Bài 2: Chủ động chuẩn bị từ sớm

Năm nay, công tác tổ chức lễ hội được các địa phương, di tích chuẩn bị từ sớm, với nhiều phương án nhằm bảo đảm văn minh, an toàn, thể hiện đậm nét truyền thống.

Công tác tổ chức lễ hội được các địa phương, di tích chủ động chuẩn bị từ sớm. Ảnh: Hồng Hà

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo ghi nhận, lưu lượng khách dự hội khá đông những ngày đầu năm mới, nhưng không còn xảy ra tình trạng “vỡ trận”, “tranh cướp”, “xô xát”… như những mùa lễ hội trước. Đây là kết quả của công tác chuẩn bị từ sớm, đặc biệt với những địa phương, ban tổ chức lễ hội lớn, thu hút đông người tham dự. Các phương án lễ hội được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm trật tự, văn minh. Điều này đã thấy ở các lễ hội của Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh…

Hà Nội có khoảng 1.500 lễ hội truyền thống, đến nay hơn 400 lễ hội đã được tổ chức. Cơ bản các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, người dân dự lễ hội tươi vui. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thị Vân Anh cho biết, thành công bước đầu của mùa lễ hội năm nay là sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như người dân khi thực hiện, triển khai.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó, yêu cầu việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan; tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc... “Thành phố công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người dân và du khách. Đoàn kiểm tra đã nhanh chóng tiếp nhận, xác minh và xử lý những thông tin theo phản ánh. Một số lễ hội còn để tồn tại hình ảnh chưa đẹp đã được phát hiện, xử lý kịp thời”, bà Trần Thị Vân Anh thông tin.

Toàn tỉnh Nam Định có hơn 300 lễ hội truyền thống, trong đó khoảng 100 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự, như Lễ hội chợ Viềng, Lễ hội đền Trần, Lễ hội phủ Dầy... Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng cũng như sự an toàn của người dân, UBND tỉnh Nam Định sớm ban hành kế hoạch, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự, các điểm di tích, danh thắng…

Với 243 lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao; công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Thời gian tới, Thanh tra Sở tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng, mê tín dị đoan để thu lợi bất chính...

Điều chỉnh công tác tổ chức, tích cực tuyên truyền

Trong nhiều lễ hội đã và đang diễn ra từ đầu năm của Hà Nội, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới nhất và nhận được đánh giá cao của nhiều người dân, du khách khi du xuân, lễ Phật. Lần đầu tiên thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách. Việc làm này nhằm chấm dứt tình trạng “cò mồi”, chèo kéo, vòi thêm tiền từ du khách. Bên cạnh đó, 10 trạm soát vé điện tử tiếp tục phân luồng, kiểm soát an ninh, hỗ trợ du khách xuống các thuyền đò…

Những điều chỉnh này đã giúp cho Quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương không còn cảnh lộn xộn thường thấy. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, huyện đã chỉ đạo các tiểu ban liên quan sẵn sàng ứng trực, kiểm tra, giám sát các hoạt động để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, không để người hành khất trong khu vực lễ hội, phòng ngừa tệ nạn xã hội…

Đối với lễ hội đền Trần, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định Nguyễn Thị Như cho biết, chính quyền thành phố lập 2 tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong lễ hội. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định cũng yêu cầu chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, hiện tượng phản cảm, không văn minh…

Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức từ ngày 24 - 26.3 (tức 15 - 17.2 âm lịch) tại Khu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Để lễ hội diễn ra thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các sở, ngành liên quan và huyện Tam Đảo xây dựng kịch bản tổ chức lễ hội; chuẩn bị cơ sở vật chất, phân công lực lượng hướng dẫn viên tại di tích; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tại di tích; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch...

Lễ hội Đền Đô (Bắc Ninh) sẽ diễn ra từ ngày 14 - 16.3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công ơn của vua Lý Công Uẩn, người khai mở vương triều Lý, phát triển văn minh Đại Việt, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đại diện Ban quản lý di tích đền Đô cho biết, kế hoạch tổ chức đang được nghiên cứu, triển khai, bảo đảm lễ hội được tổ chức trang trọng, văn minh...

Ngọc Phương - Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-2-chu-dong-chuan-bi%C2%A0tu-som-i362709/