Bận bịu vì lo khai tử cho doanh nghiệp

Bên lề Hội nghị về đăng ký kinh doanh khu vực phía Bắc, khi được hỏi thăm xã giao “Dạo này có bận không anh?”, trưởng phòng đăng ký kinh doanh một tỉnh đồng bằng sông Hồng nói ngay: “Bận, bận lắm, khai sinh đã bận, giờ khai tử hàng loạt nên rất bận”.

Như nhiều đơn vị đăng ký kinh doanh khác, nhiều năm qua, công việc chính của cơ quan này là “khai sinh” doanh nghiệp, nhưng hơn 1 năm nay, hoạt động “khai tử” bỗng trở nên nhộn nhịp.

Èo uột bức tranh doanh nghiệp

Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay, trong quý I/2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng, so với cũng kỳ năm ngoái giảm 6,8% về số DN đăng ký mới và 16% về số vốn; còn so với quý IV/2012 thì con số này giảm mạnh hơn, tương đương 9,4% và 26,7 %.

Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký trong quý I/2013 vẫn tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy các doanh nghiệp ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất và kinh doanh.

Không chỉ giảm về số lượng, quy mô vốn đăng ký, mức vốn đăng ký bình quân trong quý I/2013 cũng tiếp tục giảm ở mức 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong khi số doanh nghiệp “khai sinh” giảm, số doanh nghiệp “khai tử” tuy có giảm nhưng rất đáng lưu ý. Về số doanh nghiệp giải thể, trong quý I/2013, cả nước có 2.272 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng nói là hai địa phương đầu tàu có số lượng giải thể cao: TP.HCM là 692 đơn vị và Hà Nội có 315 đơn vị.

Không chịu “khai tử”, nhiều doanh nghiệp chọn con đường nhẹ nhàng hơn là “dừng hoạt động do khó khăn”. Cụ thể, trong quý I/2013, cả nước có 13.011 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 26 % so với cùng kỳ.

Áp lực hoàn thiện quản lý doanh nghiệp

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện và triển khai các ứng dụng trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (NBRS). Theo đánh giá của những người làm công tác quản lý đăng ký doanh nghiệp, việc triển khai và vận hành thành công NBRS là một thành công lớn, khắc phục được rất nhiều những tồn tại gần như không thể xử lý được trong suốt nhiều chục năm qua như việc tránh trùng tên (mới), DN không đăng ký mã số thuế, doanh nghiệp thành lập rồi biến mất mà không ai biết...

Theo ông Lê Minh Hiền, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Hải Dương, phải khẳng định việc triển khai thực hiện thành công NBRS thực sự là một cuộc "cách mạng" đối với công tác đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Hiền, vẫn cần tiếp tục vận hành, nâng cấp, khai thác đạt hiệu quả cao nhất NBRS.

Chẳng hạn, ngoài công nghệ, cần tiếp tục đầu tư cho đội ngũ cán bộ vì đăng ký kinh doanh là một lĩnh vực yêu cầu kiến thức vừa rộng lại vừa sâu.

“Do phải đáp ứng ngay các yêu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp... nên đòi hỏi cán bộ phải có trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp rất cao. Để có một cán bộ tốt thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh cần thử việc trung bình 3 năm trở nên. Có cán bộ tuy rất có kinh nghiệm, giỏi ở lĩnh vực khác nhưng khi công tác tại phòng Đăng ký kinh doanh lại không đáp ứng được yêu cầu, từ đó phát sinh ra một số lỗi nghiệp vụ không đáng có”, ông Hiền nói.

Theo ông Lê Quang Mạnh, công tác quản lý đăng ký kinh doanh đúng là còn một số những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. NBRS hiện mới thực hiện đăng ký cho doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp mà chưa tích hợp đầy đủ cho các loại hình doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thành lập tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức tín dụng và các loại hình kinh doanh khác.

Từ thực tế này, ông Mạnh cho biết, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2013 của Cục quản lý đăng ký kinh doanh là tiếp tục triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu trọng tâm là đưa toàn bộ các pháp nhân hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế tập trung vào một hệ thống thông tin duy nhất là NBRS.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường chuẩn hóa dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp.

Yến Thanh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/117424/ban-biu-vi-lo-khai-tu-cho-doanh-nghie-p.html