Bài 2: Công an huyện Bình Chánh: Làm tốt công tác cấp giấy tờ tùy thân cho nhân khẩu đặc biệt

Nằm ở cửa ngõ hành lang chính thức khu vực phía Tây, Tây Bắc và phía Nam TPHCM, Bình Chánh là một trong những đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông nhất cả nước. Với đặc điểm địa bàn nhiều kênh rạch, dân số đông mà phần lớn là người nhập cư nên việc quản lý địa bàn gặp không ít khó khăn, tuy nhiên thực hiện kế hoạch giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân (CCCD) cho nhân khẩu đặc biệt (NKĐB) của Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06 TPHCM với phương châm 'để không ai bị bỏ lại phía sau', Công an huyện (CAH) Bình Chánh đã triển khai đến công an (CA) các xã, thị trấn thực hiện thu thập dữ liệu dân cư (DLDC), cấp định danh cá nhân (ĐDCN), giải quyết cư trú và cấp CCCD cho các trường hợp thuộc diện NKĐB trên địa bàn.

Lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui

Nhìn ông Dương Văn Lý (SN 1966, quê Hậu Giang, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) cầm tờ giấy khai sinh (GKS) vừa được cấp khóc rưng rức, Thiếu tá Trần Văn Nguyên - Phó trưởng Công an xã (CAX) Lê Minh Xuân - không ngừng động viên: "Nhận được GKS, chú phải mừng chớ, sao khóc hoài vậy?". Người đàn ông nghe thế liền bật cười: "Tui mừng quá chú à! Nhiều năm hết hy vọng rồi mà giờ làm được. Tui rày đau mai yếu, đi viện tốn tiền mà không có giấy tờ, không mua được bảo hiểm y tế (BHYT), giờ thì yên tâm rồi!". Nán lại nói chuyện cùng ông Lý, Thiếu tá Nguyên cho biết không chỉ cấp GKS và mã ĐDCN mà CA xã sẽ tham mưu cho chính quyền xã Lê Minh Xuân xác định nơi cư trú hợp pháp để đăng ký thường trú, tiếp đó làm CCCD gắn chíp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như ông Lý, tạo điều kiện tối đa cho người dân sinh sống thuận lợi trên địa bàn.

Trung tá Trần Văn Nguyên - Phó trưởng Công an xã Lê Minh Xuân - hướng dẫn thủ tục cấp CCCD cho người dân

Cùng hoàn cảnh như ông Lý, bà Nguyễn Ngọc Nổi (SN1959, quê Long An) về sinh sống ở xã Lê Minh Xuân đã hơn 30 năm. Không chồng con, bà sống cùng người cháu trai. Trước dịch Covid-19, việc buôn bán thuận lợi, bà cũng dành dụm được chút ít. Sau dịch, kinh tế khó khăn, người cháu làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, bà còn chút tiền gửi tiết kiệm, hai cô cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày. Không giấy tờ tùy thân, bà Nổi lo lắng: "Khỏe mạnh thì không sao, chớ giờ đau bệnh mà không có BHYT thì tiền đâu mà thuốc thang hả cô?". Cầm tờ GKS, bà Nổi cứ mân mê hoài như vật quý giá lắm đối với mình. Bà Trương Thị Dài (SN 1942) đi nhận GKS cùng cô con gái lớn là chị Nguyễn Thị Hương (SN 1970) chia sẻ, bà mồ côi cha mẹ từ bé nên không có giấy tờ tùy thân, lớn lên lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, tất cả cũng cứ thế lớn lên như cây cỏ rồi lập gia đình, ai nấy đều có cuộc sống riêng. Chỉ còn lại bà và cô con gái lớn tan vỡ hôn nhân nương tựa vào nhau bằng nghề bán vé số. Bà bảo: "Từ nhỏ tới lớn có cái giấy lận lưng bao giờ đâu! Cũng không biết hỏi ai, nhờ có mấy anh CA đến tận nhà tìm hiểu rồi hướng dẫn đủ thứ. Nay mấy ảnh kêu ra nhận GKS mà tui với con Hai mừng quá trời luôn!".

