Bài 7: Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải-Gập ghềnh con đường xã hội hóa

Người Hà Nội quyết tẩy trừ tệ đổ rác ra đường:

Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực vận tải công cộng, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường... là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt xã hội hóa sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, giảm chi ngân sách... và người dân có quyền lựa chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất. Công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị số 1 (Công ty Môi trường đô thị Hà Nội) thu gom rác thải trên phố Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Trung Kiên Thế nhưng, do khó khăn về tiếp cận các nguồn vốn, thiếu cơ chế khuyến khích... mà 10 năm qua, dù rất tích cực triển khai xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nhưng số doanh nghiệp tư nhân tham gia vẫn chỉ đếm được... trên đầu ngón tay. Nhọc nhằn doanh nghiệp tư nhân Trò chuyện với chúng tôi mà ông Tô Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long như ngồi trên đồng lửa. "Giám đốc chúng tôi đang đi dự một cuộc họp rất quan trọng bàn về định mức giá" - ông Tùng nói - "Trước đây, TP tính định mức 2 công/1km đường phố chính, có tên và tính đều cho các loại hình doanh nghiệp, nay chủ trương tính lại, chỉ các phố cổ, phố văn minh thương mại là giữ nguyên mức tính này, còn lại được tính 1 công/1km. Tính kiểu này rất thiệt cho các đơn vị xã hội hóa, vì hầu hết các phố "2 công" nằm trong 4 quận nội thành, thuộc địa bàn của đơn vị công lập. Không biết TP sẽ quyết thế nào?". Ông Tùng cho biết, cùng là đấu thầu hay đặt hàng cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, nhưng đơn giá các hạng mục của các công ty tư nhân bao giờ cũng phải giảm ít là 5-7%, nhiều là 14% so với các đơn vị của Nhà nước. Tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn nhất, điều luôn làm đau đầu lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân là việc tìm cách tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất. Ngay từ đầu năm 2009 này, công ty ông Tùng xin vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển 10 tỷ đồng, chạy đi chạy lại nhiều lần, nhưng hễ lần nào mang hồ sơ đến, bên ngân hàng đều "nhã nhặn" thông báo là vẫn còn thiếu một số giấy tờ cần thiết. Loanh quanh gần hết năm, không có tiền chi trả lương cho công nhân, sốt ruột quá công ty đành phải đôn đáo tìm vay của các ngân hàng khác với lãi suất không "dễ chịu" chút nào. Cùng tâm trạng như ông Tùng, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Tây Đô cũng cho biết, hiện nay đơn giá của Nhà nước áp cho các đơn vị cổ phần trong lĩnh vực vệ sinh môi trường là bất hợp lý. Hiện các đơn vị phải chịu quyết toán theo đơn giá từ năm 2005, lúc đó lương cơ bản là 290 nghìn đồng và nhiên liệu là 6.240 đồng/1 lít dầu, nay lương cơ bản đã là 640 nghìn đồng và dầu đã tăng hơn 13 nghìn đồng/lít. Với đơn giá lỗi thời này, các đơn vị chỉ đủ chi phí làm được mỗi việc rửa đường, không đủ cho thu gom, vận chuyển rác. Chính vì phải xoay xỏa trong "tấm áo chật" mà thu nhập của CBCNV các doanh nghiệp xã hội hóa thường thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp vốn Nhà nước. Ông Tùng tâm sự, vì mức lương quá thấp, từ đầu năm đến nay đã có hơn 30 công nhân của công ty ông xin nghỉ và chuyển sang các đơn vị khác. Khó khăn nữa với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở Hà Nội là việc thu phí vệ sinh. Hầu hết địa bàn các doanh nghiệp xã hội hóa đang quản lý (hơn 70% diện tích) nằm ở ngoại đô, theo quy định mới, Nhà nước chỉ thanh toán tiền vệ sinh các tuyến phố chính, còn đường làng, ngõ xóm doanh nghiệp phải tự cân đối thông qua thu phí vệ sinh của người dân. Nếu như trong 4 quận nội thành, việc thu phí vệ sinh các hộ dân trên địa bàn thường đạt từ 80-90%, thì ở ngoại đô, giỏi lắm cũng chỉ thu được 70%. Không phải là nhiệm vụ... bất