Bài 2: Dựng xây nếp sống mới, bắt nhịp cùng cả nước (Tiếp theo và hết)

Nhờ các chương trình đầu tư từ Trung ương đến địa phương, huyện Mường Nhé (Điện Biên) hôm nay có nhiều tiềm năng và vận hội mới, từng bước thu hẹp khoảng cách, bắt nhịp cùng cả nước.

Những công trình “ý Đảng, lòng dân”

Suốt chặng đường dài gần 60km từ trung tâm huyện Mường Nhé vào xã Sín Thầu, câu chuyện của tôi và Đại úy Lò Văn Điện, Chính trị viên phó Đồn biên phòng A Pa Chải xoay quanh sự đổi thay của những con đường, bản làng và đời sống văn hóa người dân địa phương. Theo anh Điện: Trước đây, từ trung tâm huyện Mường Nhé đến xã Sín Thầu phải đi bộ mấy chục cây số đường rừng, vượt qua nhiều suối sâu, như: Păng Pơi, Mo Phí, Nậm Ma... Ðường chưa có nên dân bản muốn mua đồ dùng thiết yếu đều phải đi bộ ra trung tâm huyện rất vất vả.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh Mường Nhé.

Bộ đội biên phòng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh Mường Nhé.

Nhưng bây giờ thì đã khác, cũng những cung đường uốn lượn quanh sườn núi nhưng êm ái, phẳng lỳ bởi các dự án tu sửa, cải tạo Quốc lộ 4H đã hoàn thành. Năm 2014, cùng với việc hoàn thành con đường vào Sín Thầu là hệ thống điện, trường, trạm. Đến Tết Tân Sửu 2021, 11/11 xã của huyện Mường Nhé có điện lưới quốc gia. Đồng chí Pờ Mí Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho hay: “Có điện khiến cuộc sống của người dân văn minh hơn. Các chính sách mới của Đảng, Nhà nước, chủ trương của địa phương cũng đến với bà con nhanh hơn”. Hệ thống trường học, từ 2 điểm trường vào năm 2011, đến nay huyện đã có 38 điểm trường với gần 600 phòng học các cấp. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song huyện cũng đã cố gắng xây dựng được hơn 10 trường đạt chuẩn quốc gia. Chăm sóc sức khỏe cho người dân được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 74,2% năm 2015 xuống còn 58,43% năm 2020. Đây là nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền, cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của địa phương.

Chúng tôi có mặt tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đúng dịp dân bản náo nức chuẩn bị đón Tết Hà Nhì. Tết năm nay đặc biệt hơn với dân tộc Hà Nhì, bởi 4 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Chung Chải tổ chức tập trung tại bản Tá Miếu. Mới sáng sớm nhưng từ trên đỉnh núi Khoan La San, khắp trong bản ngoài mường, đến đâu cũng thấy người đi dự hội tưng bừng, nhộn nhịp. Những chàng trai, cô gái xúng xính trong bộ trang phục truyền thống. Sau nghi thức Tết cổ truyền, dân bản hòa mình trong tiếng hát, điệu múa dân tộc Hà Nhì và tham gia các trò chơi dân gian...

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho hay: "Việc tổ chức tập trung Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì là hoạt động mang nhiều ý nghĩa đối với địa phương. Tổ chức Tết cổ truyền tập trung không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân mà còn xây dựng tình đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của từng dân tộc... Đây cũng là dịp để địa phương quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Sau lần này, chúng tôi sẽ nghiên cứu tổ chức các lễ hội gắn với văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện như Mông, Thái, Si La, Cống...".

Bảo vệ quyền lợi người yếu thế

Tuy giành được nhiều thành tựu, nhưng Mường Nhé cũng đang đối diện với tình trạng bất ổn về an ninh-trật tự, đặc biệt là tình trạng xâm phạm phụ nữ và người yếu thế. Theo giới thiệu của đồng chí Trưởng công an huyện Mường Nhé, chúng tôi gặp chị Giàng A X. ở bản Co Lót, xã Mường Nhé, là một trong những nạn nhân của vụ buôn bán người được lực lượng công an giải cứu. Cách đây 7 năm, lợi dụng khoảng thời gian chị đang có mâu thuẫn với chồng, hai đối tượng xấu đã dụ dỗ chị sang nước bạn để kiếm tiền. May thay, gia đình phát hiện và báo công an kịp thời. Chị Giàng A X. tâm sự. “Tôi đã biết rõ thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người nên giờ chỉ tập trung làm ăn, không nghe sự dụ dỗ của kẻ xấu”.

Mấy năm trước, tại Công an huyện Mường Nhé, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tiếp nhận, xử lý đơn thư của người dân đến trình báo về những trường hợp vắng mặt lâu ngày trên địa bàn không rõ nguyên nhân, nghi bị lừa bán sang nước bạn, mà đa phần là phụ nữ và trẻ em. Thiếu tá Tống Văn Chỉnh, Phó trưởng công an huyện Mường Nhé cho hay: "Đối tượng thực hiện hành vi mua bán người có phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường; thường trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao, tiếp cận, lợi dụng phụ nữ người dân tộc thiểu số hiền lành, nhẹ dạ để lừa bán. Để ngăn ngừa, trấn áp loại tội phạm này, những năm qua, Công an huyện Mường Nhé đã tổ chức rà soát, thu thập thông tin về các nạn nhân bị mua bán, số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, lập hồ sơ phục vụ công tác phối hợp xác minh, giải cứu, bảo vệ an toàn cho nạn nhân. Công an huyện cũng phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các điểm bản trên địa bàn".

Thực tiễn tại Mường Nhé cho thấy, từ một huyện với nhiều “bất ổn” trước làn sóng di cư, nạn mua bán người... nhưng một khi các quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật thì mỗi người dân không chỉ thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để tập trung phát triển kinh tế mà chính họ là những “cột mốc” nơi biên cương, góp sức xây dựng, bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Cũng từ thực tế của huyện Mường Nhé càng cho thấy chủ trương của Đảng ta về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Chia tay Mường Nhé, vùng đất xa xôi nơi cực Tây Tổ quốc, nằm trên "ngã ba biên giới" nhưng chúng tôi thấy gần gũi lạ thường. Mường Nhé "không còn xa" bởi những con đường đã phẳng hơn, êm ái hơn; bởi những cánh hoa dã quỳ rực vàng bên suối, bởi những cánh hoa mơ, hoa mận nở trắng khắp núi rừng mùa xuân như hút lòng người. Tôi còn nhớ lời trải lòng của đồng chí Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé: "Qua bao khó khăn, thăng trầm, đến hôm nay Mường Nhé có thể tự hào vì đã được hồi sinh và bắt nhịp cùng cả nước. Người dân các dân tộc Hà Nhì, Mông, Thái... của Mường Nhé tự tin vững bước để thoát nghèo, dựng xây quê hương giàu đẹp, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc".

Huyện Mường Nhé có đường biên giới chung với Lào, Trung Quốc, dài hơn 132km. Huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn huyện hơn 45.000 nhân khẩu. Thành phần dân tộc thiểu số chiếm tới 93,6% dân số toàn huyện (người Mông 64,4%; Hà Nhì 11,7%; Thái 10%...). Huyện có diện tích đất tự nhiên và đất lâm nghiệp 157.372,9ha (90,3% là đất lâm nghiệp). Mường Nhé có tiềm năng trồng các loại cây công nghiệp, dược liệu và phát triển du lịch.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-dung-xay-nep-song-moi-bat-nhip-cung-ca-nuoc-tiep-theo-va-het-652320