Bài học kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý đào tạo từ tự chủ

Là trường ĐH trọng điểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 vào ngày 17/3/2015.

Trải qua hơn 1 năm thực hiện Đề án này, nhà trường luôn đặt nhiệm vụ đào tạo ĐH ở vị trí quan trọng nhất, là bậc đào tạo “chuẩn” của nhà trường. Cơ hội nhiều, nhưng thách thức lớn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đang nỗ lực đổi mới công tác quản lý đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ đẩy mạnh nâng cao chất lượng.

Tự chủ là quyền và trách nhiệm

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, GD&ĐT luôn được coi là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn của đất nước, đồng thời là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - một trong 3 lĩnh vực quan trọng của cách mạng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi GD và đào tạo nói chung và GD ĐH nói riêng phải đổi mới toàn diện, đồng bộ để nâng cao chất lượng và uy tín, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong xã hội.

Đặc biệt trong đó là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ĐH trong bối cảnh thời gian gần đây đào tạo ĐH tăng khá mạnh về quy mô, số lượng dẫn đến chất lượng còn nhiều bất cập, dư luận xã hội phê phán nhiều.

Các báo cáo, điều tra và số liệu thống kê của các cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy thực trạng chất lượng đào tạo ĐH hiện nay đang có nhiều bất cập. Những bất cập nảy sinh này có trên cả hệ thống.

Thực tế cho đến nay bài toán về chất lượng đào tạo ĐH vẫn còn khá nan giải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo ĐH của Việt Nam còn hạn chế, theo đánh giá của các chuyên gia và nhiều nhà quản lý GD.

Đó là chúng ta chưa làm chủ được công nghệ truyền tải, kỹ năng chuyên nghiệp yếu, thiếu tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm yếu, chưa thâm nhập được vào công việc, năng suất lao động thấp, quan cách trong phục vụ, thụ động trong công việc... Tính tự chịu trách nhiệm và việc công khai, minh bạch thông tin đến người học và xã hội còn thiếu hụt.

Chất lượng đào tạo kém do nhiều nguyên nhân có thể chủ quan hoặc khách quan, nhưng tựu chung là những lý do chính như sau: Sự thiếu hụt kỹ năng quản trị ĐH, năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành GD cấp vĩ mô và vi mô.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - khẳng định: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu hướng tất yếu của các cơ sở GD ĐH Việt Nam.

Quyền tự chủ này đã được khẳng định trong Luật GD ĐH năm 20121: “Cơ sở GD ĐH tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, KH&CN, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng GD ĐH”.

Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ quyền tự chủ này trên thực tế sẽ là một quá trình đòi hỏi các nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở GD ĐH và toàn xã hội.

Nỗ lực nâng cao năng lực quản lý đào tạo

Ngày 24/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP để tạo hành lang và khuyến khích các cơ sở GD ĐH công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của mình hướng tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và giảm chi cho ngân sách Nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận GD ĐH của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đề ra chiến lược thực hiện, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng quản lý đào tạo ĐH.

Những bài học kinh nghiệm và mô hình tự chủ của các trường ĐH trong nước và quốc tế đã được nghiên cứu, chỉnh sửa, đề xuất đưa vào áp dụng cho ĐH Kinh tế Quốc dân.

Đặc biệt trong đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng và giải pháp cho việc tăng cường kỷ cương giảng dạy học tập; chấp hành nội quy, quy chế, quy định theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm kết hợp với sự giám sát, kiểm tra phù hợp;

Thực trạng và các giải pháp để tăng cường công tác tự đánh giá, nhằm hướng tới trường ĐH được kiểm định và xếp hạng; Cơ chế tài chính, phân bổ nguồn lực trong điều kiện tự chủ để thúc đẩy các đơn vị, cá nhân thực sự tham gia vào công tác nâng cao chất lượng quản lý đào tạo.

Thêm nữa, để huy động nguồn chất xám từ các nhà nghiên cứu, quản lý GD, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng tổ chức nhiều hội thảo.

Tại những hội thảo này, các tác giả tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị khi triển khai công tác quản lý đào tạo theo hướng đổi mới cơ chế hoạt động, tập trung vào một số nội dung cụ thể của công tác quản lý đào tạo ĐH.

Nhiều đánh giá, phân tích đã chỉ rõ công tác phát triển, quản lý ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế và phù hợp với xu hướng trở thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu.

Công tác tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá theo hướng đo lường, phát hiện và rèn luyện toàn diện năng lực của người học, đảm bảo đúng chuẩn đầu ra mà trường đã cam kết;

Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, chuyển dịch cơ cấu đào tạo theo hướng chú trọng các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài.

Nhà trường chú trọng vào công tác xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức và nhân sự quản lý đào tạo của trường theo hướng tăng cường phân công, phân nhiệm và có sự phối hợp hiệu quả; Ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện trong công tác quản lý đào tạo để giúp tăng cường năng lực quản trị; Tổ chức công tác tự đánh giá đáp ứng các yêu cầu kiểm định chất lượng GD theo chuẩn quốc gia; Từng bước được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận và xếp hạng cao; Mở rộng công tác liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước; Liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín trên thế giới; Cơ chế tài chính, phân bổ nguồn lực để tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân tham gia hiệu quả vào công tác quản lý đào tạo; bảo đảm cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng được yêu cầu tổ chức đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-kinh-nghiem-nang-cao-nang-luc-quan-ly-dao-tao-tu-tu-chu-2537744-b.html