Bài 2: Khắc phục tình trạng: Ngân hàng 'thừa tiền', doanh nghiệp thiếp vốn

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp khó khăn, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp (DN) là vô cùng cấp thiết, nhất là vào giai đoạn nước rút chuẩn bị đơn hàng dịp cuối năm.

DN cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu khi mà doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm bởi thị trường thiếu ổn định, khó khăn về đầu ra. Do đó, cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN để đảm bảo các trình tự, thủ tục vay vốn đơn giản hơn, qua đó kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các DN trong giai đoạn hiện nay.

Đến cuối tháng 8 vừa qua, lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5-2%/năm. Bên cạnh đó, trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động.

Nhiều ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất, gói vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hải

Nhiều ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất, gói vay vốn tín dụng đối với doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hải

Theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 8-2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2022, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%. Trên địa bàn tỉnh, theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 352,8 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 6,6% so với cuối năm ngoái, trong khi mức tăng trưởng này ở cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 16%.

Tốc độ tăng trường tín dụng chậm lại, trong khi nhiều DN lại rất cần nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để DN tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng lại không dễ do nhiều DN chưa đáp ứng được điều kiện, yêu cầu để vay vốn. Đó là một nghịch lý trong giai đoạn hiện nay.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, một trong những khó khăn hiện nay của DN đó chính là việc tiếp cận nguồn vốn. Thực tế là một số ngân hàng đang “thừa tiền” trong khi nhiều DN lại đang thiếu vốn để sản xuất nhưng lại không dám vay vốn do còn vướng về thủ tục vay vốn, nhất là đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất. Thậm chí, nhiều DN hiện chưa biết vay vay để làm gì khi sản xuất gặp khó khăn, đơn hàng sụt giảm, thị trường đầu ra trồi sụt…

Các giải pháp điều hành chính sách của NHNN Việt Nam đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, tuy nhiên, do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng nên nhiều DN “ngại” vay vốn. Do đó, nhiều gói vay, chương trình tín dụng vẫn chờ người vay.

Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, một trong những khó khăn trong quá trình giải quyết các thủ tục vay vốn đối với các chương trình hỗ trợ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ là nhiều DN thực sự rất khó khăn nhưng không đủ tài liệu chứng minh bị sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước, thiếu phương án kinh doanh khả thi… Nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều DN khó có thể dự báo được mức độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, do vậy có trường hợp DN còn e ngại vay vốn trong giai đoạn này.

Theo nhiều chuyên gia, để các DN thực sự tiếp cận được các gói vay, chương trình cơ cấu nợ để phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, rất cần có thêm các chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để đảm bảo các trình tự, thủ tục vay vốn đơn giản hơn, qua đó kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các DN trong giai đoạn cuối năm.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Linh Linh (H.Cẩm Mỹ) Nguyễn Thị Thảo Linh cho biết, công ty chuẩn bị bước vào mùa sản xuất cuối năm. Do đó, công ty mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất phù hợp, thủ tục, trình tự được đơn giản hơn để đảm bảo nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Tạ Thành Long cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng và DN nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là vấn đề tiếp cận vốn tín dụng...

Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có chương trình khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nửa đầu năm nay tại một số ngân hàng trong tỉnh.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng đoàn đã về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến cuối tháng 6-2023 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai vào cuối tháng 8-2023

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng đoàn đã về khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến cuối tháng 6-2023 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai vào cuối tháng 8-2023

Theo đó, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường yêu cầu thời gian tới, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. NHNN chi nhánh Đồng Nai cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn theo quy định.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/audio/202312/bai-2-khac-phuc-tinh-trang-ngan-hang-thua-tien-doanh-nghiep-thiep-von-48f44aa/