Bài học từ một cái 'bẫy'

Thời facebook, “bẫy” đang được dăng ra ở khắp nơi. Những tin đồn thất thiệt trên facebook chắc chắn chưa bao giờ là cuối cùng, hơn gấp vạn lần những kẻ ngồi lê đôi mách vỉa hè.

Vài năm trước báo chí có thể “vấp” vào những chuyện như tình cờ đưa tin nghe vu vơ ở đâu đó chưa kiểm chứng kiểu ăn bưởi bị ung thư, cốm có độc tố. Có một chuyện vẫn được kể lại một cách hài hước (hơn là một bài học): Một nhà báo cũng vào diện có “số má” trong một ngày đẹp trời bịa ra một cuộc phỏng vấn giả tưởng với một quan chức UNESCO tại Việt Nam rồi đăng trên blog. Phóng viên của một tờ báo khác đọc được bài phỏng vấn trên trang blog của nhà báo kia, bèn viết 1 bài báo, đưa tít cực giật gân, dẫn lời quan chức UNESCO về một vấn đề của Hà Nội.

Bài báo đăng lên, Hà Nội tá hỏa vì một vấn đề mất hình ảnh nghiêm trọng bèn liên lạc với UNESCO, và chuyên gia kia tá hỏa vì không ai phỏng vấn mình, cũng không hề có chuyện như tờ báo viết. Và lời giải trình của phóng viên rằng lấy thông tin từ bài phỏng vấn kia thành trò cười vì anh nhà báo nhẹ nhàng rằng đó là cuộc phỏng vấn giả tưởng…

“Bẫy” lần ấy, người đưa ra chắc không có ý cho người khác mắc bẫy và hậu quả của nó là chỉ có một người mắc, 1 người bị kỷ luật.

Còn bây giờ, thời facebook, “bẫy” đang được dăng ra ở khắp nơi. Những tin đồn thất thiệt trên facebook chắc chắn chưa bao giờ là cuối cùng, hơn gấp vạn lần những kẻ ngồi lê đôi mách vỉa hè. Một cái ảnh từ xứ sở xa xôi nào đó, ghép với một tin tức cụ thể nào đó ở Việt Nam. Người nọ chia sẻ thông tin của người kia, trang tin điện tử và báo mạng săn tin từ facebook, cứ thế mà thành một đồn mười. Một người nào đó bịa ra một câu chuyện hoặc lấy một cái ảnh vu vơ gắn trên tường nhà mình, được sự tiếp tay của người dùng facebook dẫn lại, rồi được biến báo đi bởi một số người chuyên săn tin facebook đưa lên trang tin điện tử…Đó là hành trình của một thông tin thất thiệt thời nay. Người ta bàn tán râm ran vài ngày rồi té ngửa rằng đó là tin bịa. Thế là tác hại ghê gớm, đã là sự nhiễu loạn và ô nhiễm thông tin một cách khó chấp nhận.

Nhưng chưa hết…

Những cái bẫy truyền thông thời hiện đại được tung ra đã ở mức “cao thủ”. Ví như không ai có thể nghĩ thông tin được cung cấp từ một cuộc họp báo của một hội, đoàn nào đó lại là thông tin sai sự thật một cách không tình cờ như ở cuộc họp báo của Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về nước mắm vừa qua…

Vào thời điểm này, có những bài học đau xót đã được rút ra trong giới báo chí Việt Nam. Nhưng cũng phải thấy, với tốc độ của thông tin hiện nay, với áp lực cạnh tranh thông tin ngày nay, việc “lọt” vào một cái “bẫy thông tin” được đâu đó vô tình hay cố ý đưa ra là việc rất dễ mắc phải. Ở đây, không bàn đến việc đưa thông tin có mục đích, động cơ. Chỉ tính ở khía cạnh tình cờ vấp phải “bẫy”. Gọi là bẫy, vì bị dẫn dắt vào những thông tin hấp dẫn, vốn đang được dư luận quan tâm.

Nói như vậy, không phải để bao biện cho lỗi nóng vội, sa vào bẫy khiến đăng tải cả thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật của báo chí. Mà phân tích kỹ hơn để tìm ra bài học, để giữ được sự tỉnh táo, để cẩn trọng trong việc thông tin.

Làm báo trong điều kiện quá nhiều thông tin ngày nay và áp lực phải có được thông tin nhanh nhất, nóng nhất đang thử thách bản lĩnh nhà báo. Nó đòi hỏi sự bình tĩnh và tỉnh táo trong phân tích thông tin. Mà đôi khi, sự nhiệt thành quá mức cũng rất dễ khiến yếu tố tỉnh táo bị lu mờ. Nhất là trong bối cảnh cộng đồng mạng ngày nay rất sẵn sự cả tin và rất dễ bộc lộ sự phẫn nộ. Bản lĩnh báo chí là không để bị cuốn vào những dòng cảm xúc của đám đông, để bĩnh tĩnh kiểm tra thông tin trước khi đăng tải. Nói như một nhà báo, trên mạng xã hội ngày nay có những người truyền tin đã trục lợi từ sự cả tin của những người khác trên mạng.

Ngay cả trong những sai sót, cũng không phải điều gì cũng vô ích. Bài học kinh nghiệm đối với báo chí luôn không bao giờ thừa, nhất là trong bối cảnh mỗi ngày, trong vô khối những thông tin, có thể từ trên mạng xã hội, có thể được cung cấp từ cá nhân hoặc thậm chí một cơ quan, tổ chức nào đó, thậm chí là từ một cơ quan báo chí đồng nghiệp… cũng có thể là một thông tin sai sự thật, phục vụ cho một chủ đích nào đó. Làm báo, ngày càng yêu cầu cao hơn là bởi vậy!

Từ khóa

bài học cái bẫy bẫy truyền thông

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/bai-hoc-tu-mot-cai-bay/138515