Bài cuối: Cần các thiết chế phục vụ người lao động

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến đời sống công nhân lao động đã được ban hành, đạt một số kết quả. Trong đó, Hà Nội là địa phương đi đầu triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật lao động, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân. Tuy vậy, để giải quyết các khó khăn, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân đòi hỏi các cấp, ngành cần tích cực trong xây dựng các thiết chế phục vụ đúng nhu cầu của người lao động

.

Niềm vui của người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Khu công nghiệp Thăng Long khi được nhận vé xe miễn phí về quê đón Tết.Ảnh: Nhật Nam

Những nỗ lực của Công đoàn

Trên bình diện chung, TP Hà Nội luôn xác định chăm lo đời sống công nhân lao động (CNLĐ) là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, do đó đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo nghề, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh cho người lao động có thu nhập thấp... Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó khu nhà ở cho công nhân KCN Thăng Long là mô hình kiểu mẫu, với 28 đơn nguyên, cung cấp 11,5 nghìn chỗ ở và hiện đã có 7,5 nghìn công nhân vào ở. Ngoài ra, KCN Thạch Thất - Quốc Oai có khu nhà cung cấp trên 4,2 nghìn chỗ ở cho công nhân và KCN Phú Nghĩa với 800 chỗ ở cho công nhân.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp được các ngành chức năng của thành phố triển khai quyết liệt, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Qua kiểm tra, thành phố đã truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH; giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích cho CNLĐ.

Hằng năm, UBND và Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ trong các KCN-KCX; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị chính đáng của CNLĐ. Gần đây nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đối thoại, trực tiếp trả lời 33 kiến nghị của CNLĐ và doanh nghiệp. Nội dung tập trung vào các vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa công nhân, khu vui chơi cho trẻ em, bệnh viện, nhà xã hội cho CNLĐ; giá điện, nước sinh hoạt; vấn đề môi trường; công tác an ninh trật tự; việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động…

Đặc biệt, năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, các cấp Công đoàn thành phố đã thăm hỏi, trợ cấp cho hơn 38.000 công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 28 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức chương trình "Tết sum vầy" tại khu nhà ở xã hội thuộc KCN Bắc Thăng Long cho hơn 800 công nhân; tổ chức 716 chuyến xe đưa hơn 28.000 công nhân về quê đón Tết. Cuối tháng 4-2017, Tháng Công nhân cũng chính thức được phát động nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, hỗ trợ xây nhà ở và các thiết chế nhà trẻ cho con công nhân, điểm sinh hoạt văn hóa CNLĐ… nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động.

Vẫn còn chưa đủ...

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, hiện mới chỉ có gần 20% nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các KCN được đáp ứng; tình hình việc làm, thu nhập của công nhân tại một số doanh nghiệp chưa bảo đảm ; hạ tầng xã hội tại một số khu nhà ở công nhân chưa đáp ứng; chưa kể, mức lương chỉ đáp ứng được 78 - 83% mức sống tối thiểu…

Để giải quyết vấn đề nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, ngày 24-4-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về “Triển khai công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ tại các KCN trên địa bàn”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ CNLĐ tại các KCN; xây dựng mô hình thí điểm tại 1-2 KCN lớn của thành phố; xây mới và hoàn thiện một số thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN; Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh, Phú Nghĩa… Đây là những điều kiện căn bản để CNLĐ cải thiện đời sống tinh thần.

Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các ngành chức năng rà soát quy hoạch các KCN tập trung, đối với các khu mới nhất thiết phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, cùng với đó là hạ tầng xã hội như chợ, trường học, các thiết chế văn hóa. Đặc biệt, đối với số lượng lớn công nhân đang sinh sống trong các khu dân cư, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra để bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cho công nhân. Theo nguyện vọng của CNLĐ ở các KCN-KCX, thành phố có kế hoạch sẽ xây dựng, bố trí đáp ứng được tối thiểu 50% nhu cầu chỗ ở cho lực lượng lao động này.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, để tạo chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao đời sống của CNLĐ cần đẩy mạnh việc huy động, phối hợp các nguồn lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, Công đoàn và toàn xã hội. Khi đó, hàng trăm nghìn CNLĐ sẽ được hưởng thụ đời sống vật chất - văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Linh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/867973/bai-cuoi-can-cac-thiet-che-phuc-vu-nguoi-lao-dong