Nếu bạn hỏi các nước khác, câu trả lời sẽ là vì sự hiện diện quyết đoán hơn của Trung Quốc. "

Tên lửa được phóng trong một cuộc tập trận trên biển Hoa Đông. (Nguồn: AP)

Bán đảo Triều Tiên

Ngày 22/8, khoảng 25.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự hàng năm với Hàn Quốc, động thái bị Triều Tiên phản đối và đã cảnh báo sẽ trả đũa. Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng lên án cuộc tập trận trên, cho rằng động thái này sẽ "gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á" và thậm chí có thể vô tình kích động một cuộc chiến thực sự.

Tân Hoa Xã cho biết sự "cơ bắp" của Hoa Kỳ và quyết tâm của Hàn Quốc trong việc chống lại người láng giềng phương bắc sẽ "dẫn đến một vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực đáp trả bạo lực" và cảnh báo rằng "phương pháp giải quyết không đúng cách" của các cuộc tập trận quân sự có thể dẫn đến xung đột.

Ủy ban đình chiến quân sự thuộc Bộ chỉ huy LHQ do Mỹ dẫn đầu cho biết họ đã thông báo cho quân đội Triều Tiên về cuộc tập trận "không khiêu khích" này. Tuy nhiên Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận này là hành động xâm lược và đe dọa sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.

Căng thẳng hiện đang tăng cao khi Trung Quốc phản đối quyết liệt việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh đang lo ngại rằng hệ thống này có thể được sử dụng để giám sát và phản công không chỉ đối với tên lửa từ Triều Tiên mà còn đối với tên lửa từ Trung Quốc.

Biển Đông

Ngày 22/8, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Vịnh Bắc Bộ - động thái mới nhất trong một loạt các cuộc tập trận quân sự tại khu vực kể từ khi tòa án trọng tài thường trực tại The Hague (PCA) ra phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền trái phép của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Trung Quốc cũng có kế hoạch tập trận chung với Nga tại Biển Đông tháng tới, một động thái đã bị Mỹ chỉ trích rằng sẽ gây tổn hại cho sự ổn định trong khu vực.

"Có nhiều nơi khác để có thể tổ chức các cuộc tập trận," Đô đốc. Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết trong chuyến thăm tới Trung Quốc tháng này. "Tôi nghĩ rằng, đây là một vấn đề đáng quan tâm và cần được xem xét dựa trên lập trường về những hành động không gia tăng sự bất ổn trong khu vực."

Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục bồi đắp trái phép các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa tại Biển Đông để tìm cách biến mọi thứ thành sự đã rồi, bất chấp phán quyết của PCA, các chuyên gia nói.

Hình ảnh vệ tinh được Trung tâm nghiên cứu CSIS gần đây cho thấy Trung Quốc đang củng cố cơ sở hạ tầng của 3 đường băng nước này đã xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa để đủ không gian chứa 24 máy bay chiến đấu và 3 – 4 máy bay cỡ lớn.

Biển Hoa Đông

Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc tập trận quân sự trong vùng biển Nhật Bản vào tuần trước, bao gồm một cuộc tấn công mô phỏng máy bay ném bom của lực lượng đặc nhiệm hải quân, quân đội nước này cho biết.

Ngay trước khi phán quyết của toàn PCA được công bố, đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đã cảnh báo Nhật Bản rằng nước này sẽ "vượt qua đèn đỏ" nếu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia vào hoạt động tuần tra tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Biển Đông, hãng tin Kyodo cho biết.

Sự căng thẳng tại Hoa Đông đang “nổi lên bề mặt” khi Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản lập kế hoạch triển khai tên lửa đối hạm mới tới các hòn đảo tại Hoa Đông.

Còn Nhật Bản cũng đã liên tục bày tỏ sự phản đối sau khi các tàu đánh bắt cá và tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vào khu vực Tokyo coi là lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có cuộc hội đàm hôm nay và ngày mai với hy vọng làm dịu căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, khi bản chất của vấn đề chưa được giải quyết thì tình trạng căng thẳng, dù giảm đi trong thời gian tới vẫn sẽ có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ban-co-my-trung-tro-choi-chien-tranh-dong-a-207288.html