Bài cuối: Đồng bộ giải pháp khai thông những 'điểm nghẽn'

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 1719 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang gặp những khó khăn nhất định; hiện, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, phấn đấu bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Còn đó những "điểm nghẽn"

Trong năm 2022 và 2023, tổng số vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được giao theo kế hoạch là 2.269,9 tỷ đồng. Qua rà soát, nắm bắt từ cơ sở, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình còn chậm về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn… Điều này thể hiện bằng những con số cụ thể, như: tỷ lệ giải ngân thấp, cuối năm 2023 mới đạt 24,1% tổng kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp khó thực hiện phải tiếp tục chuyển sang năm 2024 là hơn 622 tỷ đồng.

Nghệ An phấn đấu đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống. Ảnh: T. Dương

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên, chưa thực hiện đúng nội dung, biểu mẫu hướng dẫn, thông tin báo cáo chất lượng chưa cao nên việc tổng hợp cũng như theo dõi tiến độ triển khai Chương trình MTQG 1719 chưa bảo đảm theo yêu cầu nội dung và thời gian. Chưa kể, lộ trình phân bổ vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước đã dẫn đến tình trạng thừa vốn (nguồn sự nghiệp); một số nội dung nguồn vốn được cấp nhiều nhưng không có hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng; một số nội dung có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ lại ít.

Điều đáng quan tâm, đối tượng được hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719 chênh lệch so với nhu cầu thực tế, ngày càng bị thu hẹp dần theo từng năm... Quá trình khảo sát, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi có nhiều nội dung quy định không rõ đối tượng dự kiến thụ hưởng các chính sách dẫn đến vốn giao của một số nội dung Chương trình MTQG 1719 vượt so với nhu cầu thực tế.

Tại buổi làm việc của Đoàn Thanh tra Ủy ban Dân tộc về kết luận thanh tra thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi mới đây, đại diện một số sở, ngành của tỉnh đã nêu rõ những khó khăn, như: một số địa phương ở khu vực miền núi nhưng lại không nằm trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025 nên không được thụ hưởng các dự án, chính sách hỗ trợ… Một số địa phương khó khăn trong đào tạo nghề cho người dân vùng đồng bào DTTS, trong đó việc các trường dân tộc nội trú không nằm trong vùng dân tộc sẽ không được thụ hưởng từ Chương trình, hay như việc các trường dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc nhưng lại đóng ở các trung tâm huyện, thành, thị cũng không được thụ hưởng…

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Trước không ít khó khăn, vướng mắc nêu trên, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ, nhằm phấn đấu bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình; đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp để nhìn nhận rõ nguyên nhân, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc; thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương...

Tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình MTQG được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: nguồn vốn đầu tư công, vốn 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân… Vì vậy, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, trách nhiệm với các sở, ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ… Đơn cử, với những vướng mắc do chưa có quy định về định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện, như Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngày 7.8.2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 610, gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quyết định quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, để khắc phục những khó khăn, thách thức, tỉnh đang đặt ra lộ trình năm tới và năm cuối giai đoạn 2021 - 2025 với những phần việc trọng tâm, trọng điểm. Đó là tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp gắn với tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt… Quan trọng nhất, tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình MTQG 1719 gắn với thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng cũng như kịp thời tổng hợp và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. Song song đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở các cấp, các ngành và địa phương phải thường xuyên, chặt chẽ.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi-dong-bo-giai-phap-khai-thong-nhung-diem-nghen-i365693/