Bài 2: Nhập nhèm công tác lấy mẫu nước sạch

Trong danh sách lấy mẫu nước tháng 8.2016 do Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) tỉnh Nam Định cung cấp cho phóng viên có hộ gia đình anh Vũ Xuân Lung (trú Đại Đê, xã Đại An, huyện Vụ Bản), dùng nước sạch từ nhà máy nước Liên Bảo, xác nhận với chúng tôi: “Thời gian trên, gia đình tôi không có ai đến lấy mẫu nước. Chữ ký trên danh sách hoàn toàn không phải chữ ký của tôi”.

Danh sách không đạt và các mẫu phiếu kết quả kiểm nghiệm nước.

Cũng tương tự, ông Bùi Văn Cận (trú tại xóm 8, Trại Nội, gia đình dùng nước của nhà máy nước Cốc Thành) khẳng định: “Trong thời gian này, gia đình tôi không có ai đến lấy mẫu nước nào cả. Kể cả tôi và vợ tôi cũng không ký vào bất cứ danh sách lấy mẫu nước nào”.

Tại trạm nước sạch Cốc Thành việc lấy mẫu ở nhà máy, trạm nước sạch và tại nhà dân thực hiện vào tháng 5.2015 và tháng 8.2016 đều có mẫu chữ gần như tương tự, giống nhau. Chính điều này đặt ra nghi vấn về việc có hay không các cán bộ kỹ thuật Trung tâm (NSVSMTNT - PV) đi lấy mẫu hay chỉ là hình thức, chiếu lệ.

Trong bảng tổng hợp kết quả phân tích hóa lý, vi sinh các trạm cung cấp nước nông thôn tỉnh Nam Định do Trung tâm NSVSMTNT cung cấp cho phóng viên, tháng 12.2015 có 5 trạm nước sạch không đạt chất lượng nước là trạm cấp nước xã Giao An, huyện Giao Thủy - độ đục là 7,7 vượt ngưỡng cho phép (NTU 2) hơn 3 lần; trạm cấp nước xã Xuân Kiên, Xuân Trường - độ clo dư 1, vượt ngưỡng cho phép 0,3-0,5 (mg/l); trạm bơm nước HTX Hồng Thái, Nam Tiến, huyện Nam Trực - độ đục 3,8; trạm bơm nước HTX Lê Lợi, Thành Lợi, Vụ Bản có tới 3 chỉ tiêu không đạt lượng clo dư thấp (0,1), Cliform là 5 - so với tiêu chuẩn 0 (con/100ml), Ecoli hoặc Coliform chịu nhiệt là 1 - so với tiêu chuẩn 0 (con/100ml)…

Cao nhất là tháng 8.2016 có tới 19 trạm cung cấp nước có kết luận chất lượng nước không đạt, trong đó đa phần là độ đục (NTU 2).

Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi thì ông Nguyễn Văn Phi - Phó phòng kế hoạch, kỹ thuật (Trung tâm NSVSMTNT) - cho biết: “Vì không có thẩm quyền xử phạt nên đến thời điểm này, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khi phát hiện những chỉ số không đạt thì chỉ nhắc nhở các trạm cấp nước sạch để họ căn chỉnh lại cho đạt theo tiêu chuẩn cho phép. Còn đạt hay không lại là chuyện khác vì còn dựa vào yếu tố chủ quan, khách quan. Ví dụ, khi các trạm nhỏ thu nước từ nước sông nội đồng, sông nhỏ, dòng chảy không được thông thủy, tự nhiên, khi con người đắp đập ngăn sông thì đó là yếu tố khách quan. Còn yếu tố chủ quan là nước thải từ sinh hoạt, môi trường ô nhiễm….”.

Theo ông Vương Duy Nam - Chủ tịch HĐQT Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 48%, nước đảm bảo vệ sinh là 94%”. Trong số đó, trên 10 nhà máy nước sạch nông thôn được xây dựng với công xuất trên 1.000m3 nước/ngày đêm với số vốn đầu tư xây dựng lên đến cả trăm tỉ đồng/nhà máy.

Tuy nhiên, trước thực trạng cung cấp nước sạch tại Nam Định như đã nêu, câu hỏi đặt ra là liệu việc kiểm nghiệm chất lượng nước có khách quan hay không? Các chỉ số của phiếu kiểm nghiệm có thực tế hay không? Hai đơn vị kiểm nghiệm (Cty CP Nước sạch & Vệ sinh nông thôn Nam Định Vệ sinh nông thôn Nam Định và Trung tâm NSVSMTNT) làm các kết quả xét nghiệm chất lượng nước có đúng quy trình và quy định của Nhà nước hay không?

Người dân nông thôn tỉnh Nam Định - những người đã phải bỏ tiền đầu tư (2 triệu đồng/hộ gia đình) và trả mức giá 7.000 đồng/m 3 nước sinh hoạt - đang chờ những câu trả lời từ cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ Y tế - những đơn vị trực tiếp quản lý và có thẩm quyền lo sức khỏe cho người dân.

Trong các phiếu kiểm nghiệm của Cty CP Nước sạch & Vệ sinh nông thôn Nam Định hiện đang trực tiếp quản lý, điều hành các nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, có 2 mục 6 và 7 tức là hàm lượng Nitrit và Nitrat lần lượt vượt giới hạn tối đa cho phép là 3 và 50.

Một chuyên gia sinh hóa cho biết: “Bình thường, hai chất này không phản ứng với nhau nhưng Hemoglobin (Hb) trong hồng cầu có chứa Fe2+ và methemoglobin (MetHb) có chứa Fe3+. Lượng MetHb trong hồng cầu thường là 1 - 2%. Chất tạo MetHb là những chất khi thâm nhập vào cơ thể có tác dụng chuyển Hb thành MetHb, khi đó Hb mất khả năng vận chuyển oxy cung cấp cho cơ thể. Điều này có thể dẫn đến ngộ độc, nhất là trẻ em. Nước ăn có hàm lượng Nitrit, Nitrat tăng cao cũng có thể gây ngộ độc”.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bai-2-nhap-nhem-cong-tac-lay-mau-nuoc-sach-613419.bld