Bài 3: Hướng tới chuỗi giá trị toàn diện

Để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển cần bắt nguồn từ người dân. Họ phải sống tốt với cây luồng, cây vầu, khi đó mới đảm bảo được vùng nguyên liệu

Vẫn thiếu các tiêu chuẩn và hành lang pháp lý

Tre, trúc là một loại lâm sản ngoài gỗ, một bộ phận rất quan trọng của các hệ sinh thái rừng, nhất là rừng tự nhiên nhiệt đới. TS. Phan Văn Thắng - Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam nhận định,cây tre không chỉ là cây “ATM”, nguồn thu nhập, sinh kế của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng nông thôn miền núi, không chỉ giữ vị trí quan trọng về kinh tế mà cả về lĩnh vực văn hóa và môi trường.

Phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần hướng tới chuỗi giá trị toàn diện

Với vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, ngoài việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vùng trồng, công nghệ chế biến tre trúc, như: Ấn Độ áp dụng công nghệ sinh học - nuôi cấy invitro để tre ra hoa sớm, lấy hạt phục vụ lai giống, cải thiện giống tre và phát triển công nghệ năng lượng từ tre; Trung Quốc phát triển công nghệ chế biến tre trúc tạo ra những sản phẩm thay thế gỗ và các sản phẩm được sản xuất từ vật liệu không thân thiện với môi trường phục vụ con người.

Ở Việt Nam, tổng diện tích tre vào khoảng hơn 1,4 triệu ha, trong đó có khoảng 220.600 ha rừng tre tự nhiên thuần loài, hơn 118.900 ha rừng tre trồng, hàng năm mang lại giá trị sản xuất hàng tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu một số năm gần đây vào khoảng 250 - 350 triệu USD.

Tuy nhiên, do khai thác, sử dụng rừng tre không bền vững, nhiều diện tích tre trong tự nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt, do không có giống đạt chuẩn để gây trồng, nhiều diện tích tre gây trồng có năng suất thấp, đang bị suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu tre có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến tre ở Việt Nam.

“Trên thế giới, nhiều nước đã đưa ra các quy định về tiêu chuẩn cây giống tre đem trồng. Điển hình ở Ấn Độ, Thái Lan đã quy định tiêu chuẩn cây giống tre đem trồng cho hơn 50 loài. Ở Việt Nam, trước đây chỉ có một số quy trình nhân giống có đưa ra tiêu chuẩn cây giống tre đem trồng. Nhưng từ khi có Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, cho đến nay chưa có một Tiêu chuẩn quốc gia nào quy định về giống cây tre đạt chất lượng đem trồng”, TS. Phan Văn Thắng chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có khoảng 251 doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động sản xuất trong ngành tre, trong đó có khoảng 222 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, giá trị xuất khẩu sản phẩm từ tre bình quân đạt 83,3 triệu USD/năm.

Với quy mô thị trường toàn cầu sẽ đạt xấp xỉ 83 tỷ USD vào năm 2028, cùng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,7% thị trường cho sản phẩm từ cây tre, đây được đánh giá là ngành hàng vô cùng tiềm năng cho nông nghiệp nước ta.

Mặc dù có diện tích trồng tre cùng với các giống tre chất lượng cao ngang bằng với các quốc gia trên thế giới nhưng hiện ngành tre Việt vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng của mình. Do đó, rất cần 1 tiêu chuẩn riêng và hành lang pháp lý để phát triển ngành tre Việt Nam.

Cần hướng chuỗi giá trị toàn diện

Ngành thủ công mỹ nghệ hiện xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rất quyết liệt trong việc tiếp cận chuỗi giá trị, trong đó nguyên liệu là vấn đề đầu tiên. Tuy nhiên, để có được sự phát triển bền vững, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ, việc cùng hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, cần phát huy vai trò liên kết trong chuỗi giá trị, trong đó, doanh nghiệp cần là nhân tố trong chuỗi giá trị.