Thiếu tá Nguyên cho biết, đặc thù xã này có số lượng dân nhập cư đông, tập trung tại các nhà trọ, trình độ học vấn thấp và gặp khó khăn về kinh tế nên một số người dân không quan tâm đến vấn đề liên quan tới các loại giấy tờ tùy thân. Để bảo đảm 100% công dân (CD) đang cư trú đều có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các giao dịch thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CD, góp phần đưa Đề án 06/CP gần hơn với thực tế và đời sống của nhân dân, lực lượng CA xã phải sâu sát địa bàn, đến từng hộ, gặp từng người để tìm hiểu, thu thập thông tin. Sau đó, CA xã tiếp tục tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để rà soát. Khi xác định các nhân khẩu trên không nằm trong danh sách truy nã, truy tìm, CA xã mới đề xuất Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân chỉ đạo bộ phận Tư pháp xem xét giải quyết cấp GKS theo quy định đối với số nhân khẩu trên.

Xác minh cuốn chiếu, làm tới đâu, cấp tới đó

Ngày 23/3, CA huyện Bình Chánh đã cùng Tổ Đề án 06 xã Bình Hưng đến tận nhà trao GKS và thông báo mã số ĐDCN cho 7 trường hợp thuộc diện NKĐB không có giấy tờ tùy thân trên địa bàn xã Bình Hưng.

Tại xã này, qua rà soát có 35 trường hợp được CAX đề nghị giải quyết việc cấp GKS làm cơ sở cấp thông báo số ĐDCN. Đến nay đã có 11 trường hợp được UBND xã cấp GKS, 4 trường hợp đang xác minh, 14 trường hợp được hướng dẫn chờ bổ sung tường trình, 4 trường hợp đã có GKS từ trước, 1 trường hợp CD mang quốc tịch nước ngoài và 1 trường hợp không có mặt tại địa phương. Trong buổi lễ, bà Dư Thị Hai (81 tuổi) cầm chặt tờ GKS vừa được trao như báu vật, xúc động bày tỏ: "Cảm ơn các con, mấy chục năm rồi bà mới có GKS, trước nay không có cơ hội để làm, nay được các con giúp, bà mừng lắm!".

Trước giờ đi khám bệnh, do không có mã định danh nên dù được ưu tiên theo diện người khuyết tật, bà Hai luôn gặp khó khăn về các TTHC, dù được nhân viên y tế thông cảm, hướng dẫn về CA địa phương xác nhận trường hợp NKĐB. Giờ có GKS và mã định danh, có thể mua được BHYT, bà Hai mừng, con gái là chị Diệp Thị Mỹ Hoa cũng yên tâm vì với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, BHYT chính là phao cứu sinh những lúc ốm đau, bệnh tật.

Trao giấy khai sinh cho bà Trương Thị Dài tại xã Lê Minh Xuân

Những người lớn tuổi như bà Hai đều mong GKS, mã ĐDCN vì có những giấy tờ đó đồng nghĩa với việc họ có thể làm CCCD, mua BHYT để trông cậy lúc đau yếu. Ông Vũ Duy Xuân - Phó trưởng CAX Bình Hưng - cho biết: "Thời gian tới, Tổ Đề án 06 xã Bình Hưng sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ người dân (kể cả người mới cư trú trên địa bàn) về hướng dẫn pháp lý cũng như tạo điều kiện đăng ký cư trú, cấp CCCD, mã số định danh điện tử cho người dân".

