Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ năm

Sáng 19.7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức trực tuyến toàn quốc phiên họp thứ năm để đánh giá kết quả công tác CCHC 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành thành viên BCĐ CCHC tỉnh.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành thành viên BCĐ CCHC của Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm trong việc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả 6 nội dung của CCHC. Đến nay, cả nước có 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo Đề án 06, 10/28 DVC theo Quyết định 422, ngày 4.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ; 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng DVC quốc gia...

Đối với tỉnh Hà Giang, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng CCHC như: Triển khai thực hiện hiệu quả DVC trực tuyến; cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thành việc rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp DVC trực tuyến. Đến nay, trong tổng số 1.894 TTHC có hiệu lực trên địa bàn tỉnh thì 672 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình (đạt 35,48%), 1.165 TTHC được cung cấp DVC trực tuyến một phần.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại như: Cơ chế, chính sách, pháp luật, TTHC trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhiều rào cản, quy định chồng chéo, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, xây dựng...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt CCHC, có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, ưu tiên rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH. Quan tâm rà soát TTHC ở các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển đổi số theo đúng phương châm: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát lại đội ngũ cán bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, xử lý những cán bộ sai phạm, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài; chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông chính sách nhằm kêu gọi, truyền cảm hứng để người dân, doanh nghiệp hiểu, cùng tham gia CCHC...

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202307/ban-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-chinh-phu-hop-phien-thu-nam-81c6907/