Ngành thủ công mỹ nghệ hiện xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD mỗi năm

Bên cạnh đó, cần phải đáp ứng nhanh một số yêu cầu của thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường quốc tế thay đổi liên tục. Thời điểm hiện tại, thị trường quốc tế yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của vùng nguyên liệu, nhằm tránh tình trạng chúng ta phá rừng, khai thác bất hợp pháp. Đây là những yêu cầu rất chính đáng mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi.

Tuy nhiên, yêu cầu thị trường đang thay đổi rất nhanh. Họ yêu cầu đến tháng 12 này nguyên liệu nếu không có nguồn gốc thì rất nhiều khách hàng sẽ dừng mua hàng tại Việt Nam. Do đó, rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan nhanh chóng vào cuộc cùng với các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này. “Chúng ta cần 10 nghìn ha mây có chứng chỉ rừng, việc này cần làm ngay. Nếu quyết tâm thì chỉ mất khoảng 15 - 18 tháng là chúng ta có vùng nguyên liệu này”, ông Lê Bá Ngọc đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty Bamboo King Vina cho hay,để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành tre luồng nói chung, việc triển khai mô hình chuỗi giá trị tre, luồng toàn diện trong đó nhấn mạnh vào sự phối hợp chặt chẽ giữa bốn “nhà”, bao gồm nhà nông, nhà máy, nhà nghiên cứu và Nhà nước.

Trong đó, để mô hình chuỗi giá trị tre luồng toàn diện có thể hoạt động hiệu quả, vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp là rất quan trọng.

Với sự bao hàm tất cả các tác nhân chính trong ngành tre, luồng và kế hoạch hành động được phát triển chi tiết, bám sát vào thực trạng tre, luồng của các địa phương sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc và góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng hiện nay nhiều nơi chưa xác định hết được vai trò, vị trí giá trị của cây tre. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với người trồng và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu và tiêu thụ trong nước còn rời rạc chưa tập trung, đặc biệt là xây dựng các vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, việc xây dựng chuỗi giá trị là hết sức quan trọng, trong đó, nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp.

“Người nông dân trồng tre đang bị áp lực vì có nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Nếu cây tre không có đầu ra tốt thì họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Do đó, doanh nghiệp phải tham gia cùng chính quyền địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu lớn đảm bảo cho sản xuất, chế biến, đồng thời nâng cao đời sống của người dân”, ông Trần Thanh Nam nói.

Bên cạnh xây dựng lại vùng nguyên liệu tre tập trung, ông Trần Thanh Nam cho hay, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất lên Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. Đây sẽ là một trong những tiền đề và cơ sở đầu tiên gắn kết ngành tre Việt trong giai đoạn mới này.

Ngày 18/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre. Trong thời gian tới các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đưa cây tre vào trong các kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai để đảm bảo hiệu quả, tạo chuyển biến thực sự với ngành mây tre và để cây tre mang lại giá trị thật trong đời sống hiện nay.

Để ngành nghề thủ công thực sự phát triển thì cần bắt nguồn từ người dân

Lâm sản ngoài gỗ nói chung, hay các nguyên liệu tre, luồng, vầu,… nói riêng không chỉ là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ mà còn là nguồn nguyên liệu đặc sắc có thể sử dụng trong các công trình kiến trúc với ưu điểm về độ bền, kết cấu, có thể uốn cong.

Các chuyên gia nhận định, để ngành nghề thủ công thực sự phát triển thì cần bắt nguồn từ người dân. Vấn đề cốt lõi đó là họ phải sống tốt với cây luồng, cây vầu,… Cần nâng tầm giá trị cây trồng phục vụ cho ngành thủ công mỹ nghệ. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải đạt tới. Khi đó, mới có thể đảm bảo được an ninh vùng nguyên liệu.

Và để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khác, trong giai đoạn tới, các nhà nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-huo-ng-toi-chuo-i-gia-tri-toa-n-die-n-266742.html