Bài 3. Lập bản mới trên vùng biên viễn

Người Mông ơn Đảng

LCĐT - Do tập tục người Mông sinh sống biệt lập ở những vùng núi cao, biên giới, đây đa phần là khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác, địa hình hiểm trở, chia cắt, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp nên chưa thể đáp ứng việc đầu tư hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, cộng đồng người Mông nói riêng. Trước thực tế đó, Tỉnh ủy đã chủ trương chỉ đạo thực hiện dãn dân, di chuyển từ vùng khó khăn ra vùng thuận lợi, tạo cơ hội phát triển mới. Mặt khác, chính người dân sẽ là những cột mốc sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

>>> Bài 1. Kỳ tích Bản Phố

>>> Bài 2. Chuyện đánh Pháp trên đỉnh Khau Co

Viết bài ca trên vùng quê mới

“Dù thế nào tôi cũng bám trụ ở mảnh đất này, quyết không quay lại nơi ở cũ”, đó là tâm sự của anh Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Nói vậy không phải anh ghét bỏ quê hương bản quán nơi đã sinh ra mình (xã Dìn Chin, huyện Mường Khương), mà bởi vùng đất ấy được gọi là “Trường Sa cạn”. Do thiếu đất, thiếu nước, người dân chỉ có thể canh tác trên những triền đá tai mèo quanh năm khô khát, nên dù chăm chỉ đến đâu vẫn không đủ ăn. Từ chủ trương dãn dân của Tỉnh ủy, năm 2006, có 19 hộ của thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin được di chuyển sang xã A Mú Sung và lập lên thôn Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Anh Ma Seo Lằng thăm mô hình trồng cam Vinh mà chính anh là người đề xuất mua giống về cho bà con trồng.

Anh Ma Seo Lằng thăm mô hình trồng cam Vinh mà chính anh là người đề xuất mua giống về cho bà con trồng.

Anh Lằng nhớ lại: Ngày chuyển sang, tất cả các hộ đều thuộc diện đói nghèo. Nhiều hộ chưa dựng xong nhà, phải đón tết đầu tiên trên quê mới trong lán lợp cỏ gianh, nhưng mọi người đều vui vì ở đây có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, hứa hẹn mang lại cuộc đổi đời lịch sử.

Sớm nhìn thấy lợi thế của Lũng Pô cùng niềm tin vào sự chăm lo của Đảng đã tiếp thêm sức mạnh để 19 hộ người Mông vượt qua những khó khăn ban đầu. Họ nỗ lực phát cỏ, vạt đồi thành những tràn ruộng bậc thang, dẫn nước về trồng cấy. Họ trồng sắn, trồng ngô tạo thêm lương thực nên chẳng mấy chốc cái đói đã bị đẩy lùi. Trong lao động, sản xuất, giao thương, người Mông ở Lũng Pô nhận thấy hiệu quả kinh tế từ những loại cây trồng khác nên dần đưa vào thay thế diện tích trồng ngô, sắn. Điển hình là cây chuối mô, thôn hiện có hơn 80 ha, mỗi năm trừ chi phí 1 ha chuối có thể cho lãi khoảng 70 triệu đồng. Đất ở thôn không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều hộ đã đến các địa phương lân cận thuê đất trồng chuối, như gia đình anh Lù Seo Tính, thuê đất đầu tư trồng thêm 14 ha tại xã Nậm Chạc; gia đình anh Ma Seo Lằng, thuê đất trồng thêm 8 ha tại xã A Lù…

Năm 2006 từ thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương sang thôn Lũng Pô 1 có 19 hộ đều thuộc diện đói nghèo. Sau này phát triển lên thành 42 hộ, niềm vui lớn nhất là không có hộ nào thuộc diện nghèo. Từ khi sáp nhập thôn Lũng Pô 1 với Lũng Pô 2 thành thôn Lũng Pô có 78 hộ thì cũng chỉ còn 2 hộ nghèo; trên 10 hộ có thu nhập bình quân hằng năm hơn 100 triệu đồng.

