Bám bản, bám dân, đưa vốn đến với bà con vùng cao

Tín dụng chính sách không chỉ là người bạn đồng hành của đồng bào vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số, mà còn là 'bệ đỡ' giúp chính quyền các huyện miền núi thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Ông Đỗ Đăng Hùng, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bắc Kạn, cùng cán bộ tín dụng đến từng bản, từng thôn để giải thích, hỗ trợ cho bà con các thủ tục vay vốn - Ảnh: VGP/Minh Thi

Ông Đỗ Đăng Hùng, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bắc Kạn, cùng cán bộ tín dụng đến từng bản, từng thôn để giải thích, hỗ trợ cho bà con các thủ tục vay vốn - Ảnh: VGP/Minh Thi

Một trong những ngân hàng thương mại đã thực hiện tốt chính sách "tam nông" và chú trọng nguồn vốn cho vùng sâu, vùng xa đó là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Với tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian qua luôn ở mức 65-70% tổng dư nợ, Agribank xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là bạn đồng hành. Đặc biệt, ngân hàng làm bạn với bà con nông dân này luôn chú trọng với những ưu tiên, tâm huyết của toàn bộ hệ thống cho những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ về mục tiêu đồng hành cùng người nông dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng luôn ý thức việc đưa tín dụng đến vùng cao không chỉ là giúp người dân có vốn để sản xuất, kinh doanh, mà cao hơn, ý nghĩa hơn nữa là góp sức cùng với Đảng, Nhà nước đảm bảo an ninh biên giới, giữ đất, giữ bản.

Bám đất, bám bản để làm tín dụng, đưa vốn đến với bà con vùng cao là mục tiêu và ý nghĩa của các cán bộ ngân hàng Agribank.

Đưa ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa gần hơn nữa

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tam nông toàn hệ thống. Định hướng của Agribank thời gian tới là vẫn tiếp tục duy trì tỉ lệ này cho lĩnh vực tam nông.

Agribank đã trở thành "cầu nối" quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, mang đến cho người dân cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước.

Toàn ngân hàng đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại 454 xã trên toàn quốc, giải ngân 5.679 tỷ đồng, thu nợ 6.208 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỷ đồng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại.

Có những xã cách trung tâm huyện tới 50-60 km, đi lại vất vả, cán bộ tín dụng vẫn không quản ngại khó khăn, bám đất, bám bản đến tư vấn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng người đồng bào dân tộc cách sử dụng vốn vay, đổi mới cách làm ăn để sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Với khu vực biên giới chưa có chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đã đưa ô tô lưu động phục vụ các nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để làm sao không để trống địa bàn.

"Theo đó, để đạt được tâm ý và mục tiêu này, dù khó khăn, thử thách hơn nhiều, nhưng toàn hệ thống ngân hàng vẫn phải duy trì các chị nhánh tín dụng ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới sẽ có tới 4.000 cán bộ để thực hiện chính sách tài chính tín dụng cho bà con. Bởi vì, tín dụng đặc thù cần cán bộ đi đến từng nơi, hướng dẫn tận chỗ về các thủ tục, về mục tiêu vay vốn cho bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống để góp phần giữ vững an ninh vùng biên giới của Tổ quốc", bà Nguyễn Thị Phượng cho biết.

Có thể nói, nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo từ đó góp phần cùng cả nước giảm tỉ lệ hộ nghèo của cả nước từ 14,5% (năm 2008) xuống còn 4,03% (năm 2022).

Nhờ có vốn vay từ Agribank Bắc Kạn, anh Nông Văn Đông (thôn Đỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) sẽ tiếp tục đàu tư mở rộng chăn nuôi và trồng trọt cho trang trại của mình - Ảnh: VGP/Minh Thi

Nhờ có vốn vay từ Agribank Bắc Kạn, anh Nông Văn Đông (thôn Đỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) sẽ tiếp tục đàu tư mở rộng chăn nuôi và trồng trọt cho trang trại của mình - Ảnh: VGP/Minh Thi

Dự án tốt, vốn vay cao

Theo ông Đỗ Đăng Hùng, Giám đốc Chi nhánh Agribank Bắc Kạn, mặc dù địa hình địa lý hiểm trở, dẫn đến khó khăn trong lưu thông, di chuyển; mật độ dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế và thu nhập của nhân dân thấp nên việc triển khai cho vay gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt lên những trở ngại về vị trí địa lý cũng như tính đặc thù của địa phương, dưới sự lãnh đạo của Ban Lãnh đạo Hội sở, Agribank Bắc Kạn đã khuyến khich người dân mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đưa được vốn đến với bà con để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cụ thể, năm 2022 đã cho vay nông nghiệp, nông thôn là 2.403 ngàn tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn cho vay toàn tỉnh là 3.439 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng cho vay. Năm 2023, tính đến tháng 12/2023 đã cho vay nông nghiệp nông thôn là 2.326 ngàn tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn cho vay toàn tỉnh là 3.4561 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng cho vay.

Hay tại, Chi nhánh Agribank Cao Bằng, một tỉnh vùng cao với mật độ dân cư thưa thớt cũng đã cho vay cho sản xuất nông nghiệp (trong đó có cả hộ cận nghèo) là 3.448 tỷ đồng trên tổng số cho vay toàn tỉnh là 5.316 tỷ đồng, chiếm gần 65%. Hơn 11 tháng năm 2023 cũng đã cho vay nông nghiệp nông thôn là 3.204/5.123 tỷ đồng, chiếm hơn 63%.

