Bài cuối: 'Tiếp lửa' cho phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Sáng đèn đom đóm nơi đỉnh trời Tây Bắc

>>>Bài 1: Vượt núi tìm chữ

>>>Bài 2: Học bán trú thích hơn ở nhà

>>>Bài 3: Gác nỗi đau mất cha, đoạt giải quốc gia môn Vật lý

>>>Bài 4: Người chèo đò trên núi

LCĐT - Những năm qua, việc chăm lo học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng cao. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai trong giờ nghiên cứu khoa học.

Phóng viên: Cùng với việc triển khai tốt các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo của Trung ương, tỉnh đã có những chính sách nào nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng dân tộc thiểu số, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Trước những yêu cầu mới về phát triển sự nghiệp giáo dục, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 58 ngày 18/7/2016 về các chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách này tập trung hỗ trợ học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, tỉnh có hơn 128.000 học sinh vùng cao được hỗ trợ, chiếm 65% tổng số học sinh toàn tỉnh; có 2.500 giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Nổi bật là chính sách xây dựng đủ nhà công vụ, nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, xóa phòng học tạm, xây dựng nhà ăn, bếp; chính sách hỗ trợ tiền ăn, thuê cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh học THPT ở tại trường PTDT nội trú huyện; chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú (hỗ trợ 20% mức lương cơ sở/tháng); chính sách hỗ trợ cấp dưỡng cho các trường có học sinh bán trú (tiểu học, THCS, THPT), mức hỗ trợ bằng 150% mức lương cơ sở/định suất/tháng; chính sách hỗ trợ học phẩm, sách giáo khoa cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn (trừ học sinh thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ)…

Phóng viên: Ông cho biết, với những chính sách hỗ trợ này, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến thế nào?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ của tỉnh cho học sinh dân tộc là rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Phát triển mạng lưới trường, lớp, quy mô giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phổ cập giáo dục; đổi mới giáo dục; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực; xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ học tập không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính cho học sinh, mà còn là nâng cao nhận thức cho học sinh, người dân, chính quyền địa phương về sự quan tâm của Nhà nước về chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân.

Thứ hai, phát triển mạnh cùng với nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Các trường này đã trở thành các trường nòng cốt của giáo dục dân tộc ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đã đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 ở điểm trường lẻ về học tại trường chính để tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tạo điều kiện tốt cho người học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chủ động cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, tác động mạnh mẽ và nổi bật đến chất lượng giáo dục dân tộc. Do điều kiện kinh tế - xã hội của một tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, các chính sách này đã hỗ trợ rất nhiều cho học sinh ở vùng cao, học sinh con hộ nghèo có điều kiện học tập tốt hơn. Học sinh đã có đủ sách, bút, vở, đồ dùng học tập; giúp gia đình các em giảm bớt khó khăn; học sinh phấn khởi, ở vùng cao học sinh đi học đông và đều hơn; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.

Thứ tư, tác dụng tích cực khả năng tiếp cận tính công bằng trong giáo dục; tăng nhanh số lượng học sinh gái đi học THPT, học nghề, cao đẳng, đại học, đặc biệt là học sinh dân tộc rất ít người; tăng cơ hội cho trẻ vùng cao khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường. Các em ở bán trú tại trường được tham gia các hoạt động giáo dục, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp nhiều hơn, tổ chức ăn, ở, lao động... học sinh tự tin, nhanh nhẹn và sáng tạo hơn. Từ đó, các em đã đem kiến thức học được ở trường để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình, thôn, bản trong việc tổ chức đời sống và sinh hoạt hằng ngày.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, cha mẹ học sinh, học sinh; học sinh được hỗ trợ học tập, gia đình các em giảm bớt khó khăn, từ đó góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như đói nghèo, du canh, du cư, di dân tự do, phá rừng, đốt nương làm ruộng...

Thứ sáu, chính sách hỗ trợ góp phần phát triển mạnh giáo dục dân tộc, làm thay đổi trình độ dân trí của tỉnh rõ rệt, là nhân tố cơ bản trong đào tạo nhân lực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phóng viên: Bên cạnh kết quả đạt được, ông cho biết thêm về công tác phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn những khó khăn gì?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Công tác phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn một số khó khăn: Một số xã vùng cao có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT và GDTX đã được nâng lên nhưng còn thấp; còn có học sinh bỏ học; chất lượng giáo dục ở một số xã vùng cao mặc dù có chuyển biến nhưng còn chậm.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao tuy được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều khó khăn. Toàn tỉnh còn thiếu khoảng 1.200 phòng học bộ môn; phòng ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn mới đáp ứng được gần 30%; công trình thể thao, giáo dục thể chất hầu hết các trường còn thiếu, diện tích đất của nhiều trường còn chật hẹp. Tỷ lệ trường PTDTNT, PTDTBT đạt chuẩn quốc gia còn thấp.

Công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế.

Phóng viên: Vậy, những giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Ninh: Để tiếp tục phát triển giáo dục, nhất là giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, ngành sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chính như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân. Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu. Nâng cao nhận thức, năng lực, hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở, cải tiến, nâng cao chất lượng văn bản, các cuộc họp. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chuẩn bị đồng bộ các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021.

Mạnh Dũng - Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-cuoi-tiep-lua-cho-phat-trien-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-z62n20200515103957444.htm