Bài hát ngang giá ô tô và người vợ xuất thân giàu có của 'Vua nhạc bolero'

Không nhiều người biết, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ - bà Kha Thị Đàng là chị em con chú con bác với nhân vật lịch sử Kha Vạng Cân.

Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi (1949-1952) với ca sĩ Mộc Lan, khoảng năm 1955, nhạc sĩ Châu Kỳ nên duyên với bà Kha Thị Đàng. Không nhiều người biết, bà Đàng xuất thân giàu sang, gia tộc họ Kha là tư sản tiếng tăm ở khu chợ vải Đồng Khánh.

Bà là chị em con chú con bác với Kha Vạng Cân - kỹ sư, trí thức, nguyên Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn của Chính phủ Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên ông được đặt cho một con đường ở TP Thủ Đức.

Thời gian đầu, gia đình phản đối kịch liệt bà Đàng lấy chồng nghệ sĩ 'xướng ca vô loài'. Mặc ngăn cấm, bà - khi ấy 16 tuổi - vẫn bỏ nhà theo Châu Kỳ. Khi bà Đàng sinh con đầu lòng, cha mới nguôi giận.

Vợ chồng Châu Kỳ - Kha Thị Đàng.

"Mẹ chúng tôi là con út mà lập gia đình sớm nhất. Lúc đầu ông ngoại giận lắm, khi mẹ mang bầu tôi mới được ông cho về nhà ở Chợ Lớn an dưỡng sinh con. Hồi nhỏ tôi không biết nhiều, chỉ thấy ngôi nhà to lớn của ngoại sao mà khác xa nhà mình", chị Châu Huyền Khanh - con cả Châu Kỳ kể với VietNamNet.

Năm 1964, vợ chồng Châu Kỳ sinh con thứ 2 thì hay tin cha vợ chuẩn bị sang thăm cháu. Hai người hoảng vì thấy nhà gỗ xanh xấu xí, rẻ tiền, sợ ông không hài lòng nên tìm cách đổi chỗ ở khác.

Châu Kỳ bèn tìm đến bà Sáu chủ Hãng đĩa Việt Nam, xin bán trước tựa bài Sao chưa thấy hồi âm để ứng tiền, nhạc sẽ nộp sau.

Không ngờ, ca sĩ Hoàng Oanh thể hiện quá thành công, nhạc phẩm nổi đình đám. Ông lấy số tiền Hãng đĩa Việt Nam trả thêm mua 1 chiếc xe hơi Toyota hạng sang thời đó làm phương tiện đi lại, đưa đón gia đình đi chơi Vũng Tàu.

Sau Sao chưa thấy hồi âm, sự nghiệp Châu Kỳ 'lên hương', các bài kế tiếp như Giọt lệ đài trang, Con đường xưa em đi, Đừng nói xa nhau... cứ ra là bán 'đắt như tôm tươi'.

Người đàn bà xuất thân giàu sang phải làm công nhân nuôi chồng.

Châu Kỳ và Kha Thị Đàng yêu thương, gắn bó nhau. Bà Đàng có tư duy không sống dựa vào chồng nên luôn đi làm, chưa bao giờ ở nhà tiêu tiền.

Trước 1975, bà Đàng làm công nhân rồi kế toán ở nhà máy giấy Cogivina (nay là nhà máy giấy Tân Mai), Biên Hòa. Trong đó, Hồ Đình Phương - người chấp bút phần lời hơn 20 bài hát nổi tiếng của Châu Kỳ - là giám đốc, rất thân với gia đình.

Sau giải phóng, giai đoạn chồng đi cải tạo, bà vừa đi làm kiếm tiền nuôi con, vừa thăm nuôi chồng. Lương vỏn vẹn 300 đồng khi mỗi lần thăm nuôi hết 1.000 đồng chưa kể tiền nuôi các con ăn học, bà phải cắn răng làm thêm nhiều việc. Sau này, bà chuyển về làm ở phòng vật tư nhà máy diêm Hòa Bình (Quận 4, TP.HCM) cho tiện đi lại.

Vậy mà trong gia tài 400 bài hát, nhạc sĩ Châu Kỳ viết về vô số bóng hồng, chỉ có một bài viết riêng cho vợ Kha Thị Đàng là Em gái miền Nam. Bà Đàng luôn thông cảm, xem như cách ông tạo ra nhiều ca khúc hay tặng đời.

Bà Đàng có mối giao hảo với phần lớn bạn bè trong giới văn nghệ của chồng.

Từ năm tháng bên nhau đến khi Châu Kỳ tạ thế, bà Đàng luôn có ý thức giữ gìn gia tài âm nhạc của chồng. Bà thuộc toàn bộ sáng tác, từng có giai thoại Chế Linh hát sai 1 từ trong bài Túy ca liền bị bà phát hiện, góp ý.

Chồng qua đời, bà Đàng tiếp tục bảo quản di sản âm nhạc đến khi giao lại người con thứ 3 rồi mất vào năm 2022.

'Sao chưa thấy hồi âm' - Như Quỳnh

Bốn người con không theo nghệ thuật

Nhạc sĩ Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng có 4 người con lần lượt sinh năm 1956, 1964, 1970 và 1976.

Năm con cả - bà Châu Huyền Khanh 11 tuổi, Châu Kỳ làm việc ở đài truyền hình, phụ trách chương trình Tiếng thùy dương chuyên giới thiệu bài hát và giọng ca mới. Ông đã sắp xếp con gái lên sân khấu song ca bài Em bé đánh giày với một thần đồng âm nhạc bằng tuổi là danh ca Hương Lan.

Tiết mục thành công ngoài tưởng tượng, bà Khanh bắt đầu được khán giả biết đến thì nhà ngoại bày tỏ không muốn cháu mình theo nghề ca sĩ. Vì vậy, Châu Kỳ ép con đi học, từ chối các lời mời.

Lúc ấy, bà Khanh trách cha không ngó ngàng con gái ruột trong khi nhạc ông giúp nhiều ca sĩ như Duy Khánh, Chế Linh, Hương Lan, Phương Hồng Quế, Tam ca Sao Băng... nổi tiếng.

Lớp 11, bà chán học nên cãi lời cha, đòi đi hát. Châu Kỳ cũng xuôi, hỗ trợ con gái tham gia các chương trình truyền hình của mình và danh ca Duy Khánh. Sau năm 1975, bà vẫn theo Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn xiếc Tuổi Trẻ... một giai đoạn ngắn rồi giã từ nghệ thuật.

"Thỉnh thoảng, tôi mắc cỡ khi cha mẹ đặt tên quá đẹp và kiểu cách trong khi mình không thể theo đuổi sự nghiệp ca sĩ đến cùng", bà Khanh tâm sự.

Người con thứ 2 của Châu Kỳ từng có thời gian hoạt động tại Đoàn Văn công Quân khu 7 với vai trò nghệ sĩ múa. Sau này, anh lập gia đình rồi bỏ nghề, đi buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con.

Anh Châu Huy Toàn - người con thứ 3 - từng được cha cho thi vào Nhạc viện TP.HCM chuyên ngành violin nhưng trượt do không đủ năng khiếu. Anh làm việc tại Nhà hát Lớn TP.HCM từ năm 1990 đến nay.

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bai-hat-ngang-gia-o-to-va-nguoi-vo-xuat-than-giau-co-cua-co-nhac-si-chau-ky-2248258.html