Anh Ma Seo Lằng

Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát

Người Mông ở Lũng Pô 2 tích cực lao động, sản xuất lập lên những bản làng trù mật.

Người Mông ở Lũng Pô 2 tích cực lao động, sản xuất lập lên những bản làng trù mật.

Khoảng hai năm gần đây, người Mông ở thôn Lũng Pô 2 trước đây (gồm những gia đình chuyển từ Dìn Chin sang, sau khi thôn Lũng Pô 2 sáp nhập với thôn Lũng Pô 1 thành thôn Lũng Pô) bắt đầu đưa thêm cây ăn quả vào trồng, tạo sự đa dạng cho cơ cấu cây trồng và nguồn thu, trong đó có 12 ha cam Vinh, 2 ha mít Thái và 5 ha xoài. Thôn cũng thành lập hợp tác xã chế biến sản phẩm nông nghiệp A Mú Sung. Nhờ cần cù lao động và điều kiện tự nhiên thuận lợi, các hộ người Mông chuyển từ Dìn Chin sang đã có cuộc sống sung túc hơn, không còn hộ thuộc diện nghèo, một số hộ đã mua được ô tô để kinh doanh vận tải.

Những ngôi nhà mới xây khang trang của người Mông ở thôn Lũng Pô.

Những ngôi nhà mới xây khang trang của người Mông ở thôn Lũng Pô.

Tương tự, ở thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, 16 hộ người Mông ở xã Tả Gia Khâu và xã Dìn Chin chuyển sang từ năm 1993 cũng đã có cuộc sống ổn định và khá giả. Anh Sùng Sài, Bí thư Chi bộ kể: Khi mới chuyển sang đây toàn phải ăn mèn mén, nhưng đến đầu năm 1995 đã có gạo ăn thoải mái, không còn sợ đói như khi ở nơi cũ. Năm 2005, đường trục thôn được đầu tư mở mới, đến năm 2013 thôn có điện lưới, cuộc sống mới thêm bừng sáng ở nơi biên cương. Giờ đây, hộ nào trong thôn Cốc Lầy cũng trồng chuối, khoảng 40/89 hộ trồng chè; 1/3 số hộ có nhà xây, số còn lại là nhà gỗ vững chãi.

Anh Sùng Sài (người ngồi thứ 2 từ trái sang) , Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lầy kể về sự đổi thay trong cuộc sống của người Mông trong thôn.

Anh Sùng Sài (người ngồi thứ 2 từ trái sang) , Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lầy kể về sự đổi thay trong cuộc sống của người Mông trong thôn.

Không chỉ ở Lũng Pô, Cốc Lầy, mà ở tất cả các bản làng mới lập của người Mông theo chủ trương dãn dân đều có mẫu số chung về sự đổi thay mạnh mẽ. Quá trình khai phá ở vùng đất mới, để từ “không” thành “có” là cả quá trình đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, sức lực, thậm chí là cuộc đấu tranh vật vã để thích nghi với điều kiện sống mới. Cả anh Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung và anh Sùng Sài, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai đều cho rằng, nếu không có chính sách di dân, ổn định dân cư ở các xã biên giới của Thủ tướng Chính phủ mà tỉnh Lào Cai đã thực hiện những năm qua thì hàng nghìn hộ đồng bào người Mông chưa biết bao giờ mới thoát cảnh đói nghèo, chứ nói gì đến khá, giàu như hiện nay. Nhắc lại nơi mà họ cất bước ra đi, các anh cùng chung nhận định, cuộc sống của những hộ ở lại khó khăn hơn rất nhiều, mặc dù diện tích đất canh tác có phần rộng hơn do những hộ di chuyển để lại.