khả thi 16h ngày 24-10, khi đang hoàn thành bài viết này, chúng tôi nhận được điện thoại của ông Tô Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long. Ông phấn khởi thông báo, thành phố vẫn giữ nguyên đơn giá "2 công" trên các tuyến phố chính, có tên cho các đơn vị xã hội hóa. Ông Tùng mong muốn báo Hànôịmới tiếp tục đi tiên phong trong tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và tẩy trừ tệ đổ rác ra đường Cách Hà Nội không xa, tỉnh Lạng Sơn có Công ty TNHH Huy Hoàng là đơn vị tư nhân đảm nhận vệ sinh môi trường trên địa bàn theo hình thức giao thầu. Trước đây, rác thải ở nơi công cộng, cơ quan, trường học và các ngõ xóm ở thành phố Lạng Sơn do đội Quản lý công trình đô thị thu gom, dù cố gắng lắm công nhân của đội cũng chỉ thu được phần nhỏ, rác tồn đọng lại rất nhiều, tình hình chỉ cải thiện từ khi có Công ty Huy Hoàng. Được sự quan tâm thường xuyên của tỉnh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng trong sản xuất, kinh doanh, phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, chất lượng dịch vụ của Công ty Huy Hoàng ngày càng được nâng lên. Rác thải được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến nơi tập kết một cách nhanh chóng, làm cho các đường phố, ngõ xóm, nơi công cộng luôn sạch sẽ, lượng rác tồn đọng giảm rõ rệt. Bãi đổ rác tập trung được công ty đưa ra xa trung tâm thành phố và có những thiết bị xử lý ban đầu, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Không những thế, công ty còn tận dụng bãi rác đã chôn lấp để trồng trên 70ha rừng với nhiều loại cây có giá trị cao như hồi, thông, trám... kết hợp với nuôi hươu và xây nhà nghỉ, tạo thêm một điểm du lịch sinh thái cho thành phố. Có thể khẳng định đây là một mô hình xã hội hóa thực sự có hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường. Ngoài Công ty Huy Hoàng ở Lạng Sơn, còn khá nhiều đơn vị làm dịch vụ môi trường khác ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam... được địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên hoạt động rất hiệu quả. Một số tỉnh đã mạnh dạn xây dựng cơ chế, cho ra đời các mô hình thu gom, xử lý rác dân lập, do các xã, phường, thị trấn tự quản như ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... Vẫn biết là đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường là mang nặng tính dịch vụ công ích và nhạy cảm, có rất nhiều khó khăn, nhưng bài học thành công của Công ty Huy Hoàng cho thấy, nếu chính quyền địa phương thực sự vào cuộc thì việc mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải không phải là nhiệm vụ... bất khả thi. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các viện nghiên cứu kinh tế phát triển, không chỉ có ở Hà Nội mà tại nhiều địa phương khác trong cả nước, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực vệ sinh môi trường triển khai rất chậm và hiệu quả không cao. Lý do là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý cho việc thực hiện chuyển giao dịch vụ vệ sinh môi trường; thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào vệ sinh môi trường. Quay lại chuyện thu gom rác thải sinh hoạt của Hà Nội. Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân, nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý rác, cũng như tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của CBCNV các doanh nghiệp vốn nhà nước, trong thời gian tới, nếu thành phố không đẩy mạnh hơn nữa tốc độ thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế cho thu gom, vận chuyển rác, thì tình trạng Hà Nội đang ngập trong rác như hiện nay khó có thể giải quyết được một cách triệt để và nhanh chóng. Bài 1: Thói quen đáng xấu hổ Bài 2: Nghịch lý giữa Thủ đo văn hiến Bài 3: Kiểu "đánh trống bỏ dùi" Bài 4: Từ văn bản đến đời sống Bài 5: Hệ thống thu gom rác thải: Nhiều nhược điểm cố hữu Bài 6: Nan giải chuyện "đầu ra" Theo HNMO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/93565/Default.aspx