Bài kết: Hà Nội mai này…

Qua những bài viết trước, độc giả có thể thấy 'bức tranh' quy hoạch của TP Hà Nội hiện đang có rất nhiều vấn đề, nếu không muốn nói là đậm gam màu xám. Với tinh thần xây dựng, phóng viên PetroTimes đã có những ghi nhận, trao đổi với các chuyên gia cũng như công dân của thủ đô. Hy vọng rằng, Hà Nội mai này sẽ thực sự là nơi 'đất lành chim đậu', là thành phố An toàn - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại…

Thủ đô Hà Nội tương lai, qua nét phác họa của AI (trí tuệ nhân tạo).

To hơn, rộng hơn, nhưng… tệ hơn!

Để tránh lan man, chúng tôi chỉ xin tập trung vào vấn đề Quy hoạch Hà Nội trong khoảng 20 năm trở lại đây.

Năm 2002, cậu sinh viên Nguyễn Văn Thắng (quê Thái Bình) tay xách nách mang tấp tểnh nhập học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhờ người quen, cậu may mắn thuê được một chỗ tá túc tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tốt nghiệp ra trường, Thắng xin được vào công tác tại một Bộ, sau đó thì lập gia đình, sinh em bé… Đến nay hai con của Thắng đã học những năm cuối bậc tiểu học. Trong suốt quá trình mưu sinh tại Thủ đô, cá nhân Thắng và gia đình đã có những chuyến di cư tại nhiều quận khác nhau, “từ đầu này sang đầu bên kia thành phố".

Và, sau hơn 20 năm chọn Hà Nội là “bến đỗ tạm” cho cuộc sống của bản thân và gia đình song khi hỏi nhận xét về Hà Nội ngày nay so với “ngày xưa", Thắng đáp gọn lỏn một câu: “To hơn, rộng hơn nhưng… tệ hơn".

Rồi cậu thủng thẳng giải thích, lứa sinh viên cùng khóa, cùng trường với Thắng sau khi tốt nghiệp đã về quê, hoặc đi lập nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác, hay xuất ngoại… nay về Thủ đô đều ít nhiều tỏ ra ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc về diện tích, không gian của thành phố.

Ngoài việc sáp nhập hàng loạt các huyện ngoại thành thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) vào năm 2008 khiến cho Hà Nội nằm trong Top 20 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới thì hàng loạt các khu đô thị mới mọc lên, những con đường mới mở, đường cũ được mở rộng hơn, nối dài ra… khiến nhiều người con xa quê lâu ngày dễ bị lạc lối. Rồi hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, quán xá… mọc lên để phục vụ nhu cầu của hàng chục triệu dân…

Dù to hơn, rộng lớn, bề thế hơn… song theo Thắng càng sống lâu, anh lại càng muốn nhanh chóng… rời bỏ thành phố này hơn. Lý do được đưa ra là chất lượng cuộc sống ngày một tệ hơn. Dù nhiều tuyến phố khang trang hơn, có thêm hàng loạt những hầm chui, cầu vượt, đường trên cao… song giao thông không vì thế mà tốt hơn. Trước kia thời gian chủ yếu tắc đường vào giờ cao điểm, song hiện tại thì gần như từ 7 giờ sáng cho đến 7 giờ tối, từ thứ hai đến chủ nhật lúc nào xe cộ cũng nườm nượp. Không phải nói quá chứ giao thông là một nỗi ám ảnh với đa phần cư dân thủ đô.

Thêm vào đó bệnh viện, trường học đều quá tải. Mỗi lần đi khám, hoặc đưa người nhà đến khám tại các bệnh viện Trung ương Thắng đều phải chờ đợi rất lâu, mất thời gian. Mà bác sĩ thì chỉ khám qua loa đại khái. Bậc tiểu học mà sĩ số mỗi lớp lên tới hơn 50 cháu/lớp. Chưa hết, ô nhiễm không khí ngày một trầm trọng, thực phẩm bẩn tràn lan…

“Nếu mà có đủ tiền, tôi và gia đình sẽ di cư đến những đô thị nhỏ hơn, giao thông thuận tiện, không khí trong lành hơn…” - Thắng cho biết.

