Bài học cầu vượt đi bộ bỏ hoang

TP Hồ Chí Minh vừa thống nhất chủ trương xây dựng cầu vượt đi bộ từ khu vực đường Nguyễn Huệ tới công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) với mục đích phục vụ nhu cầu người dân di chuyển. Đây là khu vực đông người và phù hợp với công trình như cầu đi bộ nhưng một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc bởi hiện nay hầu hết các cầu vượt đi bộ đều ít người sử dụng.

Cầu vượt đi bộ vắng người sử dụng.

Cầu vượt đi bộ vắng người sử dụng.

Thống kê trên địa bàn TPHCM hiện có gần 30 công trình cầu vượt dành cho người đi bộ. Các vị trí xây cầu vượt hầu hết nằm ở những khu vực có đông người, mật độ phương tiện xe cơ giới (ô tô, xe gắn máy) đông đúc như tại các bệnh viện, trung tâm thương mại, bến xe, nhà ga…. Mặc dù vậy, tình hình thực tế lại trái ngược với những khảo sát và dự kiến ban đầu, điển hình như cầu vượt bắc qua quốc lộ 22 (trước cổng bến xe An Sương, huyện Hóc Môn) hoàn thành năm 2020 với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng rất ít người sử dụng....

Ông Trần Văn Huyên (68 tuổi) - trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết, do cầu cao và bến xe cách cầu gần 100m nên nếu có nhu cầu, hành khách sẽ phải đi bộ khá xa. Vì vậy, nhiều người thường chọn phương án đi bộ qua đường, thay vì đi tới cầu vượt và lên cầu. “Hiện dưới chân cầu còn bị một số người dân lấn chiếm để bán hàng rong” - ông Huyên nói.

Cùng chung tình trạng, cầu vượt tại đường Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp) có số vốn gần 12 tỷ đồng, nằm trong khu công viên Gia Định. Cầu được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu người dân đi bộ qua công viên, không phải băng qua đường vì lưu lượng xe cộ nhiều. Tuy nhiên, gần cầu đi bộ có một nút giao thông tín hiệu đèn đường. Vì vậy người dân thường chờ tới đèn ưu tiên để băng qua đường, thay vì đi bộ lên cầu cao và dài hơn. Cũng trong tình trạng không người sử dụng và bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích là cầu đi bộ trên đường Võ Văn Kiệt và kênh Tàu Hũ.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều người dân thường sử dụng phương tiện như xe đạp hay thậm chí xe gắn máy để qua cầu này. Ngoài ra mặt cầu cũng trang trí khá đẹp nhưng có ít người sử dụng do cách xa khu dân cư.

Ông Hà Ngọc Trường - chuyên gia thuộc Hội Cầu - Đường - Cảng TPHCM cho rằng, tình trạng một số cầu đi bộ ở TPHCM ít người sử dụng là do chưa đánh giá đúng nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, cần đánh giá đúng, đủ nhu cầu trước khi thực hiện các công trình như cầu đi bộ.

Với số tiền từ vài tỷ đồng cho tới hơn chục tỷ đồng, những cây cầu đi bộ ít người sử dụng không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn kéo theo một số phiền toái khác. Như cầu vượt ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng rất ít người sử dụng nên lực lượng chức năng buộc phải tháo dỡ để phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn và Cộng Hòa. Đây là cầu đi bộ khá lâu ở TPHCM, có kết cấu xây dựng kiên cố nên việc dỡ bỏ và xây dựng lại sẽ tốn nhiều chi phí.

Theo nhiều ý kiến, với không gian đi bộ sẵn có (phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng…) nhu cầu sử dụng cầu đi bộ nối đường Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng là rất lớn. Việc xây cầu này, cùng với cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nhằm mục đích du lịch và phục vụ nhu cầu khách du lịch. Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc nghiên cứu hoàn chỉnh việc xây dựng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Theo đó, cầu có vị trí nằm ở giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn, thuộc khu công viên bến Bạch Đằng (quận 1). Vị trí phía bên cầu thuộc công viên bờ sông ở khu quảng trường Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với quy mô cầu đi bộ kết hợp thang máy, băng chuyền… có thể sử dụng cho người khuyết tật hoặc có thể là cả xe đạp.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bai-hoc-cau-vuot-di-bo-bo-hoang-5714131.html