Bài 4: Quốc hội Việt Nam ghi đậm dấu ấn với bạn bè quốc tế (Tiếp theo và hết)

Năm 2023, Quốc hội Việt Nam có nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại. Những sáng kiến, đổi mới mà Việt Nam đề xuất, đóng góp tại các diễn đàn nghị viện đa phương đều được ghi nhận, trở thành văn kiện hoặc một phần của văn kiện chung được thông qua tại các diễn đàn, ghi đậm dấu ấn với bạn bè quốc tế. Các hoạt động hợp tác nghị song phương với quốc hội/nghị viện các nước cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới thực chất, hiệu quả hơn.

Niềm tự hào Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương

Năm 2023, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức ở Việt Nam đã để lại dấu ấn rất sâu đậm với bạn bè quốc tế cả về sự chuẩn bị chu đáo cũng như công tác tổ chức chuyên nghiệp, sự nồng hậu, mến khách của Việt Nam, đặc biệt là những sáng kiến mang tính khởi xướng và dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất mà nước ta đăng cai tổ chức trong năm 2023, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Hội nghị đã thành công rất tốt đẹp, thu hút số lượng các đoàn và số lượng đại biểu tham dự cao nhất trong lịch sử 9 lần tổ chức.

Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổng thư ký IPU, các đoàn và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị đều đánh giá rất cao sự chuẩn bị chu đáo, công tác tổ chức rất chuyên nghiệp của nước ta; sự nồng hậu, mến khách của người dân Việt Nam và những sáng kiến mà Quốc hội Việt Nam đưa ra tại hội nghị. Sáng kiến của Việt Nam thể hiện rất rõ từ chủ đề của hội nghị là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” cho tới nội dung của các phiên thảo luận chuyên đề. Đặc biệt, với sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu ra một bản tuyên bố hội nghị. Bản tuyên bố ấy đã được gửi tới Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và được ghi nhận, đánh giá cao.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nói một câu rất hình ảnh và cũng rất sâu sắc là "chẳng có gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống, ngoại trừ mưa". Ý muốn nói rằng thành công rực rỡ của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 không phải tự nhiên có được. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vì mục tiêu chung của các đoàn đại biểu và đặc biệt là của công tác chuẩn bị, công tác tổ chức, những sáng kiến của Việt Nam. Với ấn tượng mạnh mẽ như vậy, Chủ tịch IPU đã vận động nước ta đăng cai Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới năm 2025, mặc dù theo thông lệ từ trước tới nay, hội nghị này chỉ được tổ chức ở những nước có đặt trụ sở hoặc chi nhánh của Liên hợp quốc.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco đánh giá rất cao vai trò của Quốc hội Việt Nam.

Kết quả của hội nghị góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam và Việt Nam trên trường quốc tế, lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, thân thiện, sẵn sàng làm bạn và luôn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các đoàn đều đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại diễn đàn này nói riêng và các diễn đàn nghị viện đa phương khác nói chung. Đây không chỉ là niềm tự hào của Quốc hội, mà còn là niềm tự hào chung của cả nước ta.

Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần đầu tiên được tổ chức tại Vientiane, Lào trong tháng 12-2023 theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam được coi là một mảnh ghép hoàn hảo cho sự hợp tác của 3 nước Đông Dương.

Ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam có chung vận mệnh, cùng "chung lưng đấu cật" trải qua những thời khắc cam go trong lịch sử để có được hòa bình, ổn định, phát triển như hôm nay. Ba nước cũng đã có các cơ chế hợp tác cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam của ba người đứng đầu ba Đảng; ba Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội Campuchia, Lào.

Tháng 12-2023, Hội nghị cấp cao đầu tiên của 3 Quốc hội được tổ chức tại Vientiane, Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith so sánh 3 cơ chế hợp tác cấp cao giữa 3 nước là "kiềng ba chân", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước CLV đã hoàn thiện đỉnh thứ ba của tam giác hợp tác CLV. Việc hoàn thiện 3 cơ chế hợp tác ở cấp cao nhất chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt giữa 3 quốc gia, 3 dân tộc, hỗ trợ nhau cùng phát triển như câu nói nổi tiếng của người Việt Nam: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Đây sẽ là yếu tố "bất biến" để ứng phó với "vạn biến" của tình hình khu vực và thế giới.

Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Vientiane.

Bên cạnh các nội dung làm việc của 3 Chủ tịch Quốc hội, hội nghị có cả phiên họp cấp ủy ban chuyên môn, thu hút sự tham gia của không chỉ các Chủ nhiệm ủy ban, đại biểu Quốc hội, mà còn của các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương thuộc khu vực tam giác phát triển CLV.