Trước đó, vào ngày 12/3 CAX An Phú Tây cũng đã tổ chức đợt 2 bàn giao GKS, thông báo ĐDCN cho NKĐB. Với nỗ lực "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số, từ ngày 15/12/2023 đến 12/3/2024 CAX này đã khẩn trương triển khai các biện pháp thu thập thông tin, "làm sạch" dữ liệu nhằm kịp thời tham mưu Tổ công tác Đề án 06 xã cấp các loại giấy tờ tùy thân cho 4 NKĐB. Trước đó, trong đợt 1, CAX An Phú Tây đã tham mưu cấp giấy tờ tùy thân cho 16 trường hợp có hoàn cảnh tương tự. Thời gian tới, Trung tá Trần Văn Tuấn - Trưởng CAX, Tổ phó thường trực Tổ công tác xã An Phú Tây - cho biết, CAX An Phú Tây sẽ tiếp tục phát huy vai trò thường trực Tổ công tác Đề án 06, thực hiện công tác rà soát, thu thập dữ liệu dân cư, phối hợp với phía Hộ tịch cấp giấy tờ tùy thân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện NKĐB nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi CD đang sinh sống trên địa bàn.

Trước thềm xuân Giáp Thìn, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM (CATP) cũng đã phối hợp với CAX Tân Kiên, huyện Bình Chánh đến tận nhà trao GKS và quà Tết cho 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Tân Kiên. So với những người sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội, dù không có giấy tờ tùy thân nhưng vẫn có cái ăn, cái mặc hàng ngày, ốm đau bệnh tật được trung tâm đưa đi bệnh viện, những người sống ở ngoài xã hội không có giấy tờ tùy thân gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ông Võ Văn Tư (SN 1955, ngụ ấp 4, xã Tân Kiên) sinh ra ở Q.Gò Vấp, sau về Quận 6 sinh sống. Bị bắt đi lính chế độ cũ, ông Tư trốn về nên không có tờ giấy lận lưng. Lấy vợ là bà Hà Nguyệt cùng cảnh nghèo như nhau, ông bà dắt nhau về quê vợ ở xã Tân Kiên sinh sống bằng nghề nhặt ve chai. Trong 1 lần đi làm, ông bị tai nạn, từ đó cứ nhớ nhớ quên quên. Do không GKS, không có thường trú, ông không được mua BHYT. Thấy chồng ốm đau bệnh tật liên miên nhưng bà Nguyệt không dám đưa đi bệnh viện, bởi việc chi trả viện phí nằm ngoài khả năng của bà.

Anh Phạm Văn Lâm (SN 1959, ngụ tổ 10A, ấp 1, xã Tân Kiên) là trẻ mồ côi, sống trong cô nhi viện ở An Lạc trước năm thống nhất đất nước. 14 tuổi, anh trốn khỏi cô nhi viện, từ đó sống lang bạt, không giấy tờ tùy thân. Gặp người phụ nữ cùng cảnh ngộ, họ gá nghĩa với nhau nhưng không may, vợ anh mất sớm, từ đó anh Lâm lại tiếp tục cuộc đời đơn độc. Được cấp GKS, anh rưng rưng nước mắt: "Sống hơn 50 năm trên cuộc đời, lần đầu tiên tui có tờ giấy lận lưng". Đồng chí Thịnh - CSKV vỗ vai anh Lâm động viên: "Vui lên anh! BHYT cho anh, tui cũng vận động mua luôn rồi đó!". Nghe thế, người đàn ông đã tới lưng chừng dốc bên kia của cuộc đời xúc động nghẹn lời.

Công an huyện Bình Chánh cho biết, tổng số NKĐB, không có giấy tờ tùy thân trên địa bàn là 252 trường hợp. Công an huyện đã khẩn trương xác minh, tham mưu cho chính quyền cấp GKS cho 201 trường hợp, còn lại 51 trường hợp đang tiếp tục xác minh, sẽ cấp cuốn chiếu cho đến khi hoàn thành và tiếp tục thực hiện với những trường hợp mới phát sinh qua công tác điều tra, nắm địa bàn.

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bai-2-cong-an-huyen-binh-chanh-lam-tot-cong-tac-cap-giay-to-tuy-than-cho-nhan-khau-dac-biet_161048.html