Theo ông Đỗ Đăng Hùng, mặc dù phải đảm bảo các nguyên tắc về tài sản thế chấp, về bảo toàn vốn, tránh nợ xấu, nhưng sau khi thẩm định, dự án nào tốt, có tính khả thi cao ngân hàng vẫn có thể cho vay với mức cao nhất (có thể gần 70% tổng vốn đầu tư).

Có thể minh chứng hiệu quả của nguồn vốn của Agribank bằng các ví dụ các hộ gia đình, trang trại đã được giải ngân và sản xuất, chăn nuôi hiệu quả sau đây: Hộ nông dân Nông Văn Đông (thôn Đỏng Luông-Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) đầu tư cho nông trại với gần 10 tỷ đồng để nuôi vịt, gà, heo và trồng cây ăn quả. Với sự hỗ trợ từ chi nhánh Agribank huyện Trùng Khánh, anh Đông đã được giải ngân hơn 5 tỷ đồng.

Chia sẻ về lợi ích của nguồn vốn vay, anh Đông cho biết, trước đây khi chưa có vốn, vợ chồng anh không thể chủ động trong việc mua nguyên liệu, cải tạo chuồng trại và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt được. Sau khi được Agribank Trùng Khánh cho vay số tiền trên, vợ chồng anh đã mạnh dạn mở rộng trang trại, tính toán đến việc trồng cây ăn quả và đầu tư một số phương tiện phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cây, con. Từ đó, các sản phẩm của trang trại của anh Đông thường được khách hàng trong tỉnh đặt mua. Một số thời điểm trang trại không đủ để cung cấp cho khách hàng.

"Mặc dù thời gian vay vốn mới hơn 1 năm, nhưng nguồn tiền đó đã giúp trang trại của tôi có thu nhập và bước đầu có lãi. Hy vọng một vài năm tới, khi các anh chị đến đây, hơn 10 ha của chúng tôi sẽ phủ xanh và hệ thống chuồng trại sẽ nhiều hơn nữa", anh Đông hồ hởi chia sẻ.

Đối với các hộ cận nghèo, các cán bộ tín dụng của ngân hàng đến từng bản, từng nhà để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, ý định vay vốn của người dân từ đó tư vấn cho bà con về thủ tục tận tình, chu đáo. Tại xóm Kéo Nà (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) là một xã sát vùng biên, dân cư thưa thớt và điều kiện đi lại khó khăn, nhưng hiện nay Agribank Trùng Khánh đã cho vay được 90 hộ để nuôi bò, nuôi lợn với tổng vốn cho vay toàn xóm là 30 tỷ đồng.

Gia đình anh Vi Văn Cương từ chỗ đi làm thuê, đời sống vô cùng khó khăn, sau khi được các cán bộ tín dụng Agribank Trùng Khánh hướng dẫn, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để nuôi trâu và gà. Sau 2 năm hiện nay anh đã được nâng mức vay lên 99 triệu đồng và hiện tại đang có đàn trâu 4 con và hàng chục con gà. Gia đình đã có thu nhập từ bán gà, trâu để trang trải nên đời sống đã bớt khó khăn và đang từng bước cải thiện hơn.

Trung tá Lương Tuấn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng) đánh giá cao sự góp sức của Agribank trong công tác giữ vững an ninh, an sinh xã hội tại địa phương - Ảnh: VGP/Minh Thi

Trung tá Lương Tuấn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng) đánh giá cao sự góp sức của Agribank trong công tác giữ vững an ninh, an sinh xã hội tại địa phương - Ảnh: VGP/Minh Thi

Góp phần giữ vững an ninh vùng cao, an sinh xã hội

Dòng vốn tín dụng tiêu dùng của Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần giữ vững an ninh vùng cao, giúp người dân bám đất, bám bản, giữ vững đường biên để yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn tích cực đi đầu trong hoạt động xã hội từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới cộng đồng và vì sự phát triển của cộng đồng. Đến nay, dấu ấn nghĩa tình Agribank đã lan tỏa đến mọi miền từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến nhiều hộ nghèo tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Toàn hệ thống Agribank mỗi năm đã ủng hộ kinh phí 300-400 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tài trợ giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

Mặc dù là một chi nhánh hoạt động tại tỉnh vùng cao còn rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn hàng năm luôn dành những khoản kinh phí nhiều tỷ đồng để thực hiện tài trợ an sinh xã hội cho ngành giáo dục, y tế; khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh; xây nhà tình nghĩa… với mong muốn phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đánh giá về vai trò và ý nghĩa của vốn vay đối với bà con, cũng như những đóng góp về an sinh, xã hội tại xã Đàm Thủy, Trung tá Lương Tuấn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết, bà con sống tại đây có 4 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao trải dài trên gần 19 km đường biên, vì vậy việc yên tâm sản xuất sẽ tránh nhiều rủi ro bị kẻ xấu lôi kéo.

Với việc có vốn, bà con sẽ có cơ hội đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, từ các chính sách an sinh xã hội của Agribank tại địa phương cũng đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, giúp nhiều gia đình có nhà mới, nhiều trường học có phòng học đẹp hơn, nhiều em nhỏ có điều kiện đến trường.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bam-ban-bam-dan-dua-von-den-voi-ba-con-vung-cao-102231214152950141.htm