Bài 3: 10 vấn đề cần quan tâm giải quyết các nút thắt và vướng mắc

Việc sửa đổi 2 Nghị định về kinh doanh xăng dầu bước đầu nhận được những ý kiến xác đáng, đồng thuận. Báo Công Thương phân tích 10 vấn đề còn vướng mắc.

Thứ nhất, về công thức tính giá cơ sở đối với xăng dầu

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn mà một trong những nguyên nhân chính là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Nhiều ý kiến đề nghị nên rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

Nhiều ý kiến đề nghị nên rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu

Do đó, có nhiều ý kiến đề nghị nên rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, đồng thời rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí… để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng quy định công thức giá bao gồm các yếu tố chính như giá thế giới, các loại thuế, phí bắt buộc, mức trích lập Quỹ bình ổn giá (nếu tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá) và các loại chi phí kinh doanh xăng dầu nói chung (do doanh nghiệp tự xác định và tính toán, chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm tra, kiểm toán).

Thứ hai, về điều hành giá xăng dầu

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành đã được sửa đổi giảm từ 15 ngày (theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) xuống 10 ngày (điều hành vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Việc rút ngắn thời gian điều hành điều chỉnh trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (những đơn vị trực tiếp liên quan và có kinh nghiệm mua bán xăng dầu trên thị trường). Theo đó, khoảng thời gian 10 ngày phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê… giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP cũng xác định, trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp. Thực tiễn vừa qua, trước những diễn biến của thị trường trong một số thời điểm, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành sớm giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của một số Bộ, ngành, đánh giá việc điều hành sớm trong một số giai đoạn (trước và sau Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 2/9…) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước… nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP.

Song theo tìm hiểu, thực tế cho thấy, chỉ khi giá tăng, các doanh nghiệp mới nêu mạnh vấn đề rút ngắn thời gian điều hành giá nhưng khi giá giảm, các doanh nghiệp lại có xu hướng đề xuất kéo dài thời gian điều hành giá cho nên có nhiều ý kiến cho rằng, vẫn nên giữ nguyên chu kỳ điều hành giá 10 ngày như hiện nay.

Một số kiến nghị rút ngắn thời gian điều hành song cần tính đến thực tế do thời gian để nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu...

Cũng có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi phương thức điều hành giá xăng dầu theo hướng, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).

Điều này giúp doanh nghiệp chủ động, tăng tính cạnh tranh cho thị trường xăng dầu, Nhà nước giảm dần sự can thiệp vào thị trường và tiến tới để giá xăng dầu do thị trường hoàn toàn quyết định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương án cũng cũng có khả năng phát sinh phản ứng tiêu cực khi không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán, giá xăng dầu tại các địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới và hải đảo… sẽ cao hơn, gây khó khăn cho người dân, có thể gây ra nhiều bức xúc xã hội.

Thứ ba, về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu

Mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Điều này là phù hợp vì giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước.

Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu

Hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu

Nếu có quy định về mức chiết khấu cụ thể cho các đại lý sẽ phát sinh thêm vấn đề là cần bổ sung thêm một yếu tố trong giá cơ sở, làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Để kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào các giao dịch dân sự. Do đó, nếu quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng xăng dầu…

Thứ tư, về nội dung cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn

Luật Thương mại qui định, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý. Mặt hàng xăng, dầu là hàng hóa ở thể lỏng, được chứa đựng chung tại bồn, bể, nên nếu cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát và nắm được đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng, giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng và không bảo đảm sự thống với quy định nêu trên của Luật Thương mại. Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn.

Nếu cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn (có thể giới hạn từ 2-3 nguồn), khi có tình trạng khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý.

Thứ năm, về quyền, nghĩa vụ của thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu

Hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không, hơn 300 thương nhân phân phối. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước. Loại hình thương nhân phân phối đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước song trong nhiều trường hợp, các thương nhân phân phối không được các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm trong việc duy trì, bảo đảm nguồn hàng cung cấp khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn.

Hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không, hơn 300 thương nhân phân phối

Hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 04 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không, hơn 300 thương nhân phân phối

Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, nên qui định thương nhân phân phối không được mua hàng của thương nhân phân phối khác, chỉ được mua hàng từ tối đa 3 đầu mối.

Theo quy định hiện hành, các quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối tại các Nghị định cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vừa qua có một số kiến nghị như Nhà nước cần đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ của thương nhân về việc duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường hoặc duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc (kể cả trường hợp vượt mức tổng nguồn đã được phân giao), Nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ thương nhân đầu mối.

Thứ sáu, về ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu

Theo quy định tại Luật Giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá (Điều 8 Luật Giá). Do đó, có ý kiến cho rằng, với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao.

Trường hợp nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương thực hiện sẽ có thuận lợi trong tập trung một đầu mối giải quyết các tình huống cần xử lý linh hoạt nhưng sẽ phát sinh khó khăn về chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành và có thể làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ.

Thứ bảy, về quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hiệu quả song thực tiễn, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Vấn đề đặt ra theo một số ý kiến có thể sửa đổi các quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể sao cho hiệu quả.

Trường hợp bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo một số chuyên gia, Nhà nước không có công cụ để can thiệp và điều tiết để điều hành kinh tế vĩ mô chung (do xăng dầu là đầu vào quan trọng của đời sống kinh tế xã hội), đặc biệt khi giá xăng dầu tăng cao hoặc vào những giai đoạn nhạy cảm như lễ, Tết, thị trường có nhiều biến động và làm giá của các mặt hàng khác nhau tăng theo và khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm theo tương ứng. Tại một số địa bàn có mức độ cạnh tranh thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí để giảm giá bán cho người tiêu dùng hoặc doanh các doanh nghiệp có thể câu kết với nhau để cùng tăng giá bán, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng...

Thứ tám, về phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu

Hiện nay, việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ giao tổng nguồn xăng dầu phải thực hiện hàng năm của doanh nghiệp, không can thiệp vào cơ cấu nguồn và thời gian thực hiện cụ thể của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết. Quy định nêu trên nhằm tăng tính tự chủ trong thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, song vừa qua khi thị trường khó khăn, bộc lộ nhiều bất cập.

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo hướng quy định chi tiết nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu

Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo hướng quy định chi tiết nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo hướng quy định chi tiết nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu, đồng thời xem xét quy định tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Thứ chín, về dự trữ lưu thông bắt buộc

Theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc tương đương 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước; thương nhân phân phối xăng dầu phải thực hiện việc lưu thông bắt buộc tương đương 05 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước.

Việc quy định này nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu khi thị trường có biến động bất thường trong một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp có thời gian bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đề nghị giảm bớt gánh nặng này.

Thứ mười, về điều kiện kinh doanh xăng dầu

Một số ý kiến cho rằng, nên giảm một số điều kiện về kinh doanh xăng dầu hiện hành. Một số ý kiến lại đề nghị nên tăng điều kiện, siết lại việc gia nhập thị trường xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Việc tăng điều kiện sẽ hạn chế việc gia nhập thị trường xăng dầu đối với các doanh nghiệp khi chưa bảo đảm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước. Giảm số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu để công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu được thuận lợi hơn song lại mâu thuẫn với quan điểm phát triển thị trường, tăng tính cạnh tranh để nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu xã hội.

Như vậy, có thể thấy ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, xăng dầu vẫn được vận hành theo thị trường, song chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Đây là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam tham khảo trong nỗ lực sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu nói riêng và việc quản lý điều hành mặt hàng này trong thời gian tới nói chung.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-10-van-de-can-quan-tam-giai-quyet-cac-nut-that-va-vuong-mac-229825.html