Bài cuối: Mở đường tái thiết và phát triển Điện Biên

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một lần nữa, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) các tỉnh miền xuôi lại được Trung ương Đảng và Chính phủ vận động tình nguyện lên Điện Biên. Nhiệm vụ lần này không còn là vận chuyển gạo, thực phẩm hay tải đạn mà là chung sức cùng đồng bào các dân tộc bản địa dựng xây, tái thiết Điện Biên sau chiến tranh.

Không tiếc máu xương cho những con đường thông suốt

Sau chiến thắng lịch sử năm 1954, Điện Biên chịu thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh. Nhà cửa, làng bản, hạ tầng bị tàn phá, nhất là công trình giao thông. Sửa chữa, mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông là nhiệm vụ cấp bách. Tuyến giao thông huyết mạch Tuần Giáo - Điện Biên Phủ là tuyến đường được ưu tiên sửa chữa trước tiên.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (hiện sinh sống tại tổ 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) được giao trọng trách về các tỉnh miền xuôi tuyển TNXP lên mở đường. “Khi tuyển quân, tôi luôn thẳng thắn thông báo lên Điện Biên rất khó khăn, đồng chí nào xác định chịu được khổ cực, vất vả thì đi. Những tưởng ít người đăng ký, thế nhưng đến đâu cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những thanh niên tuổi 19, 20”, ông Chấp bồi hồi nhớ lại.

Với khí thế ấy, hàng trăm thanh niên chia thành nhiều tốp tình nguyện rời xa quê hương lên vùng Tây Bắc xa xôi, địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu để mở đường. Là một trong những thanh niên xung phong lên Tây Bắc mở đường cho giao thông được thông suốt những năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lê Thanh Bình ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) kể: “Hồi đấy khí thế hừng hực, thanh niên trong làng, xã rủ nhau đăng ký đi Điện Biên. Tốp thanh niên trước đi viết thư gửi về tạo động lực cho tốp thanh niên ở nhà khăn gói lên đường. Ngày đó tôi cũng bỏ nghề dạy học giữa chừng, làm đơn tình nguyện đi Điện Biên mở đường".

Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Thành Huy hướng dẫn du khách quét mã QR tại điểm di tích Đồi A1. Nguồn: ITN

Cả tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên được gọi chung tên Công trường 426, TNXP chia làm nhiều đội, nhận nhiệm vụ từng đoạn khác nhau. Các đội tự làm lán sát mặt đường hoặc ở nhờ nhà dân bản gần đấy. Hàng ngày ăn cơm nếp độn sắn, ngô là chủ yếu; ông Lê Thanh Bình chia sẻ: “Mở đường hoàn toàn bằng công cụ thô sơ. TNXP dùng xà beng, cuốc, xẻng cạy đất đá ở ta luy dương, hót và chở bằng xe cải tiến bánh bằng gỗ, thùng đựng đất đá đan bằng tre nứa đổ xuống ta luy âm. Nhiều đoạn đường vướng vách đá cao, dụng cụ thô sơ không thể xử lý, để mở rộng đường, chúng tôi đặt mìn nổ phá đá, sau đó lấy đá ghép mặt đường bằng phẳng cho xe đi. Tay cầm xa beng, cuốc, xẻng nhiều, lòng bàn tay ai cũng chai sạn, sưng lên, tứa máu”.

Hơn 5.400 thanh niên tham gia mở hơn 70km đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên trong 5 năm (1959 - 1963), gần 20 người hy sinh. Đó là những con số phản ánh đúng, đủ những năm tháng gian khó, hiểm nguy, vất vả để tuyến đường lên với Điện Biên được thông suốt.

Vì một Điện Biên hôm nay

Sau giải phóng, với khẩu hiệu “Lấy Tây Bắc làm quê hương”, lực lượng TNXP tình nguyện lên Điện Biên tham gia xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi; nông trường Điện Biên... Điện Biên Phủ bước vào trận chiến mới, đó là cải tạo, khôi phục sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Tháng 10.1963, hơn 2.000 thanh niên xung phong, gồm hơn 800 đội viên thanh niên “Tháng 8 thủ đô” và thanh niên các tỉnh miền xuôi đã cùng nhau đoàn kết, đổ mồ hôi, xương máu và trí tuệ để xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm dẫn nước tưới mát thung lũng Mường Thanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn, thanh niên Trần Công Chính, 18 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên đã viết đơn tình nguyện lên Điện Biên Phủ xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. “Quá trình xây dựng công trình gặp vô vàn khó khăn, vất vả, nhất là xây dựng đập chính ngăn dòng sông Nậm Rốm. Dù vậy, lực lượng TNXP đã quyết tâm thực hiện khẩu hiệu "ba bù" (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên đạt từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày. Để làm đập chính, thời điểm đông nhất có tới trên 500 TNXP. Sau gần 3 năm mới xong cái đập chính", ông Chính bồi hồi nhớ lại.

Gần 7 năm ròng rã, đến năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của thanh niên xung phong và người dân đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu ngày ấy). Công trình là kết tinh của sức trẻ, lòng nhiệt huyết, quyết tâm, tinh thần quả cảm và hăng say lao động của thế hệ thanh niên; đồng thời, là sự hy sinh xương máu của nhiều thanh niên xung phong vì Điện Biên tươi đẹp ngày mai. Trong 7 năm xây dựng, đã có 18 thanh niên xung phong hy sinh, mãi mãi nằm lại ở đất mẹ Tây Bắc. Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đưa vào sử dụng tưới mát toàn bộ thung lũng Mường Thanh, toàn bộ diện tích sản xuất được cung cấp đủ nước. Khi đó, lực lượng xây dựng Điện Điên gồm có: bộ đội, TNXP cùng bà con người bản địa bắt tay “biến chiến trường thành nông trường”, cùng nhau xây dựng Điện Biên...

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, thanh niên, tuổi trẻ tỉnh Điện Biên luôn có trong mình khát vọng, ý chí vươn lên, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, vì cộng đồng và lợi ích quốc gia. Thanh niên Điện Biên luôn có mặt tại những nơi khó khăn, gian khổ, xung kích hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó; để phát huy sự đổi mới, sáng tạo, đoàn thanh niên tỉnh Điện Biên đã phát động và triển khai hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”. Theo đó, hàng trăm ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên thanh niên trong nhiều lĩnh vực được hỗ trợ triển khai hiện thực hóa. Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số...

Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Đặng Thành Huy cho biết: Điện Biên đang chuyển mình để hội nhập và phát triển, bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc. Để kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, mỗi thanh niên tỉnh Điện Biên hôm nay luôn ra sức học tập, trau dồi lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ra sức thi đua lao động và rèn luyện để hình thành một thế hệ thanh niên tân tiến tiếp nối truyền thống anh hùng trong xây dựng Điện Biên ngày một giàu mạnh.

Nhật Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-cuoi-mo-duong-tai-thiet-va-phat-trien-dien-bien-i370942/