Chuyển động từ những chính sách

Hiệu quả từ chính sách di dân, ổn định dân cư ở các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào người Mông sinh sống ở những nơi khó khăn, biệt lập, có nguy cơ thiên tai xuống khu vực vùng thấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được khẳng định. Cùng với những chính sách lớn của Trung ương như Chương trình 135; Chương trình 135 giai đoạn 2; Quyết định 186/QĐ-TTg; Quyết định 134/QĐ-TTg; Quyết định 120/QĐ-TTg; Chương trình 30 a; Nghị quyết 37; Nghị quyết 20; các chính sách trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết việc làm… trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành các đề án lồng gắn như Đề án số 14 về “Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm là vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu giai đoạn 2011 - 2015”, Chỉ thị 35 ngày 20/9/2010 về lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn trọng điểm… Hằng năm, tỉnh cân đối, bố trí 60% - 70% tổng số vốn từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, trong đó có vùng đồng bào Mông. Đến nay, 100% xã có điện lưới và đang hướng tới mục tiêu trong năm 2020, tất cả các thôn, bản có điện lưới quốc gia; hệ thống trường, lớp học, trạm y tế được kiên cố hóa, giao thông thuận tiện; các xã có người Mông sinh sống đều có trường mầm non, tiểu học và THCS, các thôn, bản ở xa trung tâm có điểm trường; các xã có đồng người Mông đều có trường bán trú dân nuôi; 90% hộ gia đình dân tộc Mông được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn chính sách xã hội, phát triển kinh tế. Các chương trình trên không chỉ giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, mà còn giúp cho việc đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước được thuận lợi và ít tốn kém hơn.

Người Mông ở thôn Cốc Lầy trồng chè, phát triển kinh tế.

Người Mông ở thôn Cốc Lầy trồng chè, phát triển kinh tế.

Cuộc sống ở đây (thôn Cốc Lầy) khác ngày xưa rất nhiều rồi. Sướng nhất là không còn phải mất thời gian đi lấy nước về ăn như khi còn ở thôn Tả Gia Khâu, xã Tả Gia Khâu. Mình biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.

Bà Sủng Seo Mỷ

(Thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương)

(Bà Mỷ là một trong những người đầu tiên di chuyển từ thôn Tả Gia Khâu sang thôn Cốc Lầy, hiện đã 87 tuổi, là người cao tuổi nhất thôn).

Trở lại câu chuyện ở thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, những thế hệ đầu tiên sinh ra trên quê hương mới cũng giống như hạt giống được gieo trên vùng đất tốt nảy mầm, sinh sôi mạnh mẽ. Đó là trường hợp cô gái Sùng Thị Hoa (sinh năm 1996), con ông Sùng Pao đã tốt nghiệp đại học và là cô giáo dạy ở xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát; hoặc như mới đây, cậu bé Sùng Văn Chương, con trai anh Sùng Sài, Bí thư Chi bộ thôn vừa trúng tuyển đại học. Tại thôn Lũng Pô, cậu học sinh cấp 3 Ma Seo Củi theo cha xuống núi năm nào giờ đã là Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, huyện Bát Xát…

Những căn nhà kiên cố đã dần thay thế những căn nhà gỗ ở Cốc Lầy.

Những căn nhà kiên cố đã dần thay thế những căn nhà gỗ ở Cốc Lầy.

Sự bứt phá, phát triển của mỗi cá nhân cũng chính là sự đổi thay của cả cộng đồng được tạo ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ các chính sách, sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Mông, hướng tới thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng cao với vùng thấp, vùng nông thôn với đô thị. Hiệu quả từ những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, an ninh. Đó là mối quan hệ biện chứng song hành, Đảng chăm lo cho dân, dân yên tâm bám biên, giữ đất là chân lý ngàn năm vững bền của Tổ quốc.

Bài 4: Từ chủ trương đến những cán bộ cốt cán

Thành Phú - Phạm Sơn - Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-3-lap-ban-moi-tren-vung-bien-vien-z91n2020100906290655.htm