Bài cuối: Phương hướng duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã

Tại dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của TP Hà Nội nêu lên 24 chỉ tiêu, trong đó, về lĩnh vực y tế, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ xã/phường/thị trấn 100% đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 94,5%.

Ngành y tế Thủ đô sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Trạm y tế xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ảnh: TYT xã Minh Châu

Mô hình điểm “đi tắt, đón đầu”

Sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008-1/8/2023), ngành y tế Thủ đô không ngừng kiện toàn và nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.

Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau 15 năm hợp nhất, Hà Nội có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn và có 100% có bác sĩ công tác tại trạm. Trong đó, có 86,3% trạm y tế (TYT) có bác sĩ biên chế, một số TYT có bác sĩ tăng cường từ trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa huyện. Có 516/579 TYT xã, phường, thị trấn và 2 nhà hộ sinh, 54 phòng khám đa khoa đã thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Mạng lưới y tế bao phủ rộng khắp đã phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, nhiều mô hình TYT được chọn làm mô hình điểm của Bộ Y tế, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh từ cơ sở.

Qua công tác “Triển khai đề án y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020”, Hà Nội có 4 TYT được Bộ Y tế chọn thí điểm gồm: TYT xã Minh Châu (huyện Ba Vì), TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), TYT phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm), TYT phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Đánh giá về hiệu quả thực hiện, các TYT xã được hoạt động theo nguyên lý hộ gia đình, cơ sở vật chất được đầu tư cải tạo, nâng cấp, TYT xã được hỗ trợ của các BV tuyến Trung ương như BV Tim Hà Nội, BV Châm cứu Trung ương, BV Nội tiết Trung ương, BV E…

Theo đó, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại TYT nhiều hơn, nhận được tin tưởng của người dân. Bước đầu quản lý được hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường,…

Từ những dấu ấn tích cực, tại dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của TP Hà Nội nêu lên 24 chỉ tiêu, trong đó, về lĩnh vực y tế, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ xã, phường, thị trấn 100% đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Vẫn còn những bất cập

Hiện nay, việc đánh giá đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030 được thực hiện theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 9/3/2023, áp dụng cho các xã, phường, thị trấn. Theo đó, có 10 tiêu chí với tổng điểm là 100, trong đó tiêu chí về cơ sở hạ tầng trạm y tế xã chiếm 12/100 điểm và quy định xã đạt từ 80% điểm trở lên, số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên, không bị “điểm liệt” sẽ đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin: năm 2022, có 579 TYT xã, phường, thị trấn tại Hà Nội được khảo sát, chấm điểm và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã với mức điểm từ 80% trở lên. Tuy nhiên, tiêu chí về cơ sở vật chất điểm chỉ vừa đạt mức 50%.

Thực tế, nhiều TYT xã, phường, thị trấn mặc dù đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn còn nhiều tồn tại về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chưa thực sự bảo đảm đáp ứng công tác chuyên môn phục vụ hoạt động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Một số TYT được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa nâng cấp để bảo đảm đủ số lượng buồng phòng và bảo đảm chất lượng buồng phòng theo yêu cầu của chuyên môn.

Nếu không được đầu tư nhiều TYT bị hư hỏng, xuống cấp sẽ không bảo đảm duy trì được tiêu chí quốc gia về y tế xã, và số lượng các TYT không đạt tiêu chí quốc gia ngày càng tăng lên theo thời gian.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là từ các chính sách và quy định. Theo quy định pháp luật, Điều 5, Thông tư 01/2017/TT-BTNMT, ngày 09-02-2017, quy định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, đối với TYT cấp xã, định mức sử dụng đất tối thiểu từ 500m2 đến 2000m2. Tuy nhiên, hiện nay nhiều TYT tại một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không đủ diện tích xây dựng nên rất khó khăn trong hoạt động chuyên môn.

Cụ thể, TYT phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) có 18m2 đất, không đủ diện tích xây dựng theo quy định, hạn chế hoạt động chuyên môn, rào cản thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh lớn như phải phân luồng và bảo đảm giãn cách...

Tình hình quy hoạch quỹ đất đối với với khu vực ngoại thành, đã bố trí được đủ diện tích để xây dựng, hạn chế là nhiều TYT xã, phường, thị trấn chưa được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng.

Không ít TYT vẫn còn là khu nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, thiếu buồng phòng để bố trí đáp ứng khám chữa bệnh ban đầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp và có nhu cầu xây mới tại nhiều TYT trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên...

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu tại các TYT xã, phường, thị trấn hiện nay, chưa phát huy hiệu quả chức năng chăm sóc sức khỏe người dân với phương châm “từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”.

Để thực hiện tiêu chí duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia, ngành y tế Hà Nội đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp của TP Hà Nội trong quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong đó, cần có quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các TYT không đảm bảo chất lượng, đã xuống cấp. Đối với TYT không bảo đảm diện tích buồng, phòng theo quy định cần thiết phải bố trí bổ sung địa điểm có vị trí và diện tích đảm bảo công năng cho công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch. TP phải giao cho các quận, huyện, thị xã rà soát và đề xuất sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư cho các TYT thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý, đảm bảo kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo mới không bị trùng lặp, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với các huyện sau khi rà soát, không đủ khả năng cân đối, bố trí vốn đầu tư nâng cấp cải tạo, xây mới các TYT trên địa bàn, cần chủ động, đề xuất, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế để rà soát, thống nhất danh mục và báo cáo UBND TP xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách TP cấp.

Nâng cao chất lượng y tế từ cơ sở, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế Thủ đô ngang tầm với các nước tiên tiến, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-cuoi-phuong-huong-duy-tri-100-xa-phuong-thi-tran-dat-tieu-chi-quoc-gia-ve-y-te-xa-363564.html