Góc nhìn của Thắng chưa hẳn đã là đại diện cho các thế hệ dân cư của thủ đô Hà Nội; song rõ ràng những vấn đề anh nêu ra là hoàn toàn có cơ sở.

Hà Nội mai này... (qua nét vẽ của AI)

“Thủ phạm” là ai…?

Còn nhớ quy hoạch Thành phố Hà Nội (giai đoạn trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mở rộng địa bàn Thủ đô Hà Nội) thì hầu hết các phường, quận đều có quy hoạch chi tiết 1/2000.

Nếu cứ thực hiện quy hoạch như được phê duyệt thì cũng đã là rất tốt bởi vì thành phố đã dành ra hàng trăm hecta đất ở khu vực Mỹ Đình để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Chính phủ và cấp Bộ. Đồng thời cũng tập trung xây dựng các cơ quan ban ngành thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng dành ra hàng trăm hecta đất để xây dựng công viên cây xanh.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung.

Ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Tuy nhiên cũng trong giai đoạn từ năm 2000 - 2011 và cho đến hiện tại thì hầu như tất cả các khu vực lẽ ra được ưu tiên xây dựng đều “bỗng dưng” biến mất. Các khu vực nêu trên được "phù phép" thành khu nhà ở cao tầng.

Điển hình như năm 2002 ô đất 1.2-CQ được phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân là đất công cộng của thành phố. Sau hai lần điều chỉnh quy hoạch thì biến thành “đất hỗn hợp dịch vụ thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư”. Hay ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ đất công cộng sau khi điều chỉnh đã thành nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liền kề…

Rõ ràng vấn đề ở đây không phải là vấn đề làm quy hoạch yếu kém mà chính là vấn đề điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội qua các thời kỳ.

Một điều rất rõ, với đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hà Nội từng thời kỳ để được phê duyệt đã tốn kém rất nhiều thời gian thậm chí có thể vài năm, tiền của sức lực. Và không chỉ ở đội ngũ tư vấn lập quy hoạch mà còn có nhiều ý kiến của hầu hết các Bộ, ngành tham gia.

Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng gồm nhiều chuyên gia chuyên ngành họp nhiều lần. UBND Thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành cũng tham gia nhiều lần. Chính quyền các quận, huyện, xã, nhân dân cũng tham gia ý kiến trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Vậy mà, thực tế khi điều chỉnh quy hoạch chỉ cần Chủ tịch UBND Thành phố, hoặc Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc xin ý kiến của Sở Xây dựng và một số Sở liên quan để trình lên Chủ tịch UBND Thành phố. Thế là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện.

Trong khi đó, Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Quy hoạch năm 2009 quy định về điều chỉnh quy hoạch thì việc điều chỉnh quy hoạch hầu như là lập quy hoạch mới. Có nghĩa là, thẩm quyền ai phê duyệt thì người đó phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tương tự như việc lập quy hoạch mới. Vậy thì câu hỏi được đặt ra ở đây là việc điều chỉnh quy hoạch đối với những cá nhân có trách nhiệm ký quyết định điều chỉnh liệu có đúng thẩm quyền?

Nếu tôi là kiến trúc sư trưởng…

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc việc đầu tiên mà kiến trúc sư trưởng của thành phố phải nghĩ đến là quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (thuộc Công ty Kiến trúc xây dựng Ashui) chia sẻ. Thời gian qua vấn đề thực thi quy hoạch TP Hà Nội rất rối ren, tùy hứng, không loại trừ có “nhóm lợi ích" chi phối… Và trách nhiệm trước hết là của các cấp lãnh đạo, của những người đứng đầu Thành phố và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan. Bởi lẽ, người dân thường làm sao có thể “vẽ” lại được quy hoạch, có thể “nắn” từ đường thẳng thành “đường cong mềm mại", hay có thể điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu đô thị, cao ốc…

