Bài 3: 'Lợi ích nhóm' ở Gia Lai dần hé lộ

Đằng sau việc chuyển đổi 100 nghìn hecta rừng ở Tây Nguyên Bài 2: “Tháo khoán” đất rừng cho doanh nghiệp

Như Báo Xây dựng đã phản ánh ở 2 kỳ trước, việc chuyển đổi 51.000ha rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai dù nhận được sự đồng ý của Chính phủ cho phát triển chuyển đất trồng cao su nhưng có một thực tế là các doanh nghiệp đi trồng cao su vì môi trường và lợi ích của người dân thì ít mà mục đích lấy gỗ thì nhiều. Bởi vậy mới có chuyện “bất chấp” các tiêu chí để xin “khoanh rừng” và chặt phá…. 10 năm qua, kể từ ngày đưa chương trình 100.000ha rừng vào kế hoạch phát triển kinh tế. Tây Nguyên đạt được những gì hay vẫn “đói nghèo” xơ xác?

Gỗ to, nhỏ đều bị chặt hạ hết.

Khoanh dự án, bất chấp tất cả

Trong các tài liệu mà phóng viên có được, lần dở về các hội nghị họp bàn, phần đa là có vấn đề nhưng các cơ quan bất chấp vẫn làm.

Điển hình như tại Hội nghị triển khai Thông tư hướng dẫn chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (Đak Lak). Các tỉnh khu vực Tây Nguyên và cơ quan chức năng đã thống nhất những quy định, tiêu chuẩn và nguyên tắc cụ thể trong việc chuyển đất rừng, đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Theo đó, quy hoạch vùng trồng mới cao su trên những diện tích đất rừng chuyển đổi cần phải căn cứ vào các yêu cầu sinh thái, phân hạng mức độ thích nghi đất đai cho cây cao su như: ở độ cao dưới 700m so với mực nước biển; có độ dốc dưới 30 độ; tầng đất dày tối thiểu 0,7m; độ sâu mực nước ngầm dưới 1,2m; không bị ngập úng khi có mưa và thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt, khi trồng phải được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm các điều kiện để thâm canh, chống xói mòn.

Song, tại Gia Lai, việc giao đất cho doanh nghiệp trồng cao su mà không căn cứ vào các yêu cầu sinh thái là điều lạ thứ nhất. Cty TNHH MTV Hoàn Mỹ (TP.HCM) được UBND tỉnh Gia Lai giao 78,5ha tại tiểu khu 554, xã Trang, huyện Đak Đoa. Tuy nhiên, tất cả diện tích này đều ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, không thích hợp để trồng cao su. Chẳng hiểu vì đâu, diện tích rừng tiểu khu 554 vẫn được doanh nghiệp này chấp thuận chuyển sang trồng cao su.

Khi tác nghiệp ở đây, phóng viên được người dân địa phương cho biết: nguyên nhân của việc bất chấp quy ước độ cao này mà UBND tỉnh Gia Lai vẫn phê duyệt cho doanh nghiệp vào “xóa rừng nghèo” để trồng cao su thực chất vẫn chỉ là mục đích khai thác gỗ. Các quả đồi, cao nguyên càng cao, diện tích rừng càng lớn thì gỗ càng nhiều. Còn thực tế số lượng gỗ có bao nhiêu, trước khi khai thác có kiểm đếm của kiểm lâm hay không, có đóng thuế hay không… thì đúng là chỉ có Sở NN&PTNT Gia Lai mới biết, hoặc Chi cục kiểm lâm mới rõ nhưng số liệu thì các cơ quan này đều “úp mở, không cung cấp…”.

Phần đa cán bộ xuống địa bàn chỉ kiểm tra qua loa.

Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi ở các dự án này: Có hay không việc bất chấp các quy định của pháp luật mà lơ đi để giao đất khai thác rừng? Có lợi ích nhóm ở việc cố ý làm trái các quy định của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thời kỳ này hay không?

