Bài học lớn nhất từ tân học ở Quảng Nam

NXB Đà Nẵng vừa ấn hành cuốn sách 'Tân học trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX' của tác giả Phan Xuân Quang. Cuốn sách, như lời phi lộ của tác giả là tâm nguyện 'góp một phần nhỏ vào sự tôn vinh công lao của Phan Châu Trinh cũng như các đồng chí của ông đối với phong trào Duy Tân nói chung và tân học nói riêng' nhân kỷ niệm lần thứ 150 năm sinh chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-2022).

Như chúng ta đều biết, chủ thuyết của các nhà Duy tân Quảng Nam đầu thế kỷ XX, với người lập thuyết tiêu biểu là Phan Châu Trinh gói gọn trong 3 chữ Dân: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Với khai dân trí, các ông đề xướng tân học, bài xích cựu học. Phan Châu Trinh cho rằng “Cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ, mà sĩ phu ta còn chun đầu vào trong như kiến - giấc mộng mê sau nầy, không cho một gậy ngang đầu, không thể nào thức dậy được”. Trần Quý Cáp thì phê phán những sĩ phu cựu học độc thư nhưng không minh lý, đã trong thời đại gió Mỹ mưa Âu, ưu thắng liệt bại mà vẫn còn “vùi đầu trong đám sách nát của văn chương bát cổ, giấy mực của bốn nhà để tự khoe học rộng nhớ nhiều mà khi hỏi đến Tây Cống, Đông Kinh thì không biết đó là nơi xứ nào cả”.

Cũng phải nói rằng, từ nửa cuối thế kỷ XIX đã có những người tiên giác như tiến sĩ Phạm Phú Thứ (người làng Đông Bàn, Quảng Nam) nhận ra nếu chỉ dừng lại ở cái học đạo lý thánh hiền mà thiếu những kiến thức về công pháp quốc tế, những kiến thức về khoa học, khai mỏ, đi biển… thì nước ta sẽ không thể nào phú cường như các nước châu Âu, hay phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (cũng người Quảng Nam, quê làng Thanh Hà) trong lá thư tuyệt mệnh gửi cho con trai cũng khuyên “không nên theo đuổi cái học khoa cử, từ chương nữa, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi”.

Thế nhưng, phải đến các nhà duy tân Quảng Nam đầu thế kỷ XX tân học mới được đề cập toàn diện. Các ông cổ súy dùng chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin xem “chữ quốc ngữ là hồn trong nước”, chủ trương chương trình dạy - học bao gồm kiến thức của nhiều lĩnh vực xã hội và tự nhiên như lịch sử, địa lý, toán đố, công dân, các môn khoa học thường thức. Đối tượng hướng đến là toàn dân theo tinh thần “quảng học vấn” chứ không chỉ cho một số ít người. Nội dung tư tưởng các bài giảng nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược; khích lệ ý chí tiến thủ và tinh thần tự tôn dân tộc, tự lập, tự cường. Phương pháp giáo dục hướng người học “độc thư minh lý”, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa trong sách, có cặp mắt biết quan sát và cái não biết phán đoán. Phương châm học đi đôi với hành, trọng thực nghiệp.

Mục đích học để làm cho hết nghĩa vụ của một người đối với nhân quần xã hội, rộng ra là “mở trí cho quốc dân, xây dựng đời sống mới” (lời Trần Quý Cáp), đưa đất nước thoát vòng nô lệ “Quyết đem học mới thay nô kiếp” (lời Huỳnh Thúc Kháng), nhanh chóng vươn lên ngang trình độ văn minh của các dân tộc phương Tây (lời Phan Châu Trinh). Rõ ràng, đấy là một tư tưởng giáo dục phi truyền thống. Không chỉ dừng lại ở tư tưởng, các nhà duy tân Quảng Nam còn hô hào, cổ súy để chỉ trong một thời gian ngắn từ 1904-1908 con số trường tân học ở các làng quê Quảng Nam đã lên đến số trăm.

Tư tưởng của các nhà duy tân Xứ Quảng và phong trào Duy Tân ở Quảng Nam những năm đầu thế kỷ XX đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong hơn nửa thế kỷ qua và đã có được nhiều thành tựu. Song, nghiên cứu chuyên sâu một khâu - một mắc xích hợp thành tư tưởng, phong trào này lại chưa phải nhiều. Phan Xuân Quang đã chọn hướng nghiên cứu này, và đã chọn vấn đề tân học, bởi như anh nhận định tân học là lĩnh vực thành công nhất của phong trào Duy Tân và khi nói đến phong trào Duy Tân, trước hết phải nói đến tân học. Quảng Nam là nơi khởi phát phong trào Duy Tân, có trường tân học đầu tiên của phong trào Duy Tân cả nước với những nét đặc sắc ngay từ ban đầu. Vậy thì anh chọn tân học trong phong trào Duy Tân ở Quảng Nam để viết thành một cuốn sách là có một cách tiếp cận sâu, rất riêng.

Phan Xuân Quang trích lọc tư liệu liên quan trực tiếp đến tân học từ thơ văn của các chí sĩ duy tân và trong công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, cộng với tự thân điền dã đến những nơi xưa kia có trường tân học để thu thập thêm thông tin, cũng như trao đổi với các nhà nghiên cứu để làm rõ được nhiều nội dung từ các nhà khởi xướng chủ thuyết Duy Tân đến các nhà thực hành, trực tiếp giảng dạy tại các trường tân học; lý do phải tân học; sự khéo léo của các sĩ phu trong việc hợp pháp triển khai tân học; số trường tân học và những trường tân học tiêu biểu; tổ chức quản lý và nội dung tân học. Anh đã đi từ buổi đầu vận động đến khi chính thức triển khai mở trường, phát động thành phong trào rộng khắp Quảng Nam, cho đến khi các trường bị thực dân Pháp phá hủy. Anh cũng đã bước đầu đề cập thêm - mà những công trình của các tác giả đi trước chưa đề cập đến, đó là tân học thời hậu phong trào Duy Tân với hoài bão tân học/quảng học vấn vẫn được các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Quang Vỹ theo đuổi, và cả sự tiếp tục của thế hệ tiếp theo như Khương Hữu Dụng, Phan Thanh trong những năm 1920-1945.

Phan Xuân Quang đã có những nhận định sắc sảo về tân học ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX, đặt nó trong phong trào Duy Tân Quảng Nam và trong phong trào tân học chung cả nước bấy giờ. Và, “ôn cố nhi tri tân”, anh đã chỉ ra “Bài học lớn nhất do tân học trong phong trào Duy Tân nói chung, tân học ở Quảng Nam nói riêng để lại có giá trị cho đến ngày nay chính là dân trí. Có tri thức nhân dân mới tiếp thu được cái mới, mới hiểu được về quyền và nghĩa vụ của mình, mới đủ cơ sở và niềm tin sự phát triển của đất nước”.

PGS.TS NGÔ VĂN MINH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202308/bai-hoc-lon-nhat-tu-tan-hoc-o-quang-nam-3954417/