Bài 3: Để chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo (Tiếp theo và hết)

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, chi bộ khu dân cư (KDC) trên địa bàn TP Đà Nẵng đang đối diện với không ít khó khăn, bất cập. Do vậy, để chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ phù hợp với tình hình thực tế.

Những khó khăn, bất cập

Chi bộ Đa Mặn 2A (Đảng bộ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) có 90 đảng viên, lãnh đạo 4 tổ dân phố với 1.000 hộ dân (hơn 4.000 nhân khẩu), nhưng từ năm 2018 đến nay, chưa có đảng viên nào được kết nạp tại Chi bộ. Lý giải về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thạch, Bí thư Chi bộ nêu vấn đề: “KDC Đa Mặn 2A có dân số đông nhưng chủ yếu là cán bộ, công chức về hưu, thế hệ trẻ đi làm và chủ yếu được tạo nguồn, phát triển đảng ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học... Do vậy, tại KDC không có nguồn để phát triển đảng viên...”.

Chi bộ thôn Gò Hà (Đảng bộ xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) trong 4 năm liền (2019-2022) cũng không kết nạp được đảng viên nào. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Trần Em, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Gò Hà, chia sẻ: “5 năm trở lại đây, công tác phát triển đảng viên của Chi bộ gặp rất nhiều khó khăn. Nhân dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp, lao động phổ thông; thanh niên khi trưởng thành đa số đi học, đi làm ăn xa; số ở lại địa phương thường không ổn định công việc, động cơ phấn đấu vào Đảng chưa tích cực nên không có lực lượng để tạo nguồn phát triển đảng viên”.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ 13 An Thượng, Đảng bộ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN CÔNG

Thực tế cho thấy, việc phát triển đảng là khó khăn chung tại hầu hết các chi bộ ở KDC trên địa bàn TP Đà Nẵng. Hiện nay, đa số đoàn viên, thanh niên đang công tác dài hạn trong các cơ quan, đơn vị, hoặc là học viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng... Quần chúng ưu tú là những người hoạt động không chuyên trách ở KDC phần lớn đã lớn tuổi; còn thiếu các tiêu chí để phát triển đảng. Do không kết nạp được đảng viên mới nên nhiều chi bộ, tổ dân phố, thôn thiếu cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực để giới thiệu đảm nhiệm các chức danh ở tổ dân phố, thôn. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, nhất là đảng viên miễn sinh hoạt đảng tạm thời để đi làm ăn xa gặp khó khăn; tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng hoặc bị xóa tên trong danh sách đảng viên vẫn diễn ra khá nhiều...

Chủ trương một, biện pháp mười

Thực tế trên cho thấy, tổ chức đảng các cấp và cơ quan chức năng cần sớm triển khai giải pháp thực sự hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, bất cập từ cơ sở. Đồng chí Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1 (Đảng bộ phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đề xuất: “Nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng phấn đấu vào Đảng không nên chung chung mà cần đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Tuy việc vào Đảng không vì vụ lợi vật chất, kinh tế nhưng cũng cần có những chủ trương, chính sách để người vào Đảng cảm thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”.

Đồng chí Nguyễn Minh Dưỡng, Bí thư Chi bộ 3 An Thượng (Đảng bộ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) kiến nghị: “Các cấp ủy đảng lãnh đạo, phối hợp với các tổ chức đảng khối doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn cần tạo điều kiện cho thanh niên đang công tác ở các tổ chức này được tham gia hoạt động tại nơi thường trú để KDC có cơ sở tạo nguồn và phát triển đảng viên; trong nhiệm kỳ, nên giao tăng chỉ tiêu phát triển đảng viên cho các tổ chức trên. Đối với các đơn vị Quân đội cần quan tâm bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự để khi xuất ngũ, lực lượng này là nòng cốt cho địa phương tạo nguồn phát triển đảng viên”.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Tân Trung 2, Đảng bộ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ảnh: BÙI VĂN

Theo đồng chí Đinh Ngọc Trinh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Phong (Hòa Vang), để tạo nguồn đảng viên trẻ đảm nhiệm các chức danh ở KDC, cấp ủy, tổ chức đảng hằng năm cần giao chỉ tiêu cho các chi bộ thôn về tạo nguồn, phát triển đảng viên, trong đó tập trung phát triển đảng viên là trưởng, phó trưởng thôn, mặt trận, đoàn thể, thanh niên là bộ đội xuất ngũ... Việc giao chỉ tiêu phát triển đảng cho chi bộ KDC là cần thiết nhưng phải chú trọng công tác khảo sát, có nguồn mới đưa vào kế hoạch; không nên giao chỉ tiêu kiểu áp đặt, cào bằng.

Đề cập các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, xin ra khỏi Đảng, đồng chí Lê Thị Thanh Duyên, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn, cho rằng: "Các cấp ủy đảng cần thường xuyên quán triệt những quy định của Điều lệ Đảng, các nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhắc nhở đảng viên tự giác chấp hành; thực hiện chặt chẽ, đồng bộ các quy định về công tác quản lý đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Bên cạnh đó, cấp ủy, bí thư chủ động rà soát, lập danh sách đảng viên đi làm ăn xa, hướng dẫn chuyển sinh hoạt đảng hoặc tạm miễn sinh hoạt đảng theo quy định; tăng cường trao đổi thông tin giữa tổ chức đảng nơi đảng viên đang sinh hoạt với tổ chức đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú...".

Thực tế cho thấy, ở những địa bàn xảy ra “điểm nóng” là do chưa phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ; đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để tham mưu, xử lý kịp thời. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, bất cập, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ KDC phù hợp với tình hình mới.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay, toàn Đảng bộ TP Đà Nẵng kết nạp được 3.744 đảng viên, trong đó chỉ có 480 đảng viên được kết nạp tại các chi bộ KDC.

NGUYỄN VĂN CHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/bai-3-de-chi-bo-thuc-su-la-hat-nhan-lanh-dao-tiep-theo-va-het-745408