Bài 3: Cần thanh tra toàn diện dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước

Sau cổ phần hóa, Ban lãnh đạo Công ty CP Kinh doanh XNK Thủy sản gần như không thực hiện phương án cổ phần hóa do Bộ Thủy sản phê duyệt. Ban lãnh đạo Công ty còn bị tố tiến hành nhiều đợt tăng vốn điều lệ không nhằm mục đích kinh doanh, làm giảm nghiêm trọng vốn Nhà nước, vốn cổ đông.

Phương án cổ phần hóa Công ty Kinh doanh XNK Thủy sản được Ban lãnh đạo công ty này xây dựng trình ngày 6/10/2006, được Bộ Thủy sản phê duyệt theo Quyết định số 854/QĐ-BTS ngày 25/10/2006. Tại phần phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, Ban lãnh đạo Công ty nêu 2 danh mục đầu tư: Xây dựng Xí nghiệp tại đường Đào Trí, Quận 7 với giá trị đầu tư dự kiến 28 tỷ đồng và Dự án xây dựng nhà kho số 2 Hàm Tử, Quận 5 dự kiến giá 2 tỷ đồng.

Từ 2010, ban lãnh đạo Công ty cổ phần đã phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ nhưng không hề có phương án kinh doanh.

Ban lãnh đạo công ty còn xây dựng dự kiến kế hoạch kinh doanh từ 2007-2009 với những ngôn từ mỹ miều như: duy trì, phát triển thị trường, đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ…. trong sản xuất. Ngoài ra, còn có phương án sử dụng lao động, đào tạo lao động có tay nghề cao phục vụ cho yêu cầu giai đoạn phát triển mới.

Theo đơn của ông Nguyễn Thiện Đạo, nguyên Kế toán trưởng Công ty Kinh doanh XNK Thủy sản (chưa cổ phần), nguyên Phó Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản (sau cổ phần, nghỉ việc ngày 13/4/2010) thì ngay sau khi cổ phần hóa, Ban lãnh đạo công ty đã có dấu hiệu cố tình làm trái.

Giấy phép đăng ký kinh doanh năm 2007 nhà nước nắm giữ 20% cổ phần, tuy nhiên đến tháng 4/2023 chỉ còn 6%, nguyên nhân do nhiều đợt tăng vốn của ban lãnh đạo Công ty.

Cụ thể, ngay khi được cấp con dấu và pháp nhân công ty cổ phần ngày 22/3/2007, số tiền bán cổ phần Nhà nước được hơn 9 tỷ đồng thì ngày 9/4/2007, ông Đoàn Hữu Duy- với vai trò Tổng Giám đốc đã cùng với ông Trần Lê Minh- Chủ tịch HĐQT, lấy 8 tỷ đồng đi mua cổ phiếu mà không thông qua HĐQT công ty, Đại hội đồng cổ đông. Phần vốn Nhà nước đã bị mất ngay từ ngày đầu tiên sau cổ phần hóa. Vốn điều lệ của công ty cũng không còn để vận hành doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đạo, Ban lãnh đạo Công ty sau cổ phần không thực hiện bất cứ kế hoạch kinh doanh nào theo phương án cổ phần hóa của Bộ Thủy sản. Không những thế, họ còn bán các tài sản cố định như căn nhà số 109 Mạc Cửu, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), có dấu hiệu đưa ra ngoài sổ sách. Không triển khai kinh doanh mà chỉ dùng mặt bằng thừa hưởng từ thời doanh nghiệp Nhà nước để cho thuê thu tiền kiếm lời.

Cổ đông từ sau cổ phần hóa đến nay chưa từng được chia cổ tức, người lao động chán nản nghỉ gần như hết… Theo hồ sơ, từ năm 2007 đến 2014, công ty lỗ triền miên. Từ năm 2015 đến 2022, công mới có lãi nhỏ giọt nhưng không đáng kể. Tính đến hết năm 2023, Công ty vẫn lỗ lũy kế hơn 13,9 tỷ đồng.

Đáng nói, theo ông Đạo, dù không có bất cứ hoạt động đầu tư kinh doanh nào, hay bổ sung, sửa chữa tài sản gì nhưng từ năm 2011, năm 2013 và năm 2017, Ban lãnh đạo Công ty vẫn phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ. Bất chấp sự phản đối của người đại diện vốn nhà nước, của chính bản thân ông Đạo. Cho đến kỳ Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2023, phần vốn nhà nước Công ty CP XNK Thủy sản giảm từ 20% (2007) xuống còn 6%.

Năm 2008, người đại diện vốn nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm từ ban lãnh đạo Công ty cổ phần nhưng không giải quyết.

