Bản anh hùng ca bất diệt

Trong những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe, đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu, Nghệ An đến QL 46B). Đây là hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc 2.000km.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654 km. Đến nay, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác 9/11 dự án thành phần với tổng chiều dài 525 km, gồm: Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (15 km); Mai Sơn - QL 45 (63 km); QL 45 - Nghi Sơn (43 km); Nghi Sơn - Diễn Châu (50 km); Cam Lộ - La Sơn (98 km); Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP 49 km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101 km); Phan Thiết - Dầu Giây (99 km) và cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (7 km).

Dự án thành phần cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết đang chỉ đạo quyết liệt để trong quý III/2024 khánh thành 20 km còn lại của dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt. Đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, tạo không gian phát triển mới, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Cả nước đang phấn đấu đến năm 2025 có trên 3.000 km đường bộ cao tốc. Việc khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến QL 46B) là những sự kiện đặc biệt trong dịp cả nước hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa Việt Nam bước sang thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra trang mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ: "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".

Khi phân tích về chiến thắng Điện Biên Phủ, các chuyên gia về lịch sử đều có chung nhận định: Đó là thắng lợi của sức mạnh "toàn dân đánh giặc" dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

70 năm qua, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành thêm nhiều thắng lợi khác, đặc biệt là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) và công cuộc đổi mới đất nước diễn ra từ 1986 đến nay. Những thắng lợi đó được cộng đồng quốc tế thừa nhận và càng chứng minh thêm ý nghĩa của "sức mạnh toàn dân" đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Và nay, trong thời bình, với những khó khăn sau đại dịch COVID-19, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình chính trị và kinh tế của thế giới, chúng ta cần nỗ lực thế nào để tiếp tục vượt qua và làm nên những kỳ tích, những đột phá như đã từng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ?

Đó là câu hỏi lớn, thao thức đối với mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài, là trăn trở của mỗi một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ xuất phát từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thì nay, "sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm" ấy đang cần được phát huy cao độ trên mọi lĩnh vực, để không chỉ giữ vững hòa bình, độc lập, mà còn để chống lại sự tụt hậu, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Những nỗ lực trong việc vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19; những quyết tâm trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những đột phá trong cải cách hành chính để tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh; những cung đường cao tốc nối thông huyết mạnh kinh tế... đều là những việc cụ thể để thể hiện một "tinh thần Điện Biên Phủ" trong bối cảnh mới.

"Đoàn kết, đại đoàn kết" dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. "Bản anh hùng ca bất diệt" ấy phải tiếp tục được ngân lên trong mọi thời đại. Đó cũng chính là lời tri ân thắm thiết nhất cho sự đóng góp và hy sinh vĩ đại của cán bộ, nhân dân và chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên.

Lương Duy Cường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/ban-anh-hung-ca-bat-diet-i729739/