Bài 3: Vượt qua khó khăn, vươn tới những kỳ vọng mới (tiếp theo và hết)

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 tại Hà Nội còn không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi phải quyết liệt, linh hoạt hơn nữa của các cơ quan chức năng; cùng với đó là chủ động triển khai các dự án để 'đón' Vành đai 4, thêm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

 Ban Chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án

Ban Chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án

Tập trung gỡ vướng

Đối với huyện Hoài Đức, khó khăn lớn nhất hiện nay là di dời hàng trăm ngôi mộ còn lại, chủ yếu thuộc 2 nghĩa trang phải giải phóng mặt bằng hoàn toàn và xây dựng nghĩa trang mới. Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi là các mộ này đều là mộ lâu năm, không phải mộ hung táng. Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh khẳng định: “Có nghĩa trang là chúng tôi sẽ di chuyển mộ được ngay”. Về mốc tiến độ ngày 30-6-2023, lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết sẽ bàn giao được khoảng 82% tổng mặt bằng cho thành phố.

Để công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 đảm bảo tiến độ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoài Đức yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, đặc biệt người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành triển khai các dự án chỉnh trang, cải tạo, mở rộng các nghĩa trang nhân dân hiện trạng và công tác tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân an cư, ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh cũng lưu ý các xã cần quản lý chặt chẽ diện tích đất người dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng, không để người dân tái sản xuất trong phần đất thực hiện Dự án. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhất trí, chủ động trong việc di dời mộ chí, bàn giao đất thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết.

 Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh (giữa) khảo sát vị trí dự án chỉnh trang, cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Lao, xã Đông La.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh (giữa) khảo sát vị trí dự án chỉnh trang, cải tạo, mở rộng nghĩa trang nhân dân thôn Đông Lao, xã Đông La.

Trong quản lý mặt bằng, không để tái lấn chiếm, huyện Đan Phượng cũng có cách làm sáng tạo, chặt chẽ là sau khi giải phóng mặt bằng, cùng với việc lập hồ sơ, lực lượng chức năng của huyện còn tổ chức quay phim bằng flycam ghi nhận hiện trạng làm căn cứ để quản lý, xử lý vi phạm.

Tại quận Hà Đông, khó khăn chủ yếu liên quan đến Dự án cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện nghĩa trang tại Tổ dân phố số 9 (phường Yên Nghĩa) để di dời các mộ trong nghĩa trang cùng trên địa bàn phường này và tiến độ hoàn thành Khu tái định cư cho các hộ có đất ở trên địa bàn quận đang triển khai tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, tại địa phương, hiện có 121 hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại sau thu hồi là 3.190m2, có nguyện vọng đề nghị Nhà nước thu hồi nốt. Bởi diện tích đất còn lại sau thu hồi của các hộ dân nhỏ hơn 50m2 hoặc lớn hơn 50m2 nhưng thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”. Cá biệt, có những trường hợp, thửa đất có mặt tiền rộng 30-40m nhưng chiều sâu so với chỉ giới thu hồi chỉ khoảng 1,5-2m. Tuy nhiên, theo quy định của Thành phố hiện chỉ cho phép UBND các quận, huyện được phép thu hồi phần diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2, chéo méo, khó canh tác còn thừa lại sau khi đã thu hồi theo quy định trên nguyên tắc các quận, huyện phải phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo quy định và chỉ giới thu hồi đất xen kẹt, chéo, méo giao cho địa phương quản lý…

Theo đồng chí Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo quy định; đảm bảo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, di chuyển mộ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục; tiến hành lập biên bản, ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo điều 71 Luật đất đai đối với những trường hợp cố tình chống đối, không nhận kinh phí bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng (nếu có).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, quá trình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định quy chủ và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích... Tuy nhiên, các khó khăn, vướng mắc với diện tích khoảng 2,3ha liên quan đến trên 50 hộ gia đình, cá nhân đang được huyện từng bước tháo gỡ, giải quyết triệt để.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Dù còn không ít khó khăn, nhưng thuận lợi lớn là đến thời điểm này, người dân đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án Vành đai 4 của Thành phố; sẵn sàng nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Những vấn đề người dân kiến nghị về công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, bố trí tái định cư phù hợp cũng đang được thành phố cùng các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ.

