Bài 2: Đảm bảo các dân tộc bình đẳng

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; vận động xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới...

Đạt nhiều thành quả, nhưng hạn chế, tồn tại chưa phải đã khắc phục hoàn toàn. Tại Hội nghị lần thứ tám, ngày 24.11.2023, Trung ương nhận định, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong nhân dân.

Múa rồng nhang tại lễ Vía đức Chí tôn ở Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Thực hiện chính sách dân tộc

Trung ương đánh giá, một số chính sách chưa sát với thực tế, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận nhân dân- nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hóa giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn. Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chưa nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu, chưa thực sự gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nghiên cứu lý luận trên một số mặt chưa theo kịp với thực tiễn phân hóa, biến đổi của các giai tầng xã hội, chưa làm rõ mối quan hệ liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Sự chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trong đó, đối với vấn đề dân tộc, “đảm bảo các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; vận động xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”- Nghị quyết 43 năm 2023 nêu.

Đối với tôn giáo, Trung ương yêu cầu vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp phát động. Đảm bảo để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ giải quyết các nhu cầu chính đáng của quần chúng tín đồ trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh. Tôn trọng, khuyến khích phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, Đảng luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Vấn đề đoàn kết tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung nhằm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ý nghĩa chiến lược

Cần nói rõ, quan điểm của Đảng về đoàn kết tôn giáo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước, thể hiện qua nhiều điểm quan trọng. Quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII về đoàn kết tôn giáo thể hiện sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một khẳng định tinh thần, ý nghĩa to lớn của chính sách đại đoàn kết. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công. Đối với vấn đề đoàn kết tôn giáo, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3.9.1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tại thời điểm đó, chính quyền cách mạng còn non trẻ và có lúc lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự mềm dẻo, linh hoạt đã giải quyết tế nhị vấn đề tôn giáo. Người vạch rõ tính chất nguy hiểm nếu khối đoàn kết toàn dân bị rạn nứt: “Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm cho ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là đảng toàn dân quyết giành độc lập” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4, tr. 169).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cần nhắc lại, trước khi đổi mới, trong một giai đoạn khá dài, hơn 10 năm, có lúc chúng ta đã mắc những sai lầm, không thể huy động tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, của mọi giai tầng, cộng đồng dân cư, trong đó có đồng bào các tôn giáo và nguồn lực tôn giáo vào quá trình phát triển lực lượng sản xuất.

Xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, trật tự thế giới với xu hướng đa cực, đa phương, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế. Trong xu thế hội nhập, các thế lực thù địch cũng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình” với Việt Nam, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra hạn chế trong thực hiện vấn đề này thời gian qua: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ… Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.88). Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác của nhiệm kỳ trước và nắm bắt những đặc điểm mới của thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở lại với quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của đại đoàn kết, khẳng định nhất quán ý nghĩa của việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó định hướng đúng đắn cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo, thực hiện đoàn kết và phát huy nguồn lực tôn giáo.

Việt Đông

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-dam-bao-cac-dan-toc-binh-dang-a169853.html