Bài toán khó cho Seoul trước thềm bầu cử Quốc hội

Để giải bài toán đang ngày càng khó tìm ra lời giải trong vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn còn chiếc chìa khóa có thể mở cánh cửa, tháo nút thắt: đó là hướng tới Đông Nam Á.

Gần 2 năm nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol đạt được những kết quả nhất định nhằm tăng cường vị thế đối ngoại của Hàn Quốc trên trường quốc tế. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Bài toán hóc búa

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc hội ở Hàn Quốc. Trong khi đó, ở trong nước, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang phải đối mặt với tỷ lệ tín nhiệm xuống mức thấp đáng lo ngại, dưới ngưỡng 30% lần đầu tiên sau 9 tháng. Nếu muốn tiếp tục cầm quyền, Đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) cần phải giành được đa số ghế tại Quốc hội trong kỳ bầu cử này.

Việc Đảng Dân chủ Hàn Quốc DPK (đảng đối lập chính của cựu Tổng thống Moon Jae-in) đang nắm đa số ghế trong Quốc hội với 164/300 ghế đã khiến quan hệ giữa chính phủ và Quốc hội nước này lâm vào bế tắc, không thể thông qua các đạo luật theo ý muốn của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhằm giúp PPP có thêm cơ hội giành thắng lợi, Tổng thống Yoon đã tiến hành cải tổ nội các, bổ nhiệm mới 6 bộ trưởng để các nguyên bộ trưởng tham gia cuộc đua giành ghế cho PPP vào tháng 4 tới.

Về đối ngoại, bài toán hóc búa mang tên Triều Tiên ngày càng khó giải. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống hồi tháng 5/2022, ông Yoon Suk Yeol đã bày tỏ quyết tâm tách biệt khỏi cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in: Tăng cường trở lại răn đe quân sự với Triều Tiên trong khi không khiến Hàn Quốc bị “trói buộc” bởi các vấn đề trên bán đảo. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Seoul, Tổng thống Yoon đã nêu rõ ý định này, muốn Hàn Quốc “vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên”, trở thành một quốc gia chủ chốt toàn cầu (Global Pivotal State).

Gần 2 năm nhiệm kỳ trôi qua, mặc dù Tổng thống Yoon đã nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhằm tăng cường vị thế đối ngoại của Hàn Quốc trên trường quốc tế, nhưng nhìn chung chính quyền của ông vẫn phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Gần đây, tình hình ngày càng khó khăn hơn cho Hàn Quốc: Triều Tiên đang cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của việc chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo.

Bước sang năm 2024, ông Yoon cần có phương án trả lời cho câu hỏi đang sôi sục: Làm sao để ứng phó với mối đe dọa chiến tranh với Triều Tiên trong khi cần đảm bảo giành chiến thắng cho PPP trong cuộc bầu cử sắp tới?

Thời gian qua, Triều Tiên duy trì không đáp ứng các lời kêu gọi nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và cắt liên lạc với phía Hàn Quốc. Nói cách khác, ông Kim Jong-un đã loại trừ mọi khả năng tái thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Việc ông Kim cho phá bỏ tượng đài biểu tượng tái thống nhất và cho ngừng hoạt động các cơ quan của Triều Tiên phụ trách thúc đẩy quan hệ liên Triều khiến Hàn Quốc buộc phải tìm đến các bên thứ ba khác để khai thông thế bế tắc.

Đi tìm lời giải

Nhìn ra xung quanh, các nước Đông Bắc Á không hẳn là lựa chọn tốt cho Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại. Cho đến nay, Trung Quốc cơ bản không có hành động cụ thể, chỉ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và hướng tới đối thoại. Phản ứng này của Trung Quốc không gây ngạc nhiên, vì Trung Quốc đang cần tập trung giải quyết các khó khăn kinh tế trong nước và không hài lòng về hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.

Một nước khác mà Hàn Quốc khó có thể nhờ cậy là Nga. Nga và Triều Tiên đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn, thể hiện qua hai chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Choe Son-hui đến Nga thời gian qua.

Tuy vậy, nhìn ra xa hơn, Hàn Quốc vẫn có thể vận động các nước Đông Nam Á có đóng góp xây dựng trong vấn đề Triều Tiên. Qua nhiều thập kỷ, các nước Đông Nam Á và ASEAN đã đóng vai trò quan trọng đối với kiến tạo hòa bình và thúc đẩy hình thành tập quán đối thoại trong khu vực. Từ một khu vực bị chia rẽ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đông Nam Á giờ đây đã thành một thể thống nhất khi ASEAN tập hợp được toàn bộ 10 nước thành viên và Timor-Leste đang được kỳ vọng trở thành thành viên thứ 11 vào năm 2025. Hàng năm, ASEAN tổ chức hơn 200 cuộc họp, trong khi Đông Bắc Á chưa có một tổ chức khu vực như ASEAN và việc các nước trong khu vực này ngồi lại đối thoại với nhau vẫn rất khó khăn.

Tổng thống Hàn Quốc cùng lãnh đạo các nước dự các Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 24 tại Indonesia, tháng 9/2023. (Ảnh: Anh Sơn)

Ở Đông Nam Á, Hàn Quốc có thể “đầu tư” vào một số cái tên. Thứ nhất là Indonesia - quốc gia lớn mạnh nhất và là một trong những thành viên sáng lập của ASEAN. Indonesia triển khai chính sách đối ngoại không liên kết và thường bày tỏ lập trường rõ ràng đối với các cuộc xung đột. Là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022, Indonesia đã mời Nga cử đại diện tham dự bất chấp các áp lực từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Một cái tên khác, đồng thời là một chủ thể mạnh khác trong ASEAN, mà Hàn Quốc có thể tính đến là Thái Lan. Gần đây, Thái Lan tổ chức thành công cuộc gặp tại Bankok giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục có những động thái quyết liệt hơn.

Trong khi đó, hai quốc gia Đông Nam Á đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và từng hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo phải kể đến là Singapore và Việt Nam. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Singapore và Việt Nam đã có đóng góp tích cực, lần lượt là các nước chủ nhà của hai cuộc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào các năm 2018 và 2019.

Nếu Hàn Quốc muốn chủ động tháo gỡ vướng mắc trên bán đảo Triều Tiên, nước này nên hướng về Việt Nam - đối tác quan trọng của Hàn Quốc trong ASEAN. Hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2022 và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol đến Việt Nam hồi tháng 6/2023. Không những vậy, Việt Nam còn đang là nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, dự kiến có những đóng góp thiết thực cho việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2024.

Nhìn chung, muốn làm giảm căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ bùng phát xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên để tập trung cho bầu cử trong nước, chiếc chìa khóa có thể mở cánh cửa cho chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol lúc này có lẽ đang nằm ở Đông Nam Á. Và bất kể lựa chọn nào mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là đảm bảo được hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Mà hơn ai hết, Tổng thống Yoon Suk Yeol và PPP đã hiểu rất rõ điều này.

-------------------

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Như Mai

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-toan-kho-cho-seoul-truoc-them-bau-cu-quoc-hoi-260514.html