Cũng theo Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc, để có thể quy hoạch một thành phố an toàn, văn minh, hiện đại thì việc đầu tiên mà kiến trúc sư trưởng của TP phải nghĩ đến, phải làm đầu tiên, và làm cho bằng được là quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã quy hoạch hệ thống giao thông trung tâm của TP thành những “ô bàn cờ". Cũng từ năm 1900, người Pháp đã tiến hành xây dựng 5 hệ thống tàu điện nối từ quận trung tâm đến ngoại thành và các vùng phụ cận như: Bạch Mai, Bưởi, Hà Đông, Cầu Giấy và Yên Phụ.

Giáo sư Phan Văn Trường, nguyên giảng viên bộ môn Kinh tế đô thị và quy hoạch vùng, Đại học Kiến trúc TP HCM.

Đồng quan điểm, Giáo sư Phan Văn Trường - nguyên giảng viên bộ môn Kinh tế đô thị và quy hoạch vùng, Đại học Kiến trúc TP HCM đồng thời từng là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế - cho rằng muốn các đô thị lớn của Việt Nam giảm đi ách tắc giao thông thì cần phải có một “tư duy hệ thống” về giao thông. Đó là không đơn thuần chỉ là việc mở rộng đường một cách cơ học, hay thêm các tuyến xe bus, thực hiện các biện pháp cấm xe máy, cấm xe hơi…

Theo Giáo sư Phan Văn Trường, người đứng đầu TP cần phải được tham mưu để xây dựng một chiến lược trong việc quy hoạch giao thông. Cần phải nghiên cứu những “thủ phạm" gây ra ách tắc giao thông là do đâu. Từ đó có biện pháp cụ thể để từng bước giải tỏa những nút thắt này. Có thể là xây dựng thêm hệ thống tàu điện ngầm; thay đổi giờ học giờ làm của học sinh, sinh viên, công chức; không tập trung những cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học tại một không gian nhỏ…

Lấy ví dụ từ thủ đô Paris của Pháp (cũng từng bị nạn kẹt xe hoành hành), nhà điều hành thậm chí còn thu gọn diện tích đường, song do có hệ thống Metro rất tốt, việc điều chỉnh giờ giấc của Sở ngành, trường học… nên vấn nạn kẹt xe đã được giảm đáng kể.

Kỹ sư Lê Đình Tuyến, Phó ban Khoa học Công nghệ, Hiệp hội PCCC Việt Nam.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, kỹ sư Lê Đình Tuyến, Phó ban Khoa học Công nghệ (Hiệp hội PCCC Việt Nam) đồng thời là Giám đốc một doanh nghiệp tiên phong về giải pháp an toàn lao động và PCCC góp ý.

Các TP lớn như Hà Nội, TP HCM cần phải đi đầu trong công tác quy hoạch giao thông và kiểm soát trật tự xây dựng. Không chỉ bởi nó là “mạch máu" của hoạt động kinh tế, của văn minh đô thị mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Đơn cử như trong vấn đề PCCC, cho dù Cơ quan chức năng có những thiết bị tối tân, việc phát hiện báo cháy kịp thời, các chiến sỹ PCCC được đào tạo chuyên nghiệp - song nếu không đưa được người, phương tiện để tiếp cận đến nơi xảy ra cháy thì cũng vô tác dụng.

“Tôi từng tận mắt chứng kiến cả đoàn xe chữa cháy hú còi đứng bất lực giữa trời mưa, vây quanh là hàng đoàn xe máy, ô tô, xe bus... tắc cứng ở một ngã tư. Đến khi di chuyển được thì đám cháy lẽ ra đã được dập tắt kịp thời thì lại còn cháy to hơn. Giao thông quan trọng đến nhường đấy, và một TP hiện đại, văn minh, văn hiến thì không thể không có một hệ thống giao thông được quy hoạch tốt!” - kỹ sư này chia sẻ.

