Bài toán khó của Mỹ khi trừng phạt Nga

Mỹ và các đồng minh muốn chặn nguồn thu ngân sách của Nga. Nhưng điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng và thực phẩm trên toàn cầu, đẩy giá cả lên cao.

Theo Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức Mỹ đang đứng trước câu hỏi khó. Đó là vừa tạo áp lực lên chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, vừa đối phó với những vấn đề toàn cầu như mất an ninh lương thực.

Mỹ và các nước đồng minh đã đưa ra một loạt đòn trừng phạt nhắm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên vách ngăn giữa G20 (nhóm những nền kinh tế lớn), bao gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Yellen sẽ không tham dự một số cuộc họp của G20 trong tuần này nhằm phản đối Nga. Đây là những cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Nga.

 Giới chức Mỹ muốn tạo áp lực lên chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin vì hành động gây hấn ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Giới chức Mỹ muốn tạo áp lực lên chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin vì hành động gây hấn ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

G20 chia rẽ

Hôm 18/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo kỳ vọng Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, Canada và Nhật Bản sẽ "thực hiện những hành động mang tính quyết định, nhằm ngăn chặn các quốc gia, công ty và cá nhân giúp Nga lách đòn trừng phạt".

"Cuối cùng, chúng tôi mong rằng những chủ thể này sẽ chọn tuân theo các lệnh trừng phạt của chúng tôi, bởi lợi ích kinh tế của những thương vụ với các quốc gia trong liên minh chúng tôi - chiếm hơn 50% nền kinh tế toàn cầu - vượt xa lợi ích từ việc làm ăn cùng nền kinh tế đang lao dốc của Nga", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các nước G20 sẽ cản trở khả năng phối hợp ứng phó trong một loạt vấn đề khác, từ đại dịch, biến đổi khí hậu đến núi nợ của những nước nghèo.

Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là 3 trong số các quốc gia không hưởng ứng chiến dịch chống lại Nga của Mỹ. 3 quốc gia này sẽ được Washington giám sát chặt chẽ.

Tuần này, bà Yellen sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, còn ông Adeyemo gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil. Brazil và Nam Phi đều nằm trong BRICS - các nền kinh tế lớn mới nổi - cùng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Bà Yellen và ông Adeyemo dự kiến gặp các quan chức hàng đầu của Ukraine trong tuần này, cũng như những đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Anh và Nhật Bản.

Nga là nước xuất khẩu năng lượng, lương thực và phân bón lớn trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Nga là nước xuất khẩu năng lượng, lương thực và phân bón lớn trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, trọng tâm của các cuộc thảo luận sẽ là tìm cách hạn chế doanh thu bằng đồng RUB của Nga từ việc bán dầu và khí đốt. Đến nay, ngành công nghiệp dầu khí của Nga vẫn chưa chịu tác động trực tiếp bởi đòn trừng phạt, do châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Bà Yellen cho biết đang cân nhắc việc chuyển những khoản thanh toán năng lượng vào một tài khoản ủy thác giữ (escrow account). Đây là loại tài khoản treo do bên thứ 3 nắm giữ nhằm kiểm soát các giao dịch.

Giới chức EU cũng đang thảo luận về lệnh cấm vận đối với dầu Nga theo từng giai đoạn và thuế nhập khẩu dầu Nga.

"Chúng ta có thể dùng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi không thể chặn hoàn toàn, mà chỉ làm giảm số tiền mà Nga thu về", ông Mark Sobel - cựu quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ - bình luận.

Các nước nghèo hứng chịu

Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt có thể làm lu mờ những nỗ lực nhằm giải quyết các tác động lan tỏa từ cuộc chiến, chẳng hạn tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu.

Trong 5 năm qua, Nga và Ukraine chiếm gần 30% lượng mì xuất khẩu trên thế giới, 17% ngô, 32% lúa mạch - nguồn thức ăn chăn nuôi quan trọng và 75% dầu hạt hướng dương. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 15% nguồn cung toàn cầu.

Chúng ta có thể dùng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi không thể chặn hoàn toàn, mà chỉ làm giảm số tiền mà Nga thu về

Ông Mark Sobel, cựu quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ

Lúa mì, ngô và lúa mạch đang mắc kẹt ở Nga và Ukraine, phân bón Nga và Belarus không thể tới tay khách hàng. Giá lương thực và phân bón toàn cầu tăng vọt. Tính từ thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, giá lúa mì đã tăng 21%, giá lúa mạch tăng 33%, giá một số loại phân bón tăng 40%.

Xung đột Nga - Ukraine cộng hưởng với hàng loạt thách thức khiến nguồn cung lao dốc và giá cả tăng vọt, bao gồm các đợt bùng phát dịch Covid-19, hệ thống vận tải toàn cầu bị gián đoạn, chi phí năng lượng tăng cao, hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn.

Các trang trại Ukraine sắp bỏ lỡ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng. Những nhà máy phân bón ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng vì giá nhiên liệu tăng cao. Nông dân từ Brazil đến Texas phải dùng ít phân bón hơn. Điều này đe dọa quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.

Lũ lụt nghiêm trọng khiến Trung Quốc thất thu lúa mì. Điều này khiến đất nước 1,4 tỷ dân phải nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì Ấn Độ cũng tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Đại dịch đã khiến số người nghèo đói tăng khoảng 18% lên 720-811 triệu người. Hồi đầu tháng 3, Liên Hợp Quốc cảnh báo chỉ riêng tác động của chiến tranh đối với thị trường lương thực toàn cầu có thể khiến thêm 7,6-13,1 triệu người rơi vào cảnh đói.

Nhiều quốc gia vốn đã chật vật vì những khoản nợ khổng lồ, giờ rơi vào bế tắc khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang bởi xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia vốn đã chật vật vì những khoản nợ khổng lồ, giờ rơi vào bế tắc khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang bởi xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Hầu hết lúa mì tiêu thụ ở Armenia, Mông Cổ, Kazakhstan và Eritrea được nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Giờ, họ phải tìm nguồn cung mới, thậm chí tranh giành với những khách hàng lớn hơn nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh và Iran.

Tuần này, bà Yellen sẽ tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), G7 và G20 nhằm tìm cách giảm thiểu khủng hoảng an ninh lương thực.

Trong khi đó, xung đột ở Ukraine đẩy nhiều quốc gia đang phát triển vào tình cảnh không thể thanh toán khoản vay nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ làm rung chuyển thị trường và cản trở quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chẳng hạn, Sri Lanka và Pakistan đều sa lầy vào các cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng sau khi Nga đổ quân vào Ukraine. Chính phủ đau đầu vì giá nhập khẩu tăng cao, tình trạng thiếu hụt những mặt hàng cơ bản, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối.

Mới đây, Sri Lanka cho biết sẽ tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài và yêu cầu hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ IMF.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-kho-cua-my-khi-trung-phat-nga-post1310946.html