Vung tay làm liều

Sau khi nhận được chủ trương, các cơ quan liên quan là Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã tiến hành khảo sát các diện tích rừng nghèo làm căn cứ trình UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp khai hoang trồng cao su. Diện tích và địa điểm các huyện có rừng được phép chuyển đổi mục đích được HĐND tỉnh đưa vào Nghị quyết. Thế nhưng khi tham mưu cho UBND tỉnh, các cơ quan chủ quản đã “quên” Nghị quyết này khi giao những diện tích đất không nằm trong khu vực được phép chuyển đổi cho các doanh nghiệp và “liều mạng” hơn là cứ làm cho xong. Điển hình như tại huyện Ia Pa, do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng đặc trưng, Nghị quyết HĐND tỉnh chỉ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng một số cây công nghiệp ngắn ngày, thế nhưng UBND tỉnh vẫn giao đất cho Cty CP Hoàng Anh-Gia Lai tại xã Pờ Tó với diện tích được giao là hơn 1.500ha trồng cao su, một loại cây công nghiệp dài ngày!?

Một điểm khai thác gỗ của Công ty CP Hoàng Anh – Gia Lai.

Tương tự như thế tại hai xã Ia Pnôn, Ia Kriêng, huyện Đức Cơ cũng không có trong danh mục các địa phương được giao đất để trồng cao su theo Nghị quyết của HĐND tỉnh nhưng nhiều diện tích đã được UBND tỉnh giao các doanh nghiệp mặc sức “băm vằm” tài nguyên rừng.

Bên cạnh những diện tích không có trong danh mục được HĐND tỉnh cho phép, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai giao đất ở những khu vực trùng với đất sản xuất của dân, đất quốc phòng, đất là mồ mả của người dân địa phương… nên đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người dân tại chỗ. Việc khảo sát trạng thái rừng không kỹ lưỡng đã dẫn đến nhiều hệ lụy tai hại. Nhiều doanh nghiệp không thể triển khai dự án do vướng mắc từ nhiều phía, đặc biệt là không nhận được sự đồng thuận của người dân. Tình trạng doanh nghiệp rơi vào bế tắc khi người dân đứng ra ngăn cản doanh nghiệp khai thác rừng để trồng cao su đã từng xảy ra liên tiếp ở xã Ia Blứ, huyện Chư Sê, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa…

Mạnh ai, nấy chạy

Khi “chốt cửa” cuối cùng là UBND tỉnh Gia Lai “tháo khoán” mở ra cho doanh nghiệp vào phá rừng – trồng cao su cũng là lúc xảy ra nhiều mâu thuẫn lợi ích nhóm nhất.

Trong văn bản số 76/BC-UBND của UBND huyện Chư Sê báo cáo tình hình thực hiện chủ trương giao đất cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án trồng cao su trên địa bàn huyện trong đó nhấn mạnh: Các doanh nghiệp chưa thực hiện công khai và báo cáo tiến độ thực hiện dự án cho UBND huyện, chưa phối hợp với chính quyền xã, thôn, làng trong việc tuyên truyền, vận động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân khi triển khai dự án. Vì vậy, tất cả các quá trình khai thác, tận thu gỗ khi khai hoang, thực hiện chính sách đền bù, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan khi triển khai dự án của các doanh nghiệp không được UBND huyện Chư Sê quản lý chặt chẽ, thực hiện vai trò giám sát.

Theo ông Nguyễn Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: “Hiện UBND huyện không có hồ sơ, dự án, bản đồ hiện trạng rừng của các doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất trong khi các doanh nghiệp không thông báo gì về tiến độ dự án nên việc quản lý, giám sát của UBND, HĐND huyện rất khó khăn”. Có thể nói, đây chính là kẽ hở lớn cho việc thất thoát tài nguyên rừng. Và kẻ được lợi trong việc thảm sát rừng là chính các doanh nghiệp được giao dự án. UBND tỉnh thì giao, nhưng ai giám sát họ làm gì ở đây? Chính quyền địa phương thì không biết họ làm gì trên địa bàn bởi họ bất hợp tác. Vậy ai phải canh ai?

Phần đa đất giao khoán cho các quân cửu theo kiểu tính khối, lấy tiền công. Phút chốc các doanh nghiệp lại hợp thức hóa cho lâm tặc hoạt động.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: không chỉ có huyện Chư Sê, tại nhiều địa phương khác có nhiều doanh nghiệp xúc tiến các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su như Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ… mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trước và trong quá trình thực hiện dự án hầu như không tồn tại. Có lẽ vì vậy, những bức xúc khi quyền lợi của người dân gắn với đất rừng, đất sản xuất, kiến trúc mồ mả… chưa được giải quyết thỏa đáng khiến vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động dự án của chính quyền địa phương vì thế cũng nhạt dần và đi đến bất lực.

(Còn nữa)

Thúy Hà – Nam Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/bai-3-loi-ich-nhom-o-gia-lai-dan-he-lo.html