Bài cuối: Tháo gỡ 'rào cản' cơ sở vật chất

Đối chiếu với 5 tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) do Bộ GD-ĐT quy định, đa phần các trường ở Hà Nội đều cơ bản đạt yêu cầu 4 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh và tiêu chí xã hội hóa. Chỉ còn tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị là "rào cản" cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Khó nhất là cơ sở vật chất

Theo báo cáo kết quả xây dựng trường chuẩn năm 2016 của Sở GD-ĐT Hà Nội, chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao là 75 trường đạt chuẩn, song mới có 44 trường (tỷ lệ 59%) được kiểm tra, thẩm định và khảo sát tư vấn. Tiến độ này chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu, các đầu việc sẽ dồn cả vào những tháng cuối năm, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị.

Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội. Ảnh: Mai Chi

Với mục tiêu có từ 65% đến 70% số trường đạt CQG như Nghị quyết HĐND thành phố đề ra trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu xây dựng thêm 578 trường đạt chuẩn. Một cuộc tổng rà soát toàn ngành đã được triển khai nhằm xác định cụ thể những chỗ còn thiếu, những mảng việc chưa được quan tâm đầy đủ để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, bổ sung. Căn cứ 5 tiêu chuẩn của trường đạt CQG do Bộ GD-ĐT quy định, thì các trường của Hà Nội cơ bản đạt 4 tiêu chuẩn: Tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh và tiêu chí xã hội hóa, chỉ có tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị là đáng lo ngại nhất. Trong số 578 trường đăng ký xây dựng đạt chuẩn giai đoạn tới, chỉ có 98 trường bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, chiếm tỷ lệ 17%.

Số trường chuẩn mà Mỹ Đức đăng ký xây dựng trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 là 29 trường, cộng với 11 trường cần công nhận lại là một thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, như kế hoạch năm 2016 của huyện là có thêm 3 trường đạt chuẩn, đến nay mới xây dựng được 1 trường chuẩn, 2 trường còn lại đang trong tình trạng thiếu vốn, ước tính cần khoảng 15 tỷ đồng cho các hạng mục cơ bản.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên Nguyễn Lưu Luyến cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu xây dựng thêm 45 trường đạt chuẩn, như vậy mới đạt mục tiêu có trên 50% trường chuẩn. Tuy nhiên, với mạng lưới trường học hiện nay là gần 80 trường, hầu hết được xây dựng từ hàng chục năm trước, nhiều hạng mục đã xuống cấp, việc xoay xở vừa bảo đảm điều kiện tối thiểu cho việc dạy và học, vừa có thêm trường chuẩn là không đơn giản. Còn tại các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, cái khó chung là không thể mở rộng cơ ngơi, do không còn quỹ đất trống. Việc học sinh phường này học ở trường thuộc địa bàn phường bên cạnh không phải là hiếm, bởi có phường chưa đủ mạng lưới trường với ba cấp học (mầm non, tiểu học, THCS).

Những giải pháp tháo gỡ "rào cản"

Nhìn lại một chặng dài xây dựng trường CQG của Hà Nội, có thể thấy, thiếu đất, thiếu tiền là khó khăn chung của hầu hết các quận, huyện, thị xã, trở thành điệp khúc mỗi khi nhắc đến nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng trường chuẩn. Trong khi các quận nội thành thuận lợi về ngân sách, nhưng quỹ đất lại có hạn, thì các trường khu vực ngoại thành thừa đất lại luôn eo hẹp về kinh phí.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ trường chuẩn của bậc học mầm non là thấp nhất trong các cấp học với 40%, trong khi tỷ lệ chung của toàn thành phố là 54,4%, cấp học cao nhất là tiểu học đạt gần 66%. Tình trạng này tồn tại nhiều năm, thậm chí từng có ý kiến băn khoăn cho rằng, mầm non là cấp học nền tảng, đầu đời cho trẻ, song lại bị bỏ quên, không nhận được sự quan tâm, đầu tư tương xứng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, sự khởi động trong việc xây dựng trường chuẩn ở cấp học mầm non chậm hơn do sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng trăm trường mầm non bán công mới chuyển đổi mô hình sang công lập, cần một khoảng thời gian để hoàn thiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cơ chế quản lý… Dù còn ở mức khiêm tốn so với các cấp học khác, nhưng so với tỷ lệ trung bình toàn quốc, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn của Hà Nội vẫn cao hơn 6%; ngay như TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này cũng mới chỉ đạt 19%...

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn ở từng địa bàn. Tùy theo điều kiện cụ thể mà từng khu vực lại có cách giải quyết riêng. Với các trường nội thành, trước áp lực về quy mô học sinh, ngoài việc huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong việc mở rộng quỹ đất, gom điểm lẻ để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phòng học, Hà Nội đang đề xuất với Bộ Xây dựng được tăng số tầng. Theo quy định, các trường mầm non, tiểu học chỉ được xây dựng 3 tầng, các trường THCS, THPT được xây 4 tầng. Tuy nhiên, trong điều kiện không thể mở rộng quỹ đất, việc cho phép nâng tầng sẽ mở rộng diện tích sử dụng cho học sinh, các phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí ở tầng cao.

Tại hội nghị kiểm điểm tiến độ xây dựng trường CQG năm 2016, triển khai kế hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ngành GD-ĐT Thủ đô 5 năm tới là phải tập trung vào 4 mục tiêu trọng tâm, trong đó việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp xếp ở mục tiêu trọng tâm thứ hai, sau việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, các đơn vị phải vừa tập trung đầu tư cho đủ trường, lớp bảo đảm chỗ học cho học sinh, xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4, vừa quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường CQG, bổ sung các hạng mục để công nhận lại những trường đã đạt ở giai đoạn trước. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/854707/bai-cuoi-thao-go-rao-can-co-so-vat-chat