Bài thuốc chữa bệnh từ cây không lá

Cây không lá hay còn gọi là nấm tỏa dương là vị thuốc được sử dụng nhiều trong bài thuốc, món ăn để hỗ trợ sinh lý cho phái mạnh, chữa đau nhức xương khớp, mỏi gối…

Nấm tỏa dương còn có tên gọi khác là cỏ ngọt núi, xà cô, củ gió đất, cây không lá, nấm cu chó… Nấm tỏa dương có tên khoa học là Balanophora sp, thuộc họ Gió đất (Balanophoraceae).

Ở Việt Nam, cây tỏa dương có 3 loài, thường mọc gửi trên gốc những cây gỗ lớn ở trong rừng sâu ẩm thấp, được tìm thấy ở các địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai…

Có thể thu lấy toàn cây để dùng làm vị thuốc. Tuy nhiên, chỉ nên lấy những cây có kích thước to bằng ngón tay và đã có màu nâu đỏ sẫm, sau đó đem phơi khô, dùng dần, lúc này dược liệu sẽ mềm và chuyển thành màu đen đồng nhất.

1. Tác dụng của nấm tỏa dương

Theo y học hiện đại

- Bồi bổ cơ thể: Nhiều chất bổ dưỡng, tăng hoạt tính androgen giúp phục hồi cơ thể, tăng sức khỏe, mạnh sinh lý. Có nghiên cứu cho rằng tỏa dương có thể giúp hỗ trợ chữa xuất tinh sớm.

- Hỗ trợ tiêu hóa: Kích thích ngon miệng, giảm đau bụng…

- Giảm đau: Hỗ trợ nhức mỏi xương khớp, đau lưng mỏi gối…

Theo Y học cổ truyền

- Tính vị, qui kinh:Nấm tỏa dương vị ngọt, ấm, vào kinh tỳ, thận.

- Công dụng: Bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lý, mạnh gân cốt, bổ máu, bổ thận, kiện tỳ, trợ tiêu hóa, lợi tiểu…; bổ thận, cường dương, nhuận táo, hoạt tràng.

- Chủ trị:Thân hư yếu, ăn không ngon, đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, táo bón mạn tính...

Nấm tỏa dương tươi.

2. Các bài thuốc có nấm tỏa dương

Bài 1: Tỏa dương thang

- Tác dụng:Bổ thận, tăng sinh, cường dương, nhuận táo, hoạt tràng.

- Chủ trị: Liệt dương, đái són, đau lưng gối mỏi.

- Thành phần: Nấm tỏa dương 16g, nhục thung dung 16g, ba kích thiên 16g, thục địa 16g, câu kỷ tử 16g, ích trí nhân 12g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g. Sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

Bài 2: Tiên mao tỏa dương hoàn gia vị

- Tác dụng: Bổ thận, tăng sinh, cường dương, nhuận táo, hoạt tràng, cố sáp.

- Chủ trị:Sinh lực yếu kém, liệt dương, tiểu đêm, đau lưng gối mỏi.

- Thành phần: Tiên mao (sâm cau) 240g, ba kích thiên 160g, hồ đào nhục 160g, nhục thung dung 160g, đỗ trọng 160g, ngưu tất 120g, chùm ngây căn 400g, nấm tỏa dương 160g, thục địa 160g, câu kỷ tử 160g, phá cố chỉ 160g, hồi hương 40g, ích trí nhân 120g. Lượng 1/10 sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Có thể hoàn viên uống.

Vị thuốc tỏa dương.

Bài 3. Hỗ trợ sinh lý cho phái mạnh, tăng cường sức khỏe

- Thành phần: Nấm tỏa dương 120g, long cốt 40g, tang phiêu tiêu 120g, bạch linh 40g.

- Cách dùng: Tán bột mịn, rồi hoàn viên, ngày uống 2 lần, 15g/lần với nước muối loãng.

Bài 4: Chữa đau nhức xương khớp, mỏi gối

- Thành phần: Nấm tỏa dương 16g, phá cố chỉ 8g, tục đoạn 8g, đỗ trọng 16g, ngưu tất 16g, thục địa 12g, đương qui 12g, hoàng cầm 16g, hoàng bá 16g, tri mẫu 16g

- Cách dùng: Tán bột, vo viên, ngày dùng 15g, 2 lần/ ngày.

3. Món ăn bổ dưỡng từ nấm tỏa dương

- Canh cẩu pín với nấm tỏa dương: Cẩu pín và tỏa dương lượng vừa đủ dùng để xào hoặc nấu canh ăn. Nếu không có cẩu pín có thể thay thế bằng tinh hoàn gà, ngẩu pín dê, bò…

- Cháo tỏa dương: Tỏa dương nấu với chim sẻ, chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm… có tác dụng tráng dương.
Ngoài ra, còn có thể dùng nấm tỏa dương kết hợp với một số vị thuốc khác để chế biến món ăn như nhục thung dung, tang thầm, đảng sâm, hoài sơn… để trị xuất tinh sớm, liệt dương, tư bổ thận tinh…

4. Cần kiêng kỵ gì khi sử dụng nấm tỏa dương

Những trường hợp mẫn cảm và dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong bài thuốc có tỏa dương là dược liệu, người tiêu phân lỏng, sống, không cầm được thì không nên sử dụng vị thuốc này.

Bên cạnh đó, khi dùng nấm tỏa dương chữa liệt dương thì nên kiêng thức ăn tanh, lạnh.

Mời bạn xem tiếp video:

Nấm có thật sự tốt cho sức khỏe? | SKĐS

Lương y. Bùi Đắc Sáng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-chua-benh-tu-cay-khong-la-169240129135018736.htm