Từ những vướng mắc phát sinh tại địa phương, các quận, huyện kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND thành phố cho phép UBND quận, huyện chủ động thu hồi diện tích đất chéo, méo, khó canh tác, có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng theo kết quả trích đo địa chính thửa đất đã lập trong hồ sơ dự án mà không phải xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố… Cùng với đó là tăng tiền hỗ trợ với việc di chuyển mộ chưa cải táng; có giải pháp với hộ có diện tích thu hồi đất ở lớn nhưng gia đình chưa tách hộ, tách thửa…

Nắm bắt cơ hội phát triển

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị các dự án đón đầu đường Vành đai 4, bởi khi hoàn thành, tuyến đường được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo các chuyên gia, tuyến đường vận hành cũng sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến, tác động toàn diện các mặt kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, với tác động đầu tiên về mặt giao thông, đường Vành đai 4 sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, logistics và nâng cao giá trị các hành lang ven đường; tạo tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cũng như các tỉnh được hưởng lợi từ tuyến đường. Dự báo GRDP sẽ tăng 0,3-0,7%.

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, sau khi dự án đường Vành đai 4 hoàn thành, việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn sẽ thuận lợi hơn, mang lại lợi thế phát triển to lớn cho Hoài Đức trong bối cảnh huyện đang hoàn thiện các tiêu chí phát triển lên quận. Chính vì vậy, song hành với việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ những lợi ích mà dự án mang lại, huyện đã quyết định dành 2 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng để đấu giá đất làm địa điểm bố trí tái định cư phục vụ dự án. “Vị trí của các lô đất tái định cư đẹp, giao thông thuận lợi và có giá trị kinh tế cao đã giúp các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất yên tâm chuyển đến vị trí ở mới, không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo”, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường nhìn nhận.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhận định: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Tuyến đường sẽ thúc đẩy kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế làng nghề… qua đó, tạo động lực cho tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện theo tiêu chí đô thị.

Nhận định đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ hình thành không gian phát triển mới cho huyện Mê Linh theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch..., Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hay, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá cho các loại nông sản chủ lực của huyện hiện đang có lợi thế trên thị trường như hoa, cây cảnh; các loại rau, củ, quả...

UBND thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất các khu nhà ở xã hội độc lập dọc theo đường Vành đai 4 và các vị trí khác trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, thành phố giao UBND cấp huyện nghiên cứu lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Thành phố đang quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các cửa ngõ vào Thủ đô, tại khu vực xung quanh bố trí các cơ sở chế biến nông sản và trong vùng lõi đô thị sẽ hình thành các trung tâm đầu mối triển lãm, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, qua đó hình thành những chuỗi giá trị nông sản đáp ứng mục tiêu phát triển mới ở khu vực nông thôn.

 Phối cảnh đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô

Phối cảnh đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô

Khi kiểm tra thực địa tại các địa phương nơi có dự án đi qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến kiến nghị của người dân trên địa bàn, nơi có dự án đi qua. Đồng chí Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn và biểu dương các hộ gia đình ở bảy quận, huyện đã ủng hộ, đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước về triển khai dự án quan trọng này. Đồng chí nhấn mạnh, sự hy sinh của bà con nhường một phần đất ở, đất canh tác và chủ động di dời phần mộ của người thân để bàn giao mặt bằng cho dự án là biểu hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân vì lợi ích chung, vì sự phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước.

Bí thư Thành ủy tin tưởng, trên cơ sở đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân, Thành phố sẽ quyết tâm với ý chí cao nhất để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, về đích đúng kế hoạch, qua đó khơi dậy sự phát triển chung của Vùng Thủ đô, trước hết là những địa bàn nơi dự án đi qua.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-vuot-qua-kho-khan-vuon-toi-nhung-ky-vong-moi-tiep-theo-va-het-721809