Vì các đợt tăng vốn điều lệ này, khiến tỷ lệ cổ phần của nhiều cổ đông khác giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thiện Đạo từ chỗ nắm giữ 23% cổ phần năm 2007, đến nay (2023) chỉ còn 3% cổ phần. Với hàng loạt khuất tất, sai phạm, tại kỳ Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2023, ông Nguyễn Thiện Đạo đề nghị minh bạch hóa nguồn thu, chi, đề nghị kiểm toán toàn bộ công ty, làm rõ phần vốn Nhà nước bị lãnh đạo Công ty lấy mua cổ phần năm 2007. Phần vốn Nhà nước có dấu hiệu bị ban lãnh đạo cố tình bỏ sót, tuy nhiên ban lãnh đạo Công ty hiện tại đã phủ quyết tất cả.

Cũng theo ông Đạo, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trích lập dự phòng nhiều khoản phải thu, phải trả số tiền lên tới hàng tỷ đồng, nhưng sau này không xác định được người thụ hưởng. Theo quy định, số tiền này phải hạch toán vào phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tăng tỷ lệ sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, theo tài liệu của phóng viên thu thập được, trong năm 2010, HĐQT Công ty Cổ phần đã thành lập Ban xử lý khác khoản tiền tồn đọng từ doanh nghiệp nhà nước, trong đó có ông Đoàn Hữu Duy - quyền Tổng Giám đốc (người lén dùng tiền Công ty mua cổ phần bên ngoài năm 2007), ông Trần Xuân Bài (Phó Tổng Giám đốc hiện tại).

Ban này đã thống nhất dùng số tiền trích lập dự phòng này đưa vào khoản thu nhập khác, sau đó chi tiêu một cách bất minh. Việc này đã bị bà Chu Thị Tuyết Hương- Chủ tịch Công đoàn Công ty phản đối gay gắt và đề nghị đưa các khoản trích lập dự phòng về Nhà nước để làm tăng phần vốn Nhà nước, nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã bỏ qua, không chấp nhận.

Ngoài ra, theo phương án cổ phần hóa được Bộ Thủy sản duyệt, Công ty có hàng chục người lao động, doanh nghiệp cổ phần sẽ phát triển lao động theo hướng đào tạo tay nghề, trình độ cao. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa người lao động liên tục bị cho nghỉ việc. Cho đến nay, ngoài ban lãnh đạo công ty thì chỉ còn 1 kế toán, 1 văn thư và 1 người lao động. Danh mục kinh doanh thủy sản bị bỏ, duy trì danh mục cho thuê nhà, đất nhưng không chia cổ tức cho cổ đông.

Tờ trình mua cổ phiếu lập ngày 4/4/2008 nhưng bị ghi lùi ngày thành ngày 3/4/2007 của ông Đoàn Hữu Duy- thời điểm giữ chức Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh XNK thủy sản.

Như vậy, với hàng loạt dấu hiệu sai phạm, trong đó liên quan đến nhiều tài sản hình thành từ nguồn vốn Nhà nước chưa được thống kê, định giá đang được ban lãnh đạo Công ty CP XNK Thủy sản quản lý, khai thác. Trong khi phần vốn Nhà nước, vốn các cổ đông khác đang bị đẩy dần xuống đáy, chỉ có một nhóm cổ đông nhỏ nhưng chiếm tỷ lệ cổ phần lớn đang điều hành Công ty một cách thiếu minh bạch.

Để bảo đảm quyền lợi nhà nước, sự tuân thủ pháp luật, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra toàn diện công ty, làm rõ những vấn đề đã nêu tại Công ty CP XNK Thủy sản, đặc biệt phần tài sản có nguồn gốc từ vốn Nhà nước.

Dấu hiệu lập giấy tờ lùi ngày để hợp thức sai phạm

Quá trình điều tra, phóng viên phát hiện nhóm cán bộ tại Công ty CP kinh doanh XNK Thủy sản có dấu hiệu lập giấy tờ giả để hợp thức các sai phạm sau khi dùng toàn bộ tiền bán cổ phần Nhà nước mua cổ phiếu doanh nghiệp bên ngoài gây mất vốn. Theo đó, ngày 9/4/2007, ông Đoàn Hữu Duy bí mật lấy 8 tỷ đồng tiền bán cổ phần tại Công ty Cổ phần An Phú không thông qua HĐQT. Khoảng 1 năm sau, ngày 4/4/2008, ông Đoàn Hữu Duy với chức danh Tổng Giám đốc đã làm tờ trình gửi Hội đồng Quản trị Công ty CP kinh doanh XNK Thủy sản xin mua cổ phiếu Công ty Cổ phần An Phú nhưng ghi lùi ngày thành ngày 3/4/2007 cho đúng quy trình, xin ý kiến trước khi mua. Ông Trần Lê Minh với vai trò Chủ tịch HĐQT đã phê “Đồng ý với tờ trình của Tổng Giám đốc”.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/bai-3-can-thanh-tra-toan-dien-dau-hieu-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-400513.html