Bài thi Khoa học xã hội có độ phủ rộng về kiến thức

GD&TĐ - Nghiên cứu đề minh họa bài thi Khoa học xã hội, nhóm giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) đặc biệt quan tâm đến độ kiến thức rộng, độ phân hóa cao và đòi hỏi học sinh phải nằm vững kiến thức.

Nhận xét về đề thi thành phần môn Lịch sử, các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Tháp Mười cho biết: Kiến thức đề ra hoàn toàn trong nội dung chương trình lớp 12 cơ bản. Bên cạnh kiến thức rộng, dàn trải trong cả chương trình, các câu hỏi có sự kếp hợp nhiều dạng như nhận xét, so sánh, phân tích, lựa chọn, sắp xếp...

Đề thi minh họa môn Lịch sử cũng được nhận định có sự phân hóa, trình độ tư duy cao; đảm bảo theo yêu cầu 60% xét tốt nghiệp và 40% xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Với đề thi này, buộc học sinh phải thuộc nhuần và nắm sâu kiến thức mới làm tốt ở mức 5 đến 6 điểm.

Từ đề thi minh họa, các thầy cô tổ Lịch sử lưu ý: Để làm tốt các câu hỏi, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản trong chuẩn kiến thức và kết hợp sách giao khoa. Sau mỗi bài học, cần cho một số câu hỏi để học sinh nhận dạng đề vì đây là lần đầu tiên các em thi trắc nghiệm.

Sau toàn chương, giáo viên nên cho học sinh làm bài kiểm tra thử. Đồng thời, hướng dẫn các em cách nhận biết câu hỏi và kĩ năng làm bài; hướng dẫn cách nhận biết và làm những câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao.

Với câu hỏi thành phần môn Giáo dục công dân trong đề thi minh họa, các thầy cô tổ Giáo dục công dân (Trường THPT Tháp Mười) nhận xét: Đề ra tập trung chương trình lớp 12; có nhiều câu vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Tình huống trong đề tập trung nhiều vào bài 4 (4 câu) và bài 2 (2 câu), bài 7 và bài 8.

Mức độ áp dụng nhiều ở bài 4 về Quyền bình đẳng của công dân trong hôn nhân và gia đình, trong lao động, trong kinh doanh như (từ câu 10 đến câu16 và câu 38). Kiến thức cơ bản ở mức độ hiểu tập trung ở bài 6, 7, 8, 9. Vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống ở bài 2, bài 4, bài 6, bài 7, bài 8.

Đề có độ phân hóa rõ rệt, theo đó, học sinh trung bình có thể làm được từ 4 đến 6 điểm; học sinh khá giỏi có thể đạt từ 6 đến 8 điểm; học sinh xuất sắc có thể làm bài đạt từ 8 đến 10 điểm.

Để học sinh làm bài tốt, các thầy cô cho rằng, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản đã học và vận dụng tốt các phương pháp lập luận chọn đáp án đúng. Với giáo viên, cần hệ thống các bài tập theo phân phối chương trình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-co-do-phu-rong-ve-kien-thuc-2391137-v.html