Kết quả hội nghị là một bản tuyên bố rất cụ thể, chi tiết đã được thông qua, tạo cơ sở để 3 Quốc hội tăng cường hợp tác ở cấp cao nhất và các cấp, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, nhất là trong việc tạo lập khung khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác giữa ba nước, phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã được ký kết giữa 3 nước, góp phần xây dựng khu vực tam giác phát triển CLV cũng như thúc đẩy sự phát triển của cả ba nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mỗi nước. Tuyên bố hội nghị cũng tạo cơ sở để 3 Quốc hội góp phần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế CLV đến 2030 và Kế hoạch tăng cường du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Trước đó, đoàn Quốc hội Việt Nam cũng có nhiều sáng kiến, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44) tại Jakarta, Indonesia.

Tại AIPA-44, đoàn Quốc hội Việt Nam đề xuất 3 nghị quyết, đồng bảo trợ nhiều nghị quyết khác và đều nhận được sự ủng hộ cao của nghị viện các nước thành viên, được thông qua, trở thành văn kiện chính thức của AIPA-44. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng nêu ra 5 đề xuất quan trọng nhằm xây dựng một ASEAN - một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng, "biến nguy thành cơ", hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững. Năm đề xuất ấy cũng được đánh giá cao và được lựa chọn lồng ghép vào các nội dung của tuyên bố chung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất.

Nhộn nhịp ngoại giao nghị viện song phương

Năm 2023 có rất nhiều đoàn nghị viện/quốc hội các nước sang thăm chính thức, thăm làm việc tại Việt Nam. Điều đó cho thấy rất rõ sự coi trọng của các nước trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Năm 2023 là năm rất nhộn nhịp của đối ngoại Quốc hội. Riêng cấp Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện đã có hàng chục đoàn sang thăm chính thức Việt Nam. Cùng với đó là rất nhiều đoàn cấp phó chủ tịch Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các ủy ban chuyên môn, các đoàn nghị sĩ, nhóm nghị sĩ hữu nghị. Thành phần đoàn cấp Chủ tịch sang thăm chính thức Việt Nam bao gồm nhiều thành viên lãnh đạo cấp cao của phía bạn, trong đó có đoàn có cả Phó chủ tịch thứ nhất, Phó chủ tịch thứ hai tham gia; nhiều đoàn có sự tham gia của các vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ, thứ trưởng các bộ...

Các đoàn nghị viện/quốc hội sang thăm Việt Nam nhộn nhịp như vậy cho thấy các nước rất coi trọng, mong muốn và quyết tâm phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ qua kết quả cụ thể của các cuộc hội đàm, hội kiến, trao đổi về chuyên môn. Các đoàn khi sang thăm Việt Nam cũng đều bày tỏ ngạc nhiên, đánh giá rất cao thành tựu phát triển của nước ta, nhất là sự năng động và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, sự ổn định và yên bình của xã hội Việt Nam. Qua đó, hình ảnh tích cực về đất nước, con người Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Thái Lan.

Trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cuba, Argentina, Đông Uruguay, Indonesia, Iran, Bangladesh, Bulgaria, Thái Lan; thăm làm việc tại Lào... Các chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn trong năm 2023 đều hướng tới củng cố, phát triển quan hệ với các nước bạn bè, đối tác truyền thống, quan trọng của nước ta trong khu vực và trên thế giới.

Trong các chuyến thăm ấy, bên cạnh việc hội đàm với người đồng cấp, Chủ tịch Quốc hội nước ta cũng hội kiến với hầu hết lãnh đạo cấp cao của nước bạn. Kết quả cụ thể không chỉ được thể hiện qua các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội nước ta với quốc hội/nghị viện bạn, mà còn thể hiện rất rõ qua những cam kết, khẳng định của nước bạn về việc tiếp tục ưu tiên củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng, đưa quan hệ đầu tư, thương mại phát triển ngang với tầm vóc quan hệ về chính trị, ngoại giao giữa nước ta với nước bạn.

"Chúng tôi rất xúc động trước sự đón tiếp rất trọng thị, ấm áp và được dành những nghi thức đón tiếp chưa từng có tiền lệ từ phía các nước bạn, như nghi thức đón tiếp, chiêu đãi dành cho nguyên thủ quốc gia; có Phó chủ tịch Quốc hội/Nghị viện ra tận chân cầu thang máy bay đón, tham gia hầu hết các hoạt động của đoàn ta; có Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện của nước bạn cùng tham gia, đồng chủ trì nhiều hoạt động với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan cũng dành ưu ái đặc biệt khi tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - đây là lần đầu tiên Nhà vua, Hoàng hậu Thái Lan tiếp một Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện nước ngoài. Điều đó cho thấy rất rõ: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay-đúng như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Kết quả công tác đối ngoại của Quốc hội trong năm 2023 được bạn bè quốc tế cũng như cử tri, nhân dân và các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước ta ghi nhận, đánh giá cao. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và trong cuộc gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đều đánh giá rất cao kết quả công tác đối ngoại Quốc hội của nước ta.

Theo đánh giá chung, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất, phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng - vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhất là của Chủ tịch và các Phó chủ tịch Quốc hội, đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu và là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia...

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-4-quoc-hoi-viet-nam-ghi-dam-dau-an-voi-ban-be-quoc-te-tiep-theo-va-het-764492