Và sau khi đã có một hệ thống giao thông tốt rồi, chúng ta có thể tiếp tục quy hoạch, xây dựng thêm những khu đô thị mới, hình thành “thành phố bên sông"; hay mở rộng theo chiều dọc chiều ngang đều không khó.

Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, những ý kiến đóng góp trên sẽ đến được nơi cần phải đến. Và trong tương lai, Hà Nội sẽ thực sự trở thành thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực… như Nghị quyết 15 đã vạch ra.

Cần phải quy hoạch đô thị đồng bộ với quy hoạch nông thôn

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Giáo sư Phan Văn Trường gợi mở chúng ta cần phải quy hoạch đô thị đồng bộ với quy hoạch nông thôn.

Những năm qua, quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều thành phố trở thành đô thị cực lớn (trên 10 triệu dân). Và việc quản lý một thành phố cực lớn là rất phức tạp và tốn kém. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có những thành phố cực lớn, điều mà chúng ta cần phải tránh.

Ở các đô thị cực lớn dân số đông đúc, chen chúc, thiếu việc làm, gia cư tạm bợ, đời sống đắt đỏ, ô nhiễm rác rưởi không quản lý xuể, vệ sinh tương đối, hạ tầng kỹ thuật thiếu hụt nặng, nhất là nước sạch và nước thải. Thất nghiệp nhiều dẫn tới bất ổn, tội phạm. Việc này hoàn toàn có thể đảo ngược được.

Tại Châu Âu, dân chúng đã thấy cái lợi trong việc di chuyển gia đình ra ngoài thành phố. Vì sao vậy? Vì: (i) Đời sống trong đô thị đắt đỏ, khó khăn, chen chúc, tạm bợ, rút cục những người dân trong đô thị ý thức được là họ không sống. Họ chỉ đi làm rồi chỉ đủ thì giờ đi ngủ để ngày hôm sau lại đi làm, chỗ thời gian còn lại chỉ dùng cho chuyên chở. Người Pháp có từ ngữ: boulot/metro/dodo (đi làm/di chuyển/đi ngủ) để đánh giá cuộc sống khô khan trong đô thị. (ii) Môi trường trong đô thị rất thấp kém, bụi, rác, mùi, tiếng động, làm cho dân chúng mất ăn, kém ngủ. (iii) Gia cư trong đô thị chật chội và giá rất cao. (iv) An ninh, nói chung, là một vấn đề, nhất là con em trên đường đi tới nhà trường; sự cấu trúc của đô thị làm cho ma túy dễ phân phối, khiến đe dọa này trở thành một rủi ro lớn cho các con em gia đình...

Hiện nay chúng ta đang thiếu một bản quy hoạch cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Chung quy, cũng vì chưa ai nói lên rằng, TP HCM và Hà Nội đang có một tốc độ đô thị hóa cao chỉ vì chúng ta muốn dồn hết cơ hội vào đô thị lớn, để cho mức thu nhập trong đô thị chênh lệch quá nhiều với nông thôn, không cho nhà nông có đủ chủ quyền trên đất đai, không chú ý đủ đến tính cách phát triển hài hòa rất cần thiết trên đất nước, khai thác tiềm năng và đặc trưng từng vùng chưa hợp lý... Chúng ta phát triển kinh tế rất nhanh nhưng chưa phân phối đồng đều, chia sẻ công bình như trong một gia đình.

Một trong những yêu cầu chính yếu của chính sách quy hoạch, quy hoạch đô thị hay quy hoạch quốc gia là đưa, đặt dân vào đúng chỗ trên địa bàn đất nước cũng như tránh để dân bị dồn vào thế phải di tản vào những vùng họ không thực sự mong muốn; đồng thời tối ưu hóa được chính sách kinh tế để cho mọi người có được việc làm đúng với sở thích và tay nghề của họ...

Minh Tiến

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-ket-ha-noi